Ngoài việc do nhu cầu xây dựng không cao, thép sản xuất trong nước tiêu thụ chậm còn vì phải cạnh tranh với thép ngoại nhập giá rẻ
Mặc dù đang trong mùa cao điểm xây dựng nhưng thị trường thép vẫn trong tình trạng ế ẩm kéo dài. Tại TPHCM, giá thép đang tiếp tục giảm và các doanh nghiệp (DN) sản xuất thép phải đối mặt với khó khăn vì sự cạnh tranh tăng cao.
Tiêu thụ chậm
Một số chủ cửa hàng kinh doanh sắt thép ở khu vực Lý Thường Kiệt, Tô Hiến Thành, quận 10 - TPHCM cho biết sức mua của thị trường năm nay giảm khá nhiều so với mọi năm. “Hằng năm, sau Tết thường là mùa cao điểm, hàng “hút” ào ào nhưng năm nay quá ế ẩm. Lượng thép bán ra chỉ bằng 70%-80% của năm ngoái. Nhiều cửa hàng kinh doanh sắt thép đã phải đóng cửa vì làm ăn thua lỗ kéo dài” - chủ một của hàng kinh doanh thép xây dựng trên đường Lý Thường Kiệt than thở.
Ông Nguyễn Mạnh Hà, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Thép Tiến Lên (tỉnh Đồng Nai), cho biết vài năm gần đây, do kinh tế khó khăn kéo dài nên sức mua thị trường thép cứ sụt giảm dần. Năm nay, mức tiêu thụ của Tiến Lên tiếp tục giảm thêm khoảng 20% so với năm ngoái.
Theo thống kê từ Bộ Xây dựng, ước tính tổng lượng thép sản xuất trong cả quý I/2013 giảm 5% (tương đương khoảng 30.000 tấn) so với cùng kỳ năm ngoái. Còn theo thống kê của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), lượng thép tiêu thụ trong tháng 3 vừa qua của các DN trong hiệp hội đạt khoảng 450.000 tấn, giảm 13% so cùng kỳ năm 2012. Tính chung cả quý I/2013, tổng lượng thép tiêu thụ chỉ đạt hơn 1,1 triệu tấn, giảm khoảng 7% so với cùng kỳ năm 2012. Theo VSA, hiện lượng thép tồn kho của các nhà máy vẫn còn khoảng 300.000 tấn (mức cao nhất trong năm 2012 tồn kho lên trên 450.000 tấn).
Áp lực từ thép ngoại
Ngoài việc do nhu cầu thấp, theo nhiều DN, thép trong nước tiêu thụ chậm còn vì phải cạnh tranh với thép ngoại, nhất là thép Trung Quốc, giá rẻ. Theo ông Đinh Công Khương, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Công ty Thép Khương Mai, giá thép thế giới hiện tại đang giảm khoảng 100 USD/tấn, tính ra giá chỉ còn khoảng 15-15,5 triệu đồng/tấn. Điều này khiến các DN sản xuất trong nước cạnh tranh khó khăn hơn. Trong khi đó, nguồn vốn của DN trong ngành hiện nay đang rất bức bí. Những DN chủ động được nguồn vốn, chấp nhận cho khách hàng nợ thì mới có thể trụ vững và vượt qua được.
Ông Phan Vũ Hùng, Giám đốc Công ty CP Giao dịch hàng hóa Sài Gòn Thương Tín (Sacom - STE), cho biết từ đầu năm đến nay, giá thép thế giới, đặc biệt từ Trung Quốc, giảm khá mạnh, ít nhất đã giảm 15%-20%. Đáng nói là một lượng thép dư thừa rất lớn từ Trung Quốc đang chực chờ để tràn vào Việt Nam với giá rẻ. Ông Hùng cho biết thêm: Vừa qua, do giá thép thế giới giảm, Trung Quốc sẵn sàng bán rẻ và chỉ yêu cầu bên mua hàng ký quỹ 10%-30% là cho nhập khẩu trả chậm. Đây sẽ là áp lực lớn đối với các DN sản xuất thép trong nước.
Theo VSA, trong năm 2013, toàn ngành thép đặt mục tiêu tăng trưởng chỉ từ 2%-3%. Mục tiêu này thực tế phụ thuộc rất lớn vào chính sách hỗ trợ của Chính phủ liên quan đến đầu tư công, kích cầu thị trường bất động sản. VSA cũng đã có kiến nghị Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ các DN sản xuất trong nước để giảm bớt áp lực; đưa ra những giải pháp nhằm hạn chế thép giá rẻ Trung Quốc tràn vào Việt Nam. Bộ Công Thương và Bộ Khoa học - Công nghệ cũng vừa hoàn thiện dự thảo thông tư liên tịch về hướng dẫn quản lý chất lượng thép. Theo thông tư này, thời gian tới, thép nhập khẩu sẽ được lấy mẫu để kiểm tra kỹ trước khi đưa ra thị trường tiêu thụ.
Nguồn tin: Người lao động