Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Ngành thép lao đao vì cắt giảm đầu tư công

Lượng thép dư thừa trong nước rất lớn đang là bài toán khó giải cho ngành thép Việt Nam. Ông Phạm Chí Cường, Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam đã có cuộc trao đổi với báo giới về vấn đề này.

P/V: Theo Nghị quyết 11 (NQ 11), việc cắt giảm đầu tư công trong bất động sản đã tác động đến ngành thép. Vậy những khó khăn ngành thép đang mắc phải là gì, thưa ông?

Ông Phạm Chí Cường: Sản phẩm thép được sản xuất ra chủ yếu là phục vụ cho xây dựng, mà xây dựng thì bao gồm các dự án triển khai đầu tư của nhà nước, hạ tầng cơ sở, đường xá, cảng biển….Trong khi đó, NQ11 lại yêu cầu cắt giảm đầu tư công, hạn chế đầu tư bất động sản, hạn chế vốn cung cấp cho các dự án không phục vụ cho sản xuất sản phẩm hàng hóa… Những chính sách này đã ảnh hưởng lớn tới việc tiêu thụ thép trong nước. Sau khi có NQ11, tiêu thụ thép giảm rõ rệt nhất là tháng 4,5,6/2011. Trong 6 tháng đầu năm, tăng trưởng thép xây dựng đạt 13,5%, thép tiêu thụ gần 10%. Chúng tôi lo ngại rằng sắp tới các dự án đầu tư sẽ được rà soát kỹ hơn. Ngoài ra, từ 1/7 các ngân hàng phải thực hiện quy định về tín dụng cho vay đối với lĩnh vực phi sản xuất giảm xuống ở  ức đầu tiên 22%, vài tháng nữa xuống dưới 20% thì ngành thép sẽ phải chịu đựng thử thách lớn hơn, mức tiêu thụ chậm hơn.

Cắt giảm đầu tư công khiến các DN ngành thép tồn một lượng hàng không nhỏ

P/V: Như ông nói thì hiện lượng thép dư thừa trong nước đang rất nhiều. Vậy biện pháp duy nhất hiện nay là thúc đẩy xuất khẩu? Tuy nhiên, để thực hiện đẩy mạnh xuất khẩu ngành thép sẽ gặp những trở ngại gì?

Ông Phạm Chí Cường: Năm 2010, chúng ta xuất khẩu được 1,4 triệu tấn thép, thu về 2 tỷ đô la. Dự kiến năm nay xuất khẩu thu về phải vượt 2 tỷ đô la.

Ở các nước khác có chính sách hỗ trợ xuât khẩu, giảm thuế VAT cho các sản phẩm xuất khẩu, hỗ trợ mọi cách để sản phẩm bán được ra nước ngoài. Chúng ta mới tham gia thị trường xuất khẩu và hỗ trợ từ Nhà nước chưa nhiều. Vừa rồi lại có ý kiến đề nghị đánh thuế xuất khẩu 3% và Hiệp hội đã có kiến nghị trình Thủ tướng Chính phủ xem xét.

Bộ Tài chính cho rằng cần đánh thuế để bù cho giá điện sản xuất có lẽ chưa chuẩn vì sản phẩm thép xuất khẩu tiêu thụ điện chỉ chiếm 1- 1,2% cơ cấu giá thành sản phẩm xuất khẩu. Chúng tôi sẵn sàng chấp nhận tính đủ giá điện theo quy định nhà nước. Tất nhiên để tính đủ giá điện còn phụ thuộc rất nhiều chương trình an sinh xã hội của Nhà nước nhưng đối với ngành thép, chúng tôi đồng ý từng bước tính đủ để có điều kiện phấn đấu giảm tiêu thụ năng lượng, giảm giá thành, loại bỏ công nghệ lạc hậu để ngành thép phát triển ổn định.

P/V: Vậy cắt giảm đầu tư công có phải là cơ hội để các doanh nghiệp ngành thép rà soát quy hoạch, chuyển đổi công nghệ đầu tư?

