Công ty chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển (BSC) nhận định trong báo cáo triển vọng ngành thép: trong năm 2014 ngành thép được kỳ vọng sẽ tăng trưởng so với năm 2013.
Nhận định này dựa trên các yếu tố như:
- Chính sách hỗ trợ Bất động sản, xây dựng sẽ giúp phục hồi nhu cầu tiêu thụ thép
- Siết chặt thép nhập khẩu từ Trung Quốc cũng như quản lý chất lượng thép và nhãn mác sản phẩm
- Tăng đầu tư công vào cơ sở hạ tầng trong năm 2013 -2014, giải quyết khó khăn cho ngành thép, xi măng
- Gánh nặng chi phí lãi vay và giá nguyên vật liệu đầu vào nhập khẩu được kiểm soát
Tuy nhiên, ngành cũng sẽ phải đối mặt với nguy cơ bị cáo buộc bán phá giá ống thép, tôn và các sản phẩm thép khác tại thị trường Mỹ và Đông Nam Á, Thép Trung Quốc tiếp tục đe dọa với các sản phẩm giá rẻ xuất khẩu sang Việt Nam sẽ tăng nếu không có sự quản lý chặt chẽ của Chính phủ.
Trong năm 2014, thị phần thép trong nước sẽ tiếp tục được chia lại, các doanh nghiệp có tiềm lực tài chính, năng lực sản xuất, khả năng quản lý chi phí tốt sẽ tiếp tục có biên lợi nhuận cải thiện và chiếm thêm thị phần từ những doanh nghiệp có quy mô nhỏ, trung bình. Trong khi đó, các doanh nghiệp thép tấm, tôn mạ và ống thép sẽ vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng tốt cả trong thị trường nội địa cũng như xuất khẩu.
Nhìn lại năm 2013 của ngành thép, báo cáo cho biết ngành thép đã có sự phục hồi với sản lượng tiêu thụ tăng 2,25%, lượng thép tồn kho đang trong xu hướng giảm và nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu vẫn đang tăng lên với sản phẩm ống thép.
Về lượng cung của ngành, trong năm đã có thêm 5 nhà máy thép đi vào sản xuất với công suất 1,5 triệu tấn/năm nâng tổng công suất thép xây dựng cả nước lên 11 triệu tấn/năm. Tồn kho thép xây dựng cả nước 11 tháng đầu năm 2013 ở mức 297.421 tấn, đủ gối đầu cho tháng tiếp theo. Tồn kho ống thép tăng nhẹ trong những tháng cuối năm.
Pomina và Hòa Phát vẫn là 2 doanh nghiệp đầu ngành, nắm tới hơn 30% thị phần thép xây dựng cả nước. Trong đó, thị phần năm 2013 của Hòa Phát là 15,2%.
Lượng thép Bo nhập khẩu từ Trung Quốc tăng lên nhanh chóng với nguyên nhân chính là do các doanh nghiệp nhập khẩu trục lợi, tăng lượng nhập, cố ý kê khai sai quy định và khai báo sai mục đích sử dụng của thép hợp kim có chứa Bo từ Trung Quốc để hưởng mức thuế suất 0% (dùng làm vật liệu sản xuất, đinh ốc vít,… sau đó bán ra thị trường là thép xây dựng) càng khiến cho thép sản xuất trong nước bị cạnh tranh áp đảo.
Các chuyên gia cũng dẫn số liệu cho biết cầu của thép xây dựng có sự phục hồi nhẹ, từng tháng hầu hết đều cao hơn cùng kỳ năm 2012. Thị trường tiêu thụ ống thép cũng vẫn tiếp tục giữ được mức tăng trưởng khá tốt trong những tháng cuối năm.
Về sản phẩm tôn mạ, Hoa Sen là doanh nghiệp đứng đầu nắm giữ áp đảo tới 36% thị phần cả nước. Với sản phẩm thép cán nguội, Posco Việt Nam chiếm tới 85,4% thị phần cả nước.
Trong năm 2013, chỉ số cổ phiếu ngành thép tăng 23,91% trong khi VN-Index tăng 21,97%. Nhiều cổ phiếu có mức tăng trưởng mạnh nhờ kết quả kinh doanh khả quan so với các doanh nghiệp trong cùng ngành như HSG, HPG … Trong khi đó, các cổ phiếu có mức giảm mạnh so với đầu năm đi kèm với KQKD thua lỗ là SHI, BVG, KMT…
Trên cơ sở những yếu tố đó, BSC nhận định nên đầu tư dài hạn vào cổ phiếu ngành thép có yếu tố cơ bản tốt. Về ngắn hạn, nếu thông tin vĩ mô thuận lợi, thanh khoản thị trường tốt thì có thể lướt sóng với những cổ phiếu thép có tính thanh khoản cao như TLH, VIS.
Nguồn tin: Cafef