Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Ngành thép nỗ lực tìm hướng đi

 Trong những năm gần đây, ngành thép có sự tăng trưởng đáng ghi nhận. Đặc biệt, trong năm 2018 này, với sự phát triển của thị trường bất động sản, vật liệu xây dựng, cơ hội phát triển cho ngành thép còn mở ra nhiều hơn. Tuy nhiên, bên cạnh cơ hội, các doanh nghiệp (DN) cũng sẽ gặp nhiều thách thức, đặc biệt là trong bối cảnh hội nhập hiện nay, đối thủ của họ là các DN ngoại rất mạnh về công nghệ, quản trị…

Năm của sự tăng trưởng tốt

Theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), tổng năng lực sản xuất của ngành thép nước ta hiện vào khoảng 30 triệu tấn/năm. Cụ thể, ở mặt hàng phôi thép là 12 triệu tấn/năm, thép cán đạt 12 triệu tấn/năm, tôn mạ phủ màu là 5 triệu tấn/năm, thép ống 3 triệu tấn/năm. Với quy mô này, ngành thép Việt Nam được đánh giá đang đứng đầu các nước Đông Nam Á.

Tuy nhiên, hiện ngành thép mới chỉ hoạt động đạt khoảng 50-60% công suất. Mặc dù hoạt động với công suất này, song VSA cho biết, nguồn thép cung đã vượt hơn nhiều so với nhu cầu của thị trường. Trong khi đó, theo VSA, giá thép trong nước vẫn đang cao hơn giá thép nhập khẩu, đây là một khó khăn mà ngành thép phải có những giải pháp để giải tỏa điểm nghẽn này nếu không muốn thời gian tới bị thép nhập khẩu lấn át.

Theo đánh giá của giới chuyên gia trong ngành, cần phải thừa nhận một thực tế, hiện nay các DN thép trong nước vẫn đang còn hạn chế về năng lực tài chính, hạn chế về công nghệ dẫn đến tiêu tốn nhiên liệu, chi phí cao. Đó là lý do khiến các sản phẩm thép trong nước khó có thể cạnh tranh được với các sản phẩm nhập khẩu. Chính bởi vậy, nhiều ý kiến cho rằng, muốn nâng sức cạnh tranh, các DN thép nội địa không còn cách nào khác phải đổi mới, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.

Mặc dù vậy, theo dự báo của VSA, trong năm 2018 này, với việc thị trường bất động sản cùng với ngành vật liệu xây dựng tiếp tục ổn định và phát triển, ngành thép sẽ có sự tăng trưởng lớn hơn so với năm 2017, khoảng từ 20-22%. Trong đó, tăng trưởng mạnh nhất là thép cuộn cán nóng với 154%, sau đó là thép ống hàn 15%, tôn mạ và sơn phủ màu 12%, thép xây dựng 10% và thép lá cuộn cán nguội là 5%.

Ông Nguyễn Văn Sưa, Phó Chủ tịch VSA cho biết, năm 2018 này, nhiều dự án thép với quy mô lớn sẽ được đưa vào hoạt động như Dự án gang thép của Hòa Phát tại Quảng Ngãi; Dự án dây chuyền cán nguội, mạ kẽm/lạnh, mạ màu của Tập đoàn Hoa Sen tại Bình Định. Cùng với đó, 3 dự án cán thép xây dựng tổng công suất 1,8 triệu tấn/năm của Pomina, Việt – Ý và Tung Ho đi vào hoạt động, dự kiến sản lượng sản xuất các sản phẩm thép năm nay sẽ tăng lớn.

Cần định hướng thị trường

Nhận định về những điểm mạnh cũng như điểm yếu của ngành thép hiện nay, ông Nghiêm Xuân Đa, Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Thép Việt Nam nêu quan điểm, từ trước đến nay, vai trò của Nhà nước, Chính phủ trong đầu tư phát triển ngành thép đã được thể hiện hết sức rõ nét qua các bản quy hoạch phát triển ngành công nghiệp thép. Trải qua 3 lần quy hoạch lớn từ năm 2001 đến nay, Chính phủ, Bộ Công thương đã có những định hướng, đầu tư phát triển về công nghệ, thị trường cũng như chính sách. Qua đó giúp cho ngành thép Việt Nam phát triển mạnh mẽ.

Việt Nam có thể tự hào về tên tuổi của những nhà sản xuất thép mới như Posco, Hòa Phát… Tuy nhiên, lãnh đạo Tổng Công ty Thép Việt Nam cũng cho rằng, những thay đổi mang tính chiến lược của các nước trong khu vực, đặc biệt là Trung Quốc đang đặt ra yêu cầu đối với ngành thép trong nước cần phải tư duy lại vai trò của mình. Theo đó, các DN thép nội cần phải nỗ lực hơn trong việc nâng cao chất lượng sản phẩm, sức cạnh tranh bằng cách đầu tư mạnh vào công nghệ mới hiện đại, nâng cao khả năng quản trị. Về phía vai trò của nhà nước, cần định hướng thông tin về thị trường, sản phẩm cũng như chiến lược phát triển các nhà máy thép, đề xuất những chính sách khuyến khích và chế độ bảo hộ.

Cùng với định hướng này, cần đưa ra những quy định mang tính chất khống chế về bảo vệ môi trường, khuyến khích phát triển công nghệ cũng như tiêu chuẩn và các hàng rào kỹ thuật. “Trong lĩnh vực thị trường, những thành viên của Hiệp hội thép sẽ là những chủ thể để quyết định việc đầu tư những gì, đầu tư như thế nào, quy mô ra sao và sử dụng công nghệ phù hợp, sản xuất ở đâu, khi nào? Đây là những vấn đề cần hết sức lưu ý khi xem xét vấn đề thị trường của ngành thép” – ông Nghiêm Xuân Đa nhấn mạnh.

Đứng ở vai trò của Hiệp hội, ông Nguyễn Văn Sưa, cho rằng, để góp phần hỗ trợ cho ngành thép phát triển thời gian tới, Hiệp hội sẽ tích cực góp ý và kiến nghị về các chính sách liên quan đến ngành thép; tham gia xây dựng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và tiêu chuẩn quốc gia về các sản phẩm thép; Tham gia xây dựng các hàng rào kỹ thuật cũng như áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại để bảo vệ sản xuất trong nước trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế càng ngày càng sâu rộng.

Nguồn tin: Đại đoàn kết

ĐỌC THÊM