Các nhà điều hành ngành thép của Mỹ ủng hộ Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon sẽ làm tăng giá các loại thép "bẩn" được sản xuất tại Trung Quốc và một số nước khác.
Công nhân làm việc tại nhà máy sản xuất thép ở Thẩm Dương, tỉnh Liêu Ninh, đông bắc Trung Quốc. Ảnh: EPA/TTXVN
Các nhà điều hành ngành thép của Mỹ ngày 2/11 cho biết, họ ủng hộ Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon - sẽ làm tăng giá các loại thép "bẩn" được sản xuất tại Trung Quốc và các nước có lượng phát thải carbon cao khác khi được nhập khẩu vào thị trường Mỹ.
Thép "bẩn" là loại thép được sản xuất bằng các công nghệ có lượng khí phát thải cao, gây ô nhiễm nghiêm trọng đối với môi trường.
Các nhà sản xuất thép của Mỹ tuyên bố họ có lượng khí thải carbon thấp nhất trong ngành thép thế giới và cho rằng một thỏa thuận thương mại được đàm phán giữa Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) để hạn chế sự tiếp cận thị trường đối với thép có lượng phát thải carbon cao, sẽ mang lại cho họ một lợi thế cạnh tranh.
Các kế hoạch cho thỏa thuận giữa Mỹ và EU đã được công bố vào cuối tuần trước như một phần của thỏa thuận nhằm chấm dứt tranh chấp thương mại kéo dài giữa đôi bên.
Kevin Dempsey, Chủ tịch Viện Sắt và Thép của Mỹ, một trong những hai tổ chức thương mại chủ chốt của ngành này, bày tỏ tin tưởng rằng các biện pháp thương mại dựa trên lượng phát thải carbon có thể tạo ra “đòn bẩy” cho Mỹ và EU trong việc hối thúc Trung Quốc cắt giảm công suất dư thừa trong ngành thép. Tuy vậy, hiện vẫn chưa rõ về mức độ hiệu quả của việc này.
Ông nói rằng, ngành công nghiệp thép của Trung Quốc không chỉ được hưởng lợi từ các tiêu chuẩn về môi trường thấp hơn, mà còn nhận được sự bảo trợ từ chính phủ nước này.
Hơn 70% sản lượng thép của Mỹ được sản xuất từ các lò hồ quang điện (EAF). Lourenco Goncalves, Giám đốc điều hành của Cleveland-Cliffs Inc - hiện là nhà sản xuất thép bằng lò cao lớn nhất của Mỹ, cho biết Mỹ sẽ có lợi thế với lượng phát thải carbon thấp hơn so với các đối thủ cạnh tranh về sản xuất thép như Trung Quốc và châu Âu.
Trong khi Bộ Thương mại Mỹ cho biết đang tiến hành tham vấn với Nhật Bản và Vương quốc Anh về mức thuế quan đối với thép và nhôm theo Mục 232, người đứng đầu Hiệp hội các nhà sản xuất thép Mỹ vẫn kêu gọi nước này cần thận trọng khi tiếp tục cho phép thép nhập khẩu miễn thuế vào thị trường Mỹ./.
Nguồn tin: Bnews