Theo số liệu mới nhất của Tổng cục Hải quan, sắt thép đứng thứ 5 trong top 10 mặt hàng nhập khẩu nhiều nhất 11 tháng năm 2016. Việt Nam đã chi hơn 10,4 tỷ USD nhập khẩu sắt, thép các loại, trong khi kim ngạch xuất khẩu sắt, thép đạt khoảng 3,7 tỷ USD.
Sắt, thép các loại đứng thứ 5 trong Top 10 mặt hàng nhập khẩu nhiều nhất
(Luỹ kế đến 15/12/2016 so với cùng kỳ năm 2015)
Báo cáo mới đây của Tổng cục Hải quan cho biết, cả nước đã chi hơn 7,6 tỷ USD nhập khẩu 17,65 triệu tấn sắt, thép các loại. Trong đó, phôi thép chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ, khoảng hơn 1 triệu tấn, đạt giá trị 320 triệu USD. Ngoài ra, nhập khẩu nhóm sản phẩm từ sắt, thép cũng tăng mạnh đạt 2,8 tỷ USD.
Nhìn chung, kim ngạch nhập khẩu các nhóm mặt hàng sắt thép đã vượt 10,4 tỷ USD. Với con số này, sắt thép là nhóm nhập khẩu lớn thứ 3 trong cơ cấu hàng hoá nhập khẩu của Việt Nam.
Trong khi ở chiều ngược lại, tính đến 15/12, Việt Nam xuất khẩu được 3,2 triệu tấn thép, trị giá 1,8 tỷ USD. Nhóm sản phẩm từ sắt thép xuất khẩu được 1,88 tỷ USD. Tổng cộng, kim ngạch xuất khẩu sắt thép đạt khoảng 3,7 tỷ USD.
Như vậy, cả nước nhập siêu 6,7 tỷ USD trong ngành thép. Tổng cục Hải quan cho biết, hiện nhập khẩu thép có xu hướng giảm cả số lượng và giá về cuối năm. Song 11 tháng năm 2016, lượng nhập khẩu thép cả nước vẫn tăng 22,5% về lượng so với cùng kỳ.
Trung Quốc hiện là nước dẫn đầu về khối lượng xuất khẩu thép vào Việt Nam với gần 10 triệu tấn, tăng 18% so với cùng kỳ. Thứ hai là Nhật Bản với 2,4 triệu tấn, tăng 7%; Hàn Quốc đạt 1,69 triệu tấn, tăng 6,5% so với cùng kỳ.
Báo cáo mới đây của Bộ Công Thương cho biết, qua quá trình rà soát Quy hoạch ngành thép cho thấy, đến năm 2020 cả nước sẽ thiếu hụt khoảng 15 triệu tấn thép thô, đến năm 2025, thiếu hụt sẽ vượt mức 20 triệu tấn thép thô, nhập siêu ngành thép sẽ ngày càng trầm trọng hơn. Tại báo cáo này, Bộ Công Thương cũng đưa ra cảnh báo về tình trạng nhập siêu lớn cho nền kinh tế, ảnh hưởng tới sự ổn định kinh tế vĩ mô của đất nước.
Trong một văn bản mới đây của Hiệp hội Thép Việt Nam, đơn vị này đã đưa ra kiến nghị về việc tăng cường rà soát, kiểm tra, quản lý chặt chẽ không để xảy ra hành vi lẩn tránh thuế tự vệ đối với các mặt hàng thép cuộn nhập khẩu.
Kiến nghị này xuất phát từ thực trạng, kim ngạch nhập khẩu mặt hàng thép thuộc mã hàng phải áp dụng thuế tự vệ 10 tháng đầu năm 2016 giảm, chỉ bằng 69,87% so với cùng kỳ và bằng 58,22% so với cả năm 2015. Trong khi đó, kim ngạch nhập khẩu mặt hàng thép thuộc mã hàng không chịu thuế tự vệ 10 tháng đầu năm 2016 tăng mạnh bằng 155,91% so với cùng kỳ và bằng 129,93% so với cả năm 2015.
Về vấn đề này, Bộ Tài chính cũng nhận định: “có hiện tượng tăng nhập khẩu các mặt hàng thép không chịu thuế tự vệ và giảm nhập khẩu đối với thép chịu thuế tự vệ”.
Bộ Tài chính cũng cho biết, trước phản ánh nhập khẩu thép cuộn ồ ạt từ nước ngoài vào Việt Nam và nghi ngờ lẩn tránh thuế tự vệ, Bộ Tài chính đã đang chỉ đạo các đơn vị trong ngành phối hợp với doanh nghiệp, Hiệp hội Thép.
Trước đó, ngày 7/3/2016 vừa qua, Bộ Công Thương đã ra quyết định áp dụng biện pháp tự vệ tạm thời đối với mặt hàng phôi thép và thép dài nhập khẩu vào Việt Nam với mức thuế tự về lần lượt là 15,4% đối với thép dài và 23,3% đối với phôi thép.
Theo đó, việc áp dụng biện pháp tự vệ đã có tác dụng lên ngành sản xuất thép trong nước nói chung, đặc biệt là ngành sản xuất phôi thép.
Tuy nhiên, việc áp dụng biện pháp tự vệ nêu trên theo nhiều doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu thép trong nước, đang tồn tại hành vi doanh nghiệp nhập khẩu kê khai sang mã HS khác đối với mặt hàng thép cuộn.
Về vấn đề này, đại diện Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) cho biết, Cục Quản lý cạnh tranh cũng sẽ cân nhắc việc thành lập các đoàn thanh, kiểm tra trên cơ sở đánh giá kỹ nhu cầu trong nước. Không để xảy ra tình trạng lợi dụng công cụ phòng vệ thương mại để tạo lợi thế riêng cho doanh nghiệp.
Nguồn tin: Dân trí