Ông Phạm Chí Cường: Việc tính toán về giá thành sản phẩm nhằm mục đích để ngành thép có đủ tính cạnh tranh, tồn tại trong bối cảnh cạnh tranh trong nước cũng như với sản phẩm nhập khẩu vào Việt Nam. Việt Nam đã hội nhập sâu rộng WTO và các nước trong khu vực, do vậy, nếu chúng ta không có giá thành cạnh tranh, sản phẩm không đủ chất lượng so với các nước thì không thể xuất khẩu. Có một điều rất nguy hại là chúng ta phát triển không cân đối, không kiểm soát nhu cầu phát triển thực tế nên các địa phương sản xuất tràn lan. Hiện tại, sản lượng thép đã gấp đôi nhu cầu trong nước. Riêng thép xây dựng sản lượng hiện là 9 triệu tấn và nếu tiêu thụ tốt như năm 2010 thì cũng chỉ đạt 5,6 triệu tấn/năm. Hay như sản phẩm cán nguội, tráng tôn mạ kẽm có công suất 2,7 triệu tấn mà tiêu thụ có 1,3 triệu tấn. Nếu chúng ta không xuất khẩu thì chắc chắn sẽ dư thừa rất nhiều. Nước nào cũng vậy, khi trong nước dư thừa thì phải xuất khẩu để lấy ngoại tệ nhập nguyên liệu vào, giảm áp lực nhập siêu.

P/V: Vậy đối với các dự án thép được cấp phép tràn lan tại các tỉnh cần có giải pháp như thế nào, thưa ông?

Ông Phạm Chí Cường: Chúng ta đã có quy định chính thức do Thủ tướng phê duyệt từ năm 2007 nhưng quy định này đã bị vỡ. Bộ Công Thương cũng đã rà soát, báo cáo Thủ tướng và ra chỉ đạo rất chặt chẽ về quy mô công suất như thế nào mới được đầu tư. Mặc dù vậy, các địa phương vẫn không chấp hành, vẫn tràn lan cấp phép cho các dự án có quy mô không đúng với quy định. Hiện chúng ta không có chế tài nào kiểm soát vấn đề này.

Việc kiềm chế lạm phát, cắt giảm đầu tư công và kiểm soát đầu tư…chắc chắn sẽ làm tiêu thụ thép giảm dần. Với các nhà máy đang sản xuất thì phải tìm cách duy trì sản xuất, nỗ lực thúc đẩy tiêu thụ ở thị trường trong nước và nước ngoài, duy trì việc làm cho công nhân. Nếu các doanh nghiệp dừng sản xuất thì sẽ thua lỗ, dẫn đến phá sản. Hy vọng rằng, 6 tháng cuối năm Chính phủ sẽ có nhiều biện pháp điều chỉnh kinh tế vĩ mô, khi đó ngành thép chắc chắn không ngủ đông như mấy tháng vừa qua mà chắc chắn sẽ có giải pháp để kinh tế tăng trưởng trở lại.

P/V: Mong muốn hiện tại của ngành thép là gì, thưa ông?

Ông Phạm Chí Cường: Thứ nhất, tôi mong muốn sắp tới các doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ được tiếp cận mức lãi suất hợp lý, vì không có ngành sản xuất nào có thể có lãi 20-22% để bù vào lãi suất ngân hàng được. Trong khi hiện nay 1 tấn thép không bán được trong 1 tháng sẽ phải trả lãi ngân hàng từ 300.000-400.000 đồng/tấn.

Thứ nữa là ngân hàng nên có hỗ trợ về thuế cho doanh nghiệp xuất khẩu thép, ví như hỗ trợ thuế VAT.

Tôi lấy ví dụ, Trung Quốc có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp thép tới 9% thuế VAT, tất nhiên mức đánh thuế  của họ cao, là 15%.

Ngoài ra, thuế đối với hàng rào thuế quan phải tuân thủ các hiệp định thương mại đã được ký kết. Chúng ta cũng phải kéo dài hàng rào thuế quan một thời gian. Khi đó mới biết doanh nghiệp thép nào có thể tồn tại hoặc không. Khi đó, các doanh nghiệp vừa và nhỏ lâu nay đầu tư các trang thiết bị lạc hậu sẽ bị đào thải./.

Nguồn tin: (Toquoc)

ĐỌC THÊM