Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Ngành thép lộ diện nhiều thách thức

 Nửa đầu năm 2019, ngành thép vẫn đang tiếp tục giữ được đà tăng trưởng do nhu cầu lớn từ chính thị trường trong nước.

Tuy nhiên thời gian sắp tới, nhiều chuyên gia dự báo với sự biến động của địa chính trị, kinh tế vĩ mô thế giới và đặc biệt là cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung sẽ mang đến những thách thức mới cho ngành công nghiệp thép nước ta.


Sản xuất và tiêu thụ vẫn ở mức tăng

Theo đánh giá mới nhất của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), ngành sản xuất thép trong nước 7 tháng đầu năm tương đối ổn định về giá cả và thị trường các sản phẩm. Tăng trưởng sản xuất và bán hàng thép trong 7 tháng 2019 lần lượt đạt 7,2% và 10% so với cùng kỳ năm 2018.

Cụ thể, tháng 7/2019, sản xuất thép đạt hơn 2,1 triệu tấn; tăng 1,4% so với tháng trước và tăng so với cùng kỳ 2018 là 4,3%. Lượng bán hàng đạt hơn 2 triệu tấn, tăng 8,43% so với tháng trước, và tăng 12,3% so với cùng kỳ năm 2018. Nếu loại trừ tăng trưởng của thép cuộn cán nóng thì tốc độ tăng trưởng sản xuất và bán hàng các sản phẩm thép đều tăng lần lượt là 3% và 9% so với cùng kỳ năm 2018.

Tính chung 7 tháng đầu năm 2019, lượng thép sản xuất đạt 14,8 triệu tấn, tăng 7,2% so với cùng kỳ 2018; Bán hàng đạt xấp xỉ 13,7 triệu tấn, tăng 10% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, xuất khẩu thép là 2,8 triệu tấn, tăng 4,8% so với 7 tháng 2018.

Về tình hình xuất khẩu các sản phẩm thép, tính đến ngày 30/6/2019, Việt Nam xuất khẩu hơn 4,12 triệu tấn thép thành phẩm và bán thành phẩm, tăng 13,3% về lượng so với cùng kỳ năm 2018. Tổng kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2019 đạt hơn 2,68 tỷ USD. Nhưng trong đó, xuất khẩu một số sản phẩm thép có ưu thế của Việt Nam lại giảm như tôn mạ KL&SPM giảm 17,6%; ống thép giảm 22,3%;

Nhận định về tình hình trên, đại diện VSA cho rằng, kết quả khả quan trên là nhờ kinh tế vĩ mô trong nước những tháng đầu năm 2019 đạt kết quả đáng kể trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu tăng chậm lại, ngành công nghiệp 6 tháng đầu năm 2019 duy trì tăng trưởng khá ở mức 9,13% (quý II tăng 9,24%). Trong đó, tăng trưởng của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 11,18%.

Đặc biệt, năm 2019, thị trường bất động sản trong nước nóng lên với hàng loạt dự án cũng là một trong những động lực đảm bảo đà tăng trưởng của ngành thép.

Trong khi đó, các dự án thép của Công ty TNHH gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh (FHS) và Hòa Phát đi vào hoạt động đã giúp ổn định thị trường thép Việt Nam.

Đối mặt với nhiều thách thức

Nhiều chuyên gia nhận định, giai đoạn còn lại của năm 2019, thị trường bất động sản vẫn còn dư địa phát triển nên ngành thép vẫn có những cơ hội phát triển nhất định. Tuy nhiên, sự phát triển còn tùy thuộc vào vị thế của doanh nghiệp, khách hàng lớn sẽ chỉ chọn lựa sản phẩm của các doanh nghiệp có sản phẩm chất lượng, nhiều ưu đãi, giá cả cạnh tranh.

Theo Công ty cổ phần Chứng khoán MB – MBS, nhu cầu tiêu thụ thép tại Việt Nam dự kiến sẽ tăng khoảng 10% đối với thép dài và thép dẹt thành phẩm trong các năm tới. Đối với thép dài, hầu hết được tiêu thụ trong nước, trong khi có khoảng 1/3 - 1/2 tổng sản lượng thép dẹt được xuất khẩu. Đối với thép dài, MBS dự báo tiêu thụ ở mức xấp xỉ 12 triệu tấn trong năm 2019, tiêu thụ trên tổng công suất ngành ở mức khoảng 68%. Đối với sản phẩm tôn mạ, tiêu thụ sẽ ở mức 4,5 – 5 triệu tấn, trong khi tổng công suất ngành ở mức 7,5 – 8 triệu tấn năm 2019.

Ở khía cạnh xuất khẩu, chủ nghĩa bảo hộ gia tăng trên toàn cầu sẽ là sức ép trực tiếp đối với các doanh nghiệp xuất khẩu. Các biện pháp tăng cường phòng vệ thương mại liên tục được các nước đưa ra để bảo vệ nền kinh tế trong nước. Mới đây nhất, đầu tháng 8/2019, Tổng vụ Phòng vệ thương mại Ấn Độ đã quyết định áp thuế với các nhà xuất khẩu ống thép của Việt Nam từ 0% - 11,96% do cáo buộc các doanh nghiệp có trợ cấp từ Chính phủ. Từ 2/8/2019, Hoa Kỳ cũng bắt đầu thu tiền đặt cọc đối với tôn mạ và thép cán nguội nhập khẩu từ Việt Nam nếu nghi ngờ sản xuất từ nguyên liệu là thép cán nóng của Trung Quốc, Hàn Quốc và Đài Loan.

Về phía Việt Nam, Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương cũng đã tích cực hỗ trợ doanh nghiệp chứng minh xuất xứ, đảm bảo quyền lợi, hạn chế việc bị đóng thuế gây thiệt hại kinh tế và đồng thời cũng tiếp tục có những biện pháp rà soát phòng vệ thương mại đối với các mặt hàng thép nhập khẩu như phôi thép và thép dài.

Vừa qua, ông Trịnh Khôi Nguyên - Phó Chủ tịch VSA đã có buổi làm việc với lãnh đạo Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan về vấn đề này. Ngoài việc đưa ra các biện pháp ứng phó với các tác động của xung đột thương mại Mỹ - Trung, cạnh tranh thương mại trong thời gian tới, VSA cũng nhấn mạnh: Trong xu thế hội nhập toàn cầu về kinh tế, việc các nước sử dụng các biện pháp phòng vệ thương mại là một việc làm tất yếu để bảo vệ sản xuất trong nước, tuân thủ những qui định của WTO. Vì thế, các doanh nghiệp cần chủ động tiếp cận, nâng cao năng lực cạnh tranh cho sản phẩm của mình thông qua việc nâng cao chất lượng sản phẩm, tiết kiệm chi phí sản xuất, cải tiến, nâng cao năng lực quản trị để từ đó hạ giá thành để có được năng lực cạnh tranh cao hơn; đồng thời, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu để tránh rủi ro; tuân thủ luật thương mại, pháp luật cạnh tranh quốc tế; tích cực phối hợp với các đối tác bạn hàng thị trường xuất khẩu để biết thông tin, cung cấp thông tin trung thực với cơ quan điều tra các nước để bày tỏ thiện chí hợp tác lâu dài...

Nguồn tin: Congthuong

ĐỌC THÊM