Nhà sản xuất thép trong nước nên đổi mới công nghệ và nâng cao tính cạnh tranh cho sản phẩm.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trong 6 tháng đầu năm 2018, lượng sắt thép nhập khẩu của cả nước đạt 6,88 triệu tấn, trị giá 4,93 tỷ USD, giảm 12,9% về lượng nhưng tăng 6,4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó đáng chú ý, nhập khẩu sắt thép từ Trung Quốc đạt tới 3,25 triệu tấn, trị giá 2,32 tỷ USD, chiếm 47% trong tổng lượng và tổng kim ngạch nhập khẩu sắt thép của cả nước, giảm 17,6% về lượng nhưng tăng 4,5% về trị giá so với cùng kỳ.
Các chuyên gia khuyến nghị, Chính phủ chỉ nên khuyến khích đầu tư vào các dự án sản xuất thép chất lượng cao
Ở chiều ngược lại, xuất khẩu sắt thép của Việt Nam trong 6 tháng đầu năm dù tăng rất mạnh 38,3% về lượng và tăng 54,8% về giá trị kim ngạch so với cùng kỳ 2017, song cũng chỉ đạt 2,81 triệu tấn, tương đương 2,11 tỷ USD.
Trong đó, Campuchia là thị trường nhập khẩu lớn nhất đối với sắt thép của Việt Nam, chiếm 21,2% trong tổng lượng thép xuất khẩu của cả nước và chiếm 18,2% trong tổng kim ngạch, đạt 595.760 tấn, trị giá 383,76 triệu USD. Mỹ là thị trường tiêu thụ sắt thép lớn thứ 2 của Việt Nam chiếm 15,6% trong tổng lượng sắt thép xuất khẩu của cả nước và chiếm 17,8% trong tổng kim ngạch, đạt 439.087 tấn, tương đương 375,63 triệu USD, tăng rất mạnh 75,2% về lượng và tăng 83,5% về kim ngạch.
Thực tế này cho thấy, thép nhập khẩu đang gây nhiều khó khăn cho các DN sản xuất thép trong nước, nhất là khi năng lực sản xuất thép trong nước cũng đang dư thừa khá lớn. Vấn đề càng trở nên nghiêm trọng hơn khi mà thép Trung Quốc đang có xu hướng tràn vào Việt Nam sau khi bị Mỹ áp thuế cao, trong đó không loại trừ trường hợp nhập khẩu “trá hình” để dán nhãn mác “made in Vietnam” để tránh các hàng rào thuế quan.
Sở dĩ như vậy là do ngành luyện thép được coi là ngành công nghiệp có nguy cơ gây ô nhiễm và nhiều quốc gia vừa qua đã thắt chặt tiêu chuẩn môi trường, hạn chế tiêu thụ năng lượng, dẫn đến chi phí sản xuất cao lên và lợi nhuận thu về thấp đi.
Điều này đã buộc các công ty phải di dời nhà máy tại quốc gia mình với công nghệ lạc hậu đến các quốc gia khác - nơi các quy định có phần lỏng lẻo, dễ dàng hơn. Ngay cả Trung Quốc, trong khoảng thời gian 5 năm trở lại đây, nước này cũng đã thực hiện các biện pháp mạnh để tái cơ cấu ngành thép và chuyển nhiều dự án ra nước ngoài, đến những nơi như Asean, trong đó có Việt Nam.
Cụ thể, mới đây nhất tại tỉnh Đồng Nai, Công ty Yongjin của Trung Quốc đang tìm cách đầu tư vào một nhà máy thép không gỉ cán nguội với công suất 300.000 tấn/năm, làm dấy lên mối lo ngại của các nhà sản xuất thép trong nước. Ngay khi nhận được thông tin này, VSA cũng đã đệ trình một báo cáo gửi tới Chính phủ và các cơ quan chức năng, kêu gọi xem xét cẩn thận trước khi chấp thuận trao quyết định đầu tư cho dự án.
Ông Chu Đức Khải - Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký VSA cho biết, ước tính sơ bộ năng lực sản xuất ngành thép Việt Nam ở mức 30 triệu tấn/năm, dù mới chỉ hoạt động tương đương với 63 - 65% tổng công suất thiết kế. Đối với thép xây dựng, công suất hàng năm đạt 12 triệu tấn nhưng nhu cầu thép hàng năm chỉ 7-9 tấn trong những năm gần đây. Các loại thép khác cũng có khả năng nguồn cung cao hơn gấp đôi so với nhu cầu.
Vì vậy một số chuyên gia đưa ra khuyến nghị, Chính phủ chỉ nên khuyến khích đầu tư vào các dự án sản xuất thép chất lượng cao dùng cho sản xuất, đóng tàu và sản xuất ô tô mà các nhà sản xuất thép trong nước chưa thể sản xuất được. Còn đối với những dự án thép thông thường nên hạn chế để tránh tạo áp lực đối với thị trường trong nước. Nhất là cẩn trọng để tránh xảy ra tình trạng Việt Nam trở thành điểm nhập khẩu “quá cảnh” cho thép Trung Quốc với mục đích tránh đánh thuế khi đưa hàng sang quốc gia khác.
Theo thông tin từ Bộ Công thương, nhiều lô hàng thép của Việt Nam đã bị chặn do thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp ở một số nước. Cụ thể, tháng 5 vừa qua, Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã thông qua việc áp thuế lên thép Việt Nam được cho là có nguồn gốc từ Trung Quốc với mức chống bán phá giá 199,76% và thuế chống trợ cấp ở mức 256,44% đối với thép cuộn cán nguội sản xuất tại Việt Nam bằng thép chất nền có xuất xứ Trung Quốc.
Đồng thời, quốc gia nhập khẩu thép đứng thứ 2 của Việt Nam cũng sẽ đánh thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp tương tự đối với thép chống gỉ và thép cuộn cán nguội từ Việt Nam có nguồn gốc là thép cuộn cán nóng do Trung Quốc sản xuất.
Hay như trước đó, EU đã đưa ra các điều tra tự vệ về 26 loại sản phẩm thép, trong đó có 6 loại từ Việt Nam. Nếu Việt Nam bị phát hiện vi phạm quy tắc xuất xứ, sản phẩm thép của Việt Nam sẽ bị đánh thuế, thay vì thuế suất ưu đãi là 0%...
Chuyên gia Hiệp hội Khoa học và Công nghệ đúc và Luyện kim Việt Nam, cho biết các DN sản xuất thép Việt Nam có thể vô tình bị ảnh hưởng bởi các nhà sản xuất thép Trung Quốc khi họ cố tình “ngụy trang” nguồn gốc sản phẩm đến từ quốc gia này. Để giảm thiểu tác động của các biện pháp bảo hộ đối với xuất khẩu thép của Việt Nam, các nhà sản xuất trong nước nên đổi mới công nghệ và nâng cao tính cạnh tranh của sản phẩm trong khi đó tìm hiểu luật pháp của các nước nhập khẩu và thương mại quốc tế để phòng tránh rủi ro.
Nguồn tin: Thời báo ngân hàng