- Bộ Thương mại Mỹ (DOC) vừa khởi xướng điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với mặt hàng ống thép dẫn dầu nhập khẩu từ một số nước, trong đó có Việt Nam.
Đây là vụ kiện chống bán phá giá thứ tư của Mỹ nhằm vào mặt hàng thép xuất khẩu của Việt Nam kể từ năm 2011. Phóng viên Đài TNVN phỏng vấn ông Lê Sỹ Giảng, Phó Trưởng ban Phòng vệ Thương mại, Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương) về vấn đề này.
** Thưa ông, thời gian qua, ngành thép liên tiếp phải đối mặt với nhiều vụ kiện phòng vệ thương mại, vậy đâu là nguyên nhân?
Ông Lê Sỹ Giảng, Phó Trưởng ban Phòng vệ Thương mại, Cục Quản lý cạnh tranh |
Ông Lê Sỹ Giảng: Từ 2011 - 2013 chúng tôi thống kê 9 vụ trong ngành thép đến từ các nước khác nhau trong đó có thị trường Mỹ. Ngành thép là ngành sản xuất thiết yếu, bản thân nước ngoài cũng có nhu cầu bảo vệ với các sản phẩm này. Khi họ bảo vệ thị trường nội địa, dẫn đến sẽ có trường hợp đi kiện với hàng xuất khẩu của Việt Nam.
Thông tin về ngành thép là tương đối đầy đủ và sẵn có trên thế giới. Khi sản phẩm của một nước xuất khẩu sang nước khác có khác biệt lớn so với chuẩn đó rất dễ dàng nhận biết. Từ nay về sau số lượng tăng thế nào khó dự đoán, nhưng giảm đi thì khó, khả năng bị kiện càng ngày càng lớn.
** Thưa ông, với vụ kiện chống bán phá giá và chống trợ cấp ống dẫn dầu mới đây, các cáo buộc mà phía doanh nghiệp Mỹ đưa ra có đúng không và có đáng lo ngại hay không?
Ông Lê Sỹ Giảng: Hiện vụ việc mới bắt đầu, nên khó có thể đưa ra nhận định ngay. Với khả năng của doanh nghiệp Việt Nam và với dung lượng thị trường mà Việt Nam chiếm lĩnh ở nước ngoài là nhỏ, khả năng Việt Nam bán phá giá vào đó là không cao. Họ cáo buộc, nhưng phải sử dụng nhiều biện pháp kỹ thuật để áp đặt lên. Đưa ra nhận định bây giờ là sớm nhưng theo kinh nghiệm và căn cứ từ vụ trước khả năng bán phá giá của Việt Nam là nhỏ.
** Vậy doanh nghiệp thép và hiệp hội cần phải làm gì để lường trước những bất lợi từ các vụ kiện mà vẫn đảm bảo kim ngạch xuất khẩu?
Ông Lê Sỹ Giảng: Khi tăng cường xuất khẩu và hội nhập với kinh tế thế giới, khả năng bị kiện là luôn hiện hữu nên doanh nghiệp và Hiệp hội luôn phải sẵn sàng và chủ động, cần hiểu biết quy định luật pháp của nước ngoài, chuẩn bị kiến thức cho đội ngũ của mình để sẵn sàng đối phó với vụ việc xảy ra. Khi vụ việc xảy ra rồi thì cần hợp tác đầy đủ với cơ quan điều tra.
Ví dụ vụ kiện tôm Việt Nam từ năm 2004, khi xảy ra Hiệp hội và doanh nghiệp cùng cơ quan Nhà nước tích cực tham gia và quá trình điều tra của Mỹ, nên mức thuế tôm của Việt Nam so với các nước khác đều tốt hơn cả. Chúng ta cần đa dạng hóa thị trường, yêu cầu này tương đối khó nhưng đây là hướng để doanh nghiệp cần tính tới. Vai trò của Hiệp hội ngành hàng rất là quan trọng, đó là vai trò điều phối, tập hợp lực lượng trong chính doanh nghiệp hợp tác với nhau.
** Về phía Cục Quản lý cạnh tranh có những nghiên cứu, cảnh báo hoặc đưa ra tư vấn cho ngành và các doanh nghiệp như thế nào, thưa ông?
Ông Lê Sỹ Giảng: Với ngành hàng đã bị kiện ở 1 thị trường rồi nên chúng tôi thông tin nhanh chóng với Hiệp hội và doanh nghiệp liên quan. Trong quá trình theo đuổi vụ kiện, chúng tôi luôn sẵn sàng cung cấp tư vấn cần thiết cho doanh nghiệp cụ thể và Hiệp hội nói chung để họ chuẩn bị và theo đuổi vụ kiện hiệu quả nhất.
Với những mặt hàng và sản phẩm chưa có vụ kiện xảy ra hoặc có khả năng, chúng tôi nghiên cứu và tổng hợp và khuyến cáo cho doanh nghiệp. Đặc biệt, chúng tôi có hệ thống cảnh báo sớm đối với gần 20 mặt hàng với 5 thị trường lớn. Ngoài ra, khi vụ việc xảy ra nên có sự liên kết phối hợp, hợp tác chặt chẽ của Cục Quản lý cạnh tranh với thương vụ, đại sứ quán để hỗ trợ và tư vấn doanh nghiệp.
** Xin cảm ơn ông!
Nguồn tin: VOV