Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Ngành thép Mỹ kêu gọi chính phủ bảo hộ

- Các nhà sản xuất thép Mỹ đang chuẩn bị đưa ra nhiều kiến nghị về tình hình nhập khẩu thép. Đây được coi là một động thái có thể làm tăng thuế nhập khẩu thép vào Mỹ trong năm nay và làm trầm trọng thêm căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc.

Những công ty như U.S. Steel Corp., Nucor Corp., và AK Steel Holding Corp., hy vọng việc tăng thuế nhập khẩu này sẽ ngăn cản các đối thủ nước ngoài chiếm lĩnh các thị phần trong thị trường thép trị giá khoảng 100 tỷ đô la không được điều khoản “Mua hàng Mỹ” (Buy American) bảo vệ.

Các công ty thép Mỹ cho biết, họ cần chính phủ đánh thuế quan cao hơn để có thể tồn tại trong cuộc suy thoái toàn cầu và “cuộc bể dâu” của ngành công nghiệp ô tô Mỹ - ngành tiêu thụ thép nhiều nhất. Hiện tại, thép nhập khẩu chỉ phải chịu thuế quan rất thấp hoặc được miễn.

Các kiến nghị chính thức được đệ trình lên Chính phủ từ nhiều tuần trước, nhưng các doanh nghiệp vẫn tiếp tục thu thập chứng cứ để củng cố vụ kiện. Động thái này chứng tỏ những nỗ lực bảo hộ nền sản xuất nội địa đang được tăng cường trên khắp thế giới như một tấm lá chắn cho các ngành trong tình cảnh kinh tế suy thoái triền miên.

Ông David Hartquist, thành viên công ty hợp danh trách nhiệm hữu hạn Kellye Drye & Warren ở Washington - nhà đại diện cho một số công ty thép lớn của Mỹ, cho biết: “Rất nhiều khách hàng và luật sư của chúng tôi đều tin rằng các doanh nghiệp Trung Quốc đang bán phá giá hàng hóa và được nhiều cấp chính quyền Trung Quốc hỗ trợ”.

Tổng Thư ký Hiệp hội Sắt thép Trung Quốc Shan Xianghua phản ứng: “Sản lượng thép xuất khẩu của chúng tôi rất giới hạn. Làm sao chúng tôi có thể xuất khẩu với giá lỗ vốn được?”.

Gói kích thích kinh tế được ông Obama ký duyệt tuần trước đã loại các công ty Trung Quốc, Nga, Ấn Độ và Brazil - 4 nước xuất khẩu thép lớn nhất - ra khỏi các hợp đồng của chính phủ Mỹ, ước tính chiếm khoảng 25% số đơn đặt hàng mới trong năm nay và năm sau.

Nhưng theo một quan chức cấp cao trong ngành thép Mỹ, các nước này có thể sẽ nỗ lực hơn nữa để giành được thị phần còn lại. Các thương nhân nước ngoài đã bắt đầu bán thép với giá thấp hơn cả chi phí sản xuất để tăng thị phần - một hành động được gọi là “bán phá giá”.

Các quy tắc của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) cho phép các nước tăng thuế nhập khẩu nếu họ có thể chứng minh rằng hàng hóa bán phá giá đã trực tiếp gây tổn tại đối với các doanh nghiệp nội địa.

Các kiến nghị chống bán phá giá nảy sinh một phần do gần đây thép được nhập khẩu ồ ạt để sản xuất mũi khoan và đường ống. U.S. Steel, một nhà cung cấp thép để làm mũi khoan lớn của Mỹ, sẽ phải chịu thiệt hại do các đối thủ nước ngoài bán phá giá bất hợp pháp.

Việc xử lý vụ kiện này hết sức khó khăn và đòi hỏi nhiều bằng chứng bởi các công ty thép Mỹ trong suốt 3 quý đầu năm 2008 đều thu được lợi nhuận cao và số lượng đơn hàng chỉ bắt đầu giảm vào tháng 10/2008. Họ có thể sẽ phải đợi đến tháng 4 để đệ trình những kiến nghị chống phá giá chính thức.

Theo ông Dave Phelps, Chủ tịch Viện Thép Quốc tế Mỹ - cơ quan đại diện cho cả các doanh nghiệp Mỹ và nước ngoài, nguyên nhân của tình trạng này là do thị trường thép có nhiều người bán hơn người mua. “Rất nhiều thép nhập khẩu cập cảng nước Mỹ hiện nay được đặt hàng trong thời kỳ kinh tế phát triển thịnh vượng”.

Các luật sư thương mại cho biết, nếu các quan chức Mỹ quyết định áp thuế quan, tổng tiền thuế có thể sẽ lên tới hơn 100% giá bán cuối cùng. Nếu chính phủ đánh thuế cao hơn nữa, có thể các nước bị ảnh hưởng sẽ kiện lên WTO.

Theo các quan chức WTO và EU, các chính phủ trên khắp thế giới đã phê chuẩn 60% các kiến nghị đòi áp thuế trừng phạt - một động thái thường được đẩy mạnh vào thời kỳ kinh tế suy thoái.

Ông Nikolay Mizulin, luật sư tại công ty luật Hoga & Hartson, cho biết: “Các doanh nghiệp trong mọi ngành đều đang chuẩn bị các kiến nghị để đệ trình lên chính phủ vào mùa xuân và mùa hè này. Ngành thép luôn gây ra hiệu ứng lan truyền”.

(VITINFO)

ĐỌC THÊM