Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Ngành thép kiến nghị nhiều giải pháp thúc đẩy tăng trưởng bền vững

Trong quý I/2022, mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức do dịch COVID-19, tuy nhiên,sản xuất và tiêu thụ thép thành phẩm tăng trưởng lần lượt là 3,2% và 7,7% so với cùng kỳ.

Tín hiệu tăng trưởng tốt

Ngày 18/4 vừa qua, Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) công bố báo cáo về tình hình thị trường thép Việt Nam tháng 3 và quý I/2022.

Theo đó, trong tháng 3/2022, sản xuất thép thành phẩm đạt 3,338 triệu tấn, tăng 29,16% so với tháng 2/2022 và tăng 6,8% so với cùng kỳ 2021. Tiêu thụ thép các loại đạt 3,123 triệu tấn, tăng 21,3% so với tháng trước và tăng 2,4% so với cùng kỳ. “Tính chung quý I/2022 so với cùng kỳ năm 2021, sản xuất thép thành phẩm đạt 8,456 triệu tấn, tăng 3,2%; tiêu thụ thép thành phẩm đạt 8,137 triệu tấn, tăng 11,9%”- báo cáo của VSA nêu cụ thể.

Đáng chú ý, về xuất khẩu, trong tháng 3/2022, xuất khẩu thép thành phẩm của Việt Nam đạt 956 nghìn tấn, tăng 75,41% so với tháng trước, nhưng giảm 22,8% so với cùng kì năm 2021. Trị giá xuất khẩu đạt 908,63 triệu USD, tăng 71,87% so với tháng 2/2022 và tăng 1,05% so với cùng kỳ năm 2021.

Tính chung quý 1/2022, Việt Nam đã xuất khẩu khoảng 2,275 triệu tấn thép giảm 22,15% so với cùng kỳ năm trước. Giá trị xuất khẩu đạt 2,3 tỷ USD tăng 12,53% so với cùng kỳ năm 2021.

Thị trường xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam trong quý I/2022 tập trung vào các khu vực ASEAN (40,57%), khu vực EU (19,32%), Hoa Kỳ (8,34%), Hàn Quốc (6,97%) và Hồng Kông (3,91%).

Theo dự báo của một số chuyên gia, trong năm 2022, sản lượng tiêu thụ thép nội địa sẽ tăng trưởng tốt dựa trên tăng giải ngân đầu tư công, tập trung vào cơ sở hạ tầng, và hoạt động xây dựng dân dụng phục hồi khi dịch bệnh được kiểm soát.

Cụ thể, Quốc hội đã thông qua gói hỗ trợ hồi phục kinh tế trị giá 350.000 tỷ đồng, trong đó 113.850 tỷ đồng được phân bổ cho phát triển kết cấu hạ tầng, tập trung cho các dự án trọng điểm như cao tốc Bắc – Nam phía Đông, sân bay Long Thành, các cảng logistics lớn..., kéo theo nhu cầu tiêu thụ sắt thép gia tăng.

Nâng cao năng lực, thích ứng để phát triển

Hiện nay, Việt Nam đã tham gia 15 FTA điều này vừa tạo ra cơ hội gia tăng xuất khẩu cũng như đòi hỏi các ngành sản xuất phải thích ứng để phát triển…Bên cạnh đó doanh nghiệp sản xuất thép cũng có thêm cơ hội để thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu ra các thị trường mới

Ông Nghiêm Xuân Ða - Chủ tịch VSA cho biết, đê tạo động lực cho ngành thép phát triển, Nghị quyết 01/NQ-CP được ban hành ngày 9/1/2022 với các giải pháp phát triển, phục hồi kinh tế-xã hội sẽ thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, đẩy mạnh xuất khẩu và đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.

Việc huy động mọi nguồn lực phát triển hạ tầng sẽ là trợ lực cho ngành thép phát triển mạnh hơn, giúp các doanh nghiệp ổn định trong hoạt động sản xuất, kinh doanh theo hướng thích ứng linh hoạt với đại dịch Covid-19.

Ông Nghiêm Xuân Ða cũng cho hay, đối với Nghị định 101/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 122/2016/NĐ-CP và Nghị định số 57/2020/NĐ-CP nhằm góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát đã được ban hành, ngành thép luôn tuân thủ và sẽ triển khai có hiệu quả trong thời gian tới.

Các doanh nghiệp thép xác định đây vừa là thách thức, vừa là cơ hội đòi hỏi doanh nghiệp sản xuất thép không ngừng đổi mới công nghệ, giảm chi phí giá thành nâng cao năng lực cạnh tranh trong bối cảnh hậu Covid-19 hiện nay”- Chủ tịch VSA nhấn mạnh.

Tuy nhiên VSA cũng kiến nghị Chính phủ, đề nghị các bộ, ngành liên quan chủ trì xây dựng và sớm ban hành tiêu chuẩn quốc gia đối với các sản phẩm tôn mạ, tôn phủ màu. Đồng thời, hướng dẫn quy trình tham gia của các bên như cơ quan nhà nước, hiệp hội, doanh nghiệp để có tiêu chuẩn quốc gia phù hợp với xu thế hội nhập toàn cầu hiện nay. Quy chuẩn Việt Nam cũng cần thích ứng với tiêu chuẩn của các quốc gia khác để sản phẩm Việt Nam có thể đẩy mạnh, bán ra thị trường nước ngoài.

Bên cạnh đó, để đảm bảo cân đối cung-cầu năm 2022, VSA khuyến nghị Nhà nước có các chính sách khuyến khích đầu tư, thúc đẩy và bảo vệ sản xuất thép trong nước nhất quán, ổn định lâu dài. Ngoài ra, cơ quan nhà nước hỗ trợ các DN trong việc áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại để bảo vệ sản xuất trong nước, cũng như ứng phó với các vụ kiện phòng vệ thương mại của các nước đối với các mặt hàng thép xuát khẩu của Việt Nam nhằm giảm thiểu các thiệt hại cho các doanh nghiệp.

Nguồn tin: Công thương

ĐỌC THÊM