Chính phủ và Bộ Công thương có trách nhiệm gỡ khó cho ngành về chính sách, song bản thân các doanh nghiệp thép phải tự trông cậy vào chính mình.
Thứ trưởng Bộ Công thương Lê Dương Quang (ảnh: Tuổi trẻ).
Chính phủ và Bộ Công thương có trách nhiệm gỡ khó cho ngành về chính sách, song bản thân các doanh nghiệp thép phải tự trông cậy vào chính mình.
Trong bối cảnh kinh tế chung gặp nhiều khó khăn, cùng với chính sách cắt giảm đầu tư công, thắt chặt chi tài chính, bất động sản đóng băng nên tình trạng ế ẩm, "chợ chiều" của các doanh nghiệp hoạt động trong ngành thép là không tránh khỏi.
Tăng trưởng ngành vẫn âm
Báo cáo tại Hội nghị đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp ngành thép chiều 27/10 do Bộ Công thương chủ trì, Chủ tịch Hiệp hội Thép (VSA), ông Phạm Chí Cường cho biết, tình hình hiện tại thực sự đang rất "hoang mang". Tăng trưởng ngành đến nay vẫn ở mức âm 7,69%.
Theo đó, so với 2010, tổng tiêu thụ biểu kiến (sản xuất trong nước + xuất khẩu – nhập khẩu) đã giảm mạnh, gần 10%. Liên tiếp hai tháng vừa qua, tiêu thụ thép trong nước liên tục trượt dốc, từ mức 480.000 tấn hồi tháng 8, đã giảm 100.000 tấn vào tháng 9 và trong tháng này cũng chỉ đạt xấp xỉ 300.000 tấn.
Nếu tính giá hiện nay, giá thép bán tại nhà máy không kể thuế giá trị gia tăng khoảng 15 triệu đồng/tấn; giá phôi trên 14 triệu đồng/tấn. Trong khi đó, ông Cường cho biết, để hòa vốn, nhẽ ra giá doanh nghiệp phải bán là 15,5 triệu đồng/tấn. Điều đó có nghĩa là doanh nghiệp đang chịu lỗ. Nếu 3 tháng nữa, tình hình vẫn không đổi, ông Cường cảnh báo, toàn bộ số lãi từ đầu năm sẽ trở về 0 hoặc âm. Đây là hiện tượng lặp lại suốt 2-3 năm nay: vài tháng đầu năm lãi lớn, cuối năm âm và lỗ tới cả năm sau
Tình hình đang rất bi quan bởi theo như báo cáo của ông Cường, mặc dù, chưa doanh nghiệp nào công bố phá sản, nhưng thực tế đã có doanh nghiệp phải dừng sản xuất vì không bán được hàng. Trường hợp Thép Vạn Lợi là một ví dụ. Trong cuộc họp Đại hội đồng cổ đông gần đây, doanh nghiệp này đã tuyên bố bán cơ sở của mình.
Bên cạnh đó, thị trường trong nước lại xảy ra hiện tượng bán phá giá, doanh nghiệp đã lỗ còn lỗ thêm. Đã vậy, kể cả khi giảm giá, vì nhu cầu chung của nền kinh tế không cao nên doanh số cũng không tăng được là bao.
"Khi không sản xuất được thì doanh nghiệp trong nước không có sự bàn bạc chia sẻ khó khăn chung nên mức giá chào đối tác khác nhau, dẫn tới kiện cáo trong nội bộ các doanh nghiệp" -Chủ tịch VSA đề cập về thực tế đáng buồn.
Ông cũng đồng thời phản ánh, cùng với những khó khăn trên, lại thêm tình trạng lãi suất vay cao như kéo dài hiện nay thì không doanh nghiệp nào có thể trả nợ hay tiếp cận được vốn. Doanh nghiệp thép lãi được 10% là mừng lắm rồi nhưng hiện tại lãi vay là 20%, thậm chí hơn, đó là cả một thách thức với ngành.
Loay hoay gỡ khó
Trong bối cảnh hiện tại, ông Trần Tuấn Dương, Tổng giám đốc Tập đoàn Hòa Phát cho rằng, phải tiết giảm sản lượng, giảm tồn kho và giảm chi phí. Bản thân doanh nghiệp này đừng thứ 2 thị trường trong nước về sản lượng song cũng đang chỉ chạy 80% công suất để tránh thừa cung khi cầu hàng thấp.
Về phía điều hành nhà nước, ông Dương kiến nghị, Chính phủ cần có những biện pháp phù hợp với thông lệ quốc tế để giảm lượng nhập khẩu, chống gian lận thương mại từ Trung Quốc và hạn chế xuất quặng sang nước này (mỗi năm Việt Nam xuất sang Trung Quốc 2-3 triệu tấn quặng).
Đồng thời, ông cho rằng, việc cấp ngoại tệ ngân hàng cho ngành thép là điều cần thiết phải làm.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Mạnh Quân, Vụ trưởng Vụ Công nghiệp (Bộ Công thương) lưu ý, phải cẩn trọng trọng khi áp dụng hàng rào kỹ thuật. Theo đó, phải tính đến đặc thù của thị trường trong nước, bởi nếu không cẩn thận "chúng ta lại chặt chân chính mình". Ý kiến của ông Quân được ông Trương Quang Hoài Nam tán thành, xây dựng hàng rào kỹ thuật phải dựa trên tiêu chuẩn chất lượng và cẩn trọng tránh kiện tụng.
Về phía doanh nghiệp, đại diện của Hội Đúc luyện kim Việt Nam cho rằng, "doanh nghiệp phải tự cứu mình trước khi được cứu". Bởi, theo phản ánh của vị đại diện này, khảo sát 18 doanh nghiệp làm phôi Việt Nam, chỉ có 3 doanh nghiệp là đáp ứng được yêu cầu tiêu hao năng lượng theo chuẩn quốc tế.
Đồng tình với nhận định này, Thứ trưởng Bộ Công thương Lê Dương Quang nhấn mạnh, thời gian tới chắc chắn ngành thép sẽ vẫn còn gặp khó khăn, cần hướng tháo gỡ, song doanh nghiệp phải chủ động tháo gỡ chứ không chờ ai khác.
Thứ trưởng cũng khẳng định, "đương nhiên Chính phủ và Bộ Công thương có trách nhiệm giúp đỡ về mặt chính sách" nhưng bản thân các doanh nghiệp phải "tự trông cậy vào sức mình".
Nguồn tin: DVT