Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Ngành thép khủng hoảng từ quy hoạch

Theo ông Nguyễn Mạnh Quân, Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng, sau hơn hai năm thực hiện quy hoạch ngành thép (2007- 2009), hiện số lượng dự án các địa phương cấp chứng nhận đầu tư không nằm trong danh mục quy hoạch là 32 dự án còn lớn hơn số dự án trong quy hoạch, 23 dự án.

Thừa dự án, thiếu sản phẩm chất lượng

Cũng theo ông Quân, điều đáng lo ngại hơn là việc bố trí các dự án đang bất hợp lý. Riêng khu vực Thạch Khê, Hà Tĩnh, có tới 4 liên hợp luyện kim công suất từ 2- 15 triệu tấn một năm, dẫn đến tình trạng chồng chéo trong cấp đất cho các dự án, gây áp lực cho nguồn tài nguyên của địa phương. Chẳng hạn, đất cấp cho dự án Tata-VnSteel (liên doanh Tập đoàn Tata- Ấn Độ và Tổng công ty Thép Việt Nam) đang trong thời gian đàm phán thì tỉnh Hà Tĩnh lại vội vàng cấp phần đất này cho dự án Formosa (Đài Loan). Hiện, tỉnh chưa biết giải quyết vị trí ra sao cho dự án Tata-VnSteel.

Cũng bởi có quá nhiều dự án “vượt” quy hoạch nên tổng công suất theo thiết kế của các dự án đã vượt xa nhu cầu. Dự báo năm 2010, nhu cầu thép tối đa của cả nước khoảng 11 triệu tấn, nhưng tổng công suất của các dự án được cấp phép đã lên tới vài chục triệu tấn một năm.

Sử dụng công nghệ cũ khiến thép nội có sức cạnh tranh thấp. Ảnh: Đức Long

Theo ông Phạm Chí Cường, Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam, nhu cầu trong nước có hạn, xuất khẩu thép tối đa cũng chỉ đạt 10% sản lượng vì thị trường thép thế giới đã có nhiều nhà xuất khẩu thép khổng lồ: Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc… “Cạnh tranh của ngành thép cả trong thị trường nội địa lẫn xuất khẩu sẽ rất khốc liệt, thua thiệt sẽ rơi vào các doanh nghiệp thép nhỏ và vừa của Việt Nam”, ông Cường dự báo.

Ngay thời điểm hiện tại, các nhà máy cán thép trong nước đang phải đối mặt với tình trạng dư thừa công suất, công suất cán thép sử dụng chỉ đạt 60- 70%. Trong khi, các sản phẩm chất lượng cao, nhu cầu tiêu thụ đang tăng cao, trong nước lại chưa sản xuất được: thép không hợp kim, thép mạ điện hợp kim để phục vụ nhu cầu sản xuất cơ khí, ô tô, động cơ điện…

Công nghệ lạc hậu

Điều đáng nói là trừ những dự án liên hợp thép lớn, đa số các dự án thép các công ty trong nước đang xây dựng như dự án Công ty TNHH Thái Hưng (Hải Dương), Công ty cổ phần thép Hưng Thịnh Phát (Phú Thọ), Công ty cổ phần thép Sông Đà… do hạn chế về vốn nên chỉ lựa chọn công nghệ ở mức trung bình của Trung Quốc: lò cao nhỏ có dung tích ≤ 250 m3, hoặc lò điện hồ quang 40- 70 tấn mỗi mẻ. Trong khi, ngay tại Trung Quốc, những công nghệ này đã không còn được sử dụng do tiêu hao nhiều năng lượng.

Theo tiến sĩ Nguyễn Văn Sưa, nguyên Viện trưởng Viện luyện kim đen: “Sử dụng công nghệ lạc hậu dẫn đến thép trong nước 5- 7 năm tới sẽ ra lò ồ ạt nhưng khả năng cạnh tranh đuối hơn hẳn so với thép ngoại nhập”.

Quá nhiều dự án thép được cấp phép, đa số lại sử dụng công nghệ trung bình hoặc lỗi thời so với thế giới nên mức độ ảnh hưởng đến môi trường không nhỏ. Theo TS Sưa, để sản xuất một tấn thép, ở châu Âu thải ra 1,7 triệu tấn CO2, còn ở Việt Nam là 2,9 triệu tấn CO2. Nếu tất cả các dự án thép được cấp phép và triển khai đúng cam kết thì đến năm 2020, ngành thép sẽ thải ra 174 triệu tấn CO2. Lúc đó, riêng ngành thép sẽ “giáng” lên mỗi đầu người dân Việt Nam thêm 1,5 tấn khí CO2.

(Đất việt)

ĐỌC THÊM