Hiệp hội Thép VN (VSA) cho biết, theo lộ trình cam kết WTO, năm 2010, lượng thép từ các nước ASEAN, Trung Quốc và Nga nhập khẩu vào VN ngày càng nhiều do được giảm thuế (ít nhất 1% với mỗi mặt hàng). Ngành thép trong nước sẽ khó khăn hơn khi không còn được Nhà nước hỗ trợ nhiều nữa, nên khó có thể cạnh tranh với thép ngoại.
Kêu cứ kêu
Trước tình hình đó, và theo kiến nghị của các DN thép ngày 20/5/2010, Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư số 22/TT-BCT về áp dụng Giấy phép nhập khẩu tự động đối với một số sản phẩm thép (thép xây dựng, thép cuộn cán nguội, v.v) là những sản phẩm trong nước đã thừa công suất so với nhu cầu nhằm thực hiện mục tiêu kiềm chế nhập siêu năm 2010 của Chính phủ. Thông tư có hiệu lực thi hành từ 5/7/2010 đến hết 31/12/2010. Bản thân Hiệp Hội Thép cũng đã có văn bản kiến nghị thêm một số mặt hàng thép sản xuất trong nước đã ở mức cung vượt cầu quá xa để Bộ Công Thương xem xét bố sung như: ống thép, thép mạ kim loại và sơn phủ màu, đồng thời điều chỉnh thuế nhập khẩu đối với sản phẩm sơn phủ màu từ 5% lên 15% để bảo vệ sản xuất trong nước... Trên thực tế, trong niều năm qua, mỗi khi bị thép ngoại cạnh tranh, các DN trong nước lại kiến nghị lên Chính phủ và các ngành chức năng, đề nghị được bảo hộ. Theo Bộ Công thương, việc ban hành Bộ quy chuẩn thép cán nguội VN là hết sức cần thiết. Đây không chỉ là chuyện bảo vệ thương hiệu sản phẩm thép trong nước mà còn là tiêu chí để phân loại, xếp hạng sản phẩm. Đó cũng là điều kiện, là áp lực buộc DN phải đầu tư công nghệ hiện đại. Rào cản này được các nước phát triển áp dụng để chặn bớt hàng nhập khẩu, bảo vệ sản xuất trong nước. Tuy nhiên, điều đáng nói là, mặc dù được Bộ Công thương sử dụng với mục đích bảo vệ thép trong nước, nhưng chính các DN thép trong nước cũng sẽ gặp khó với những quy định này. VSA cho biết, hàng rào kỹ thuật sẽ áp dụng với cả hàng nội và khi đó DN trong nước sẽ đối diện với nhiều trở ngại. Đó là thiết bị, công nghệ của ngành thép còn hạn chế, các rào cản kỹ thuật có thể sẽ đẩy chi phí lên; những cản trở về giá, điều kiện vận chuyển; các nhà cung ứng muốn giữ công nghệ tốt nhất cho mình để làm lợi thế cạnh tranh... Với những trở ngại đó, nếu xây dựng các tiêu chuẩn kỹ thuật quá cao, quá khắt khe theo chuẩn quốc tế với những công nghệ hiện đại nhất, sẽ có ít DN trong nước đáp ứng được. Và câu chuyện lại biến thành một vòng tròn không có kết thúc: DN kêu – được bảo hộ - khi được bảo hộ - lại kêu.
Hoang vẫn cứ hoang
Mới đây VSA lại có công văn số 62/HHTVN ngày 3/6/2010 đến Chính phủ, phản ánh tình trạng cấp phép xây dựng các dự án thép tràn lan, sai quy hoạch; công suất đầu tư vào ngành thép vượt quá xa so với nhu cầu trong nước. Theo thống kê mới nhất của Hiệp hội Thép VN, năng lực sản xuất của các nhà máy gang thép của VN thừa đáng lo ngại: Cụ thể, công suất thép cán nguội hiện là 2,5 triệu tấn/năm trong khi sản xuất năm 2009 chỉ có trên 481 ngàn tấn, thừa hơn 2 triệu tấn công suất. Công suất thép cán xây dựng là 7,83 triệu tấn nhưng sản xuất chỉ trên 4 triệu tấn, thừa gần một nửa năng lực. Công suất các nhà máy sản xuất phôi thép là 5,73 triệu tấn nhưng thực tế sản xuất chỉ đạt khoảng 2 triệu tấn. Công suất ống thép hàn là 1,3 triệu tấn/năm nhưng sản xuất chỉ đạt trên 473 ngàn tấn/năm. Công suất thép lá mạ kim loại là 1,2 triệu tấn/năm nhưng sản xuất chỉ đạt 816 ngàn tấn/năm... Quy hoạch phát triển ngành thép đến năm 2025 với tổng công suất 20 triệu tấn/năm. tuy nhiên tính đến thời điểm này, số lượng dự án thép được cấp phép trên cả nước đã có tổng công suất 40 triệu tấn/năm, vượt gấp đôi so với quy hoạch.
Và có một thực tế là bản thân các địa phương, vì mục tiêu thu hút đầu tư nên... đua nhau cấp phép cho các dự án thép, bất chấp các dự án này... nằm ngoài quy hoạch chung của ngành thép. Hiệp hội Thép VN kiến nghị Thủ tướng chỉ thị các địa phương thực hiện nghiêm túc các quy định của Chính phủ trong việc cấp giấy phép đầu tư cho ngành thép. Trong thời gian tới chỉ cấp phép đầu tư để sản xuất các sản phẩm thép VN chưa sản xuất được như thép dẹt cán nóng, thép chế tạo, thép hợp kim, thép chất lượng và các nguyên liệu cho ngành thép... Chính phủ và các địa phương cần nhanh chóng rà soát lại tiến độ thực hiện các dự án, đặc biệt là các dự án đầu tư lớn của nước ngoài triển khai chậm trễ, lưu ý khả năng tài chính để tiếp tục thực hiện dự án, nếu không có lý do chính đáng thì có thể phải rút giấy phép để tránh lãng phí, vì diện tích đất của các dự án chiếm rất lớn, việc triển khai kéo dài có thể cản trở các nhà đầu tư khác có tiềm lực.
DDDN