Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Ngành thép & kỳ vọng trong năm 2013

Tại Hội nghị triển khai kế hoạch năm 2013 của ngành thép, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng nhấn mạnh sẽ quyết liệt thực hiện nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn cho DN ngành thép với các chính sách kích cầu đầu tư, tiêu thụ và giảm lãi suất cho vay.

Một năm sóng gió

Đánh giá của Bộ Công Thương chỉ rõ, năm 2012 là năm hết sức khó khăn đối với thị trường thép thế giới do tác động của cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu, bắt nguồn từ cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu, sự suy yếu của Mỹ và các nền kinh tế châu Á, đặc biệt là Trung Quốc đã khiến nhu cầu tiêu thụ giảm sút nghiêm trọng trong khi sản lượng tiếp tục tăng, ép giá giảm xuống trong 9 tháng đầu năm nay. Song 3 tháng cuối năm, thị trường thép bắt đầu khởi sắc ở một số thị trường châu Á, BRIC (Trung Quốc, Ấn Độ, Nam Phi, Brazin, Nga) và Mỹ nhờ có các chính sách cắt giảm sản xuất của các nước, các nhà đầu tư tâm lý thoải mái hơn khi chính phủ Trung Quốc tuyên bố chi 158 tỷ USD vào hơn 60 dự án cơ sở hạ tầng và gói nới lỏng tiền tệ lần 3 (QE3) đã được Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tung ra vào ngày 13/9. Thị trường thép châu Âu vẫn trong tình trạng ế ẩm do nhu cầu yếu. Tuy nhiên, trong tháng 12, các nhà máy thép tại Bắc Âu đã thành công trong việc tăng giá thép. Giá thép dây cán nóng đã tăng 2,8% và giá thép dây cán nguội tăng 1,6% so với tháng 11. Điều này cho thấy nhu cầu đã có nhích lên và các nhà sản xuất đã cắt giảm sản xuất đủ để hỗ trợ giá. Tuy nhiên, nhu cầu tiêu thụ từ ngành ôtô và các ngành chế tạo khác vẫn yếu.
 
Trong nước, các doanh nghiệp thép không chỉ gặp khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm mà còn phải đối mặt tình trạng thiếu vốn nên có nhiều dự án chậm tiến độ. Theo đánh giá của Tổng Công ty Thép Việt Nam (VnSteel), năm 2012 là năm khó khăn nhất đối với các DN trong ngành do thị trường bất động sản "đóng băng" kéo dài khiến nhiều dựa án xây dựng bị đình trệ, thị trường thép "tắc" đầu ra. Bên cạnh đó, sản phẩm thép trong nước lại phải cạnh tranh khốc liệt với thép nhập khẩu giá rẻ từ Trung Quốc. Trong tình hình đó, có những tháng phần lớn các nhà máy chỉ chạy 40-50% công suất, thậm chí 30% công suất để duy trì sản xuất và giữ chân người lao động. 
 
Năm 2013 tiếp tục được dự báo sẽ còn khó khăn đối với thị trường thép
 
Thống kê của VnSteel cho thấy, lượng thép xây dựng tiêu thụ năm 2012 chỉ đạt 4,5 triệu tấn, giảm 10% so với năm 2011. Sản lượng thép xây dựng toàn ngành tính đến hết năm 2012 ước giảm 13-14% so với năm 2011. Nhiều nhà máy thép phải giảm sản xuất, nhiều nơi dừng đầu tư hay mở rộng, một số thì đóng cửa hoặc phá sản... 
 
Hy vọng trong năm 2013
 
Năm 2013 tiếp tục được dự báo sẽ còn khó khăn khi nhu cầu tiêu dùng, đầu tư giảm sút, thị trường bất động sản (BĐS) vẫn chưa phục hồi. Thị trường có nhiều biến động khó lường, các sản phẩm nguyên vật liệu phục vụ sản xuất tăng trong thời gian ngắn nhưng lại giảm giá trong thời gian dài và không ổn định. Tốc độ giảm giá bán bình quân của phôi thành phẩm lớn hơn nhiều so với tốc độ giảm giá bán bình quân của phế liệu đầu vào. 
 
Tình hình trên buộc các doanh nghiệp phải điều chỉnh kế hoạch để phù hợp với nhu cầu thị trường, cắt giảm chi phí giá thành sản phẩm và thực hành tiết kiệm.  Tuy nhiên, trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế được dự báo sẽ tiếp tục kéo dài sang năm 2013, VnSteel cũng nhận định thị trường BĐS, hoạt động sản xuất công nghiệp và xây dựng sẽ còn khó khăn về vốn và chưa khởi sắc. Do đó, hoạt động sản xuất - kinh doanh của ngành thép tiếp tục sẽ đối mặt với nhiều thách thức khi những "nút thắt" lớn của năm 2012 là hàng tồn kho lớn, vốn đầu tư, cắt giảm công suất… vẫn chưa được giải quyết. 
 
Dự báo, nhu cầu thép xây dựng nội địa tăng trưởng khoảng 4-4,5% so với năm 2012. Đặc biệt, thép xây dựng và tấm lá được dự báo sẽ phải cạnh tranh quyết liệt khi Công ty Cổ phần China Steel Sumikin Việt Nam tham gia thị trường, với công suất 1,2 triệu tấn. Do đó, với mục tiêu tăng trưởng từ 2% trong toàn ngành, VnSteel phấn đấu có lãi với mức sản xuất, tiêu thụ tăng từ 9-12% sẽ là một thách thức không nhỏ. 
Trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế, dù nhiều doanh nghiệp ngành thép phải giảm sản lượng hoặc đóng cửa thậm chí phá sản nhưng một số doanh nghiệp trong ngành vẫn cán đích lợi nhuận cả năm 2012: Công ty cổ phần thép Việt Đức (với mức doanh thu năm 2012 gần 6.000 tỷ đồng); Công ty cổ phần Tập đoàn Hòa Phát (với lợi nhuận hết năm 2012 đạt khoảng 1.100 tỷ đồng); Tập đoàn Hoa Sen (với mức lãi năm 2012 là 350 tỷ đồng)...
 
Đối với mục tiêu tăng trưởng khoảng 3% trong năm 2013 của toàn ngành thép, các chuyên gia cũng như lãnh đạo một số công ty thép có mức tăng trưởng đáng khích lệ trong năm 2012 đều chung nhận định: nếu tình hình kinh tế vĩ mô đạt như dự kiến thì việc duy trì được tình hình sản xuất như 2012 và giữ được tăng trưởng 3% trong năm 2013 cũng là một điều đáng kể. Thêm vào đó, nếu tình trạng đầu tư công của Chính phủ được cải thiện, thị trường bất động sản có chiều hướng “nóng” lên thì đây cũng là tín hiệu tốt để thị trường thép nói riêng và thị trường vật liệu xây dựng nói chung khởi sắc hơn.
 
Nguồn tin: Congly

ĐỌC THÊM