Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Ngành thép phải tự 'cứu' mình

Các doanh nghiệp (DN) thép “than” đã cố xoay sở nhiều cách vẫn khó “sưởi ấm” được thị trường. Trong khi, lãnh đạo Bộ Công thương lại cho rằng, nếu chỉ biết trông chờ vào gói kích cầu của Chính phủ, DN khó có thể tồn tại.

Mặc dù đang giữa mùa xây dựng, nhưng theo Hiệp hội thép Việt Nam (VSA), lượng thép tiêu thụ của cả nước trong tháng 2/2009 chỉ thêm tăng 50.000 tấn so với tháng một, đạt 230.000 tấn. So với mức tiêu thụ bình quân 300.000 tấn một tháng của cùng kỳ những năm trước, sức cầu của thị trường thép hiện nay chưa đạt kỳ vọng của các DN.

Sức ỳ còn lớn

Chủ tịch VSA, ông Phạm Chí Cường cho rằng, các DN thép đã thử mọi cách để tận dụng sức mua mùa xây dựng như liên tục giảm giá, tăng chiết khấu cho đại lý… nhưng nhưng vẫn không hiệu quả. Tổng công ty Thép Việt Nam trong tháng hai giảm giá tới 800.000 đồng một tấn, nhưng lượng tiêu thụ vẫn thấp hơn 40% so với cùng kỳ năm ngoái. Một số nhà sản xuất như Ống thép Việt Đức, Thép Đình Vũ…  phải chấp nhận “nới” tỷ lệ hoa hồng cho đại lý thêm 2% - 5%, thời hạn thanh toán linh hoạt nhưng hàng bán vẫn chậm.

Doanh nghiệp thép phải nỗ lực tự mình tháo gỡ khó khăn. Ảnh: Đức Long

Theo chủ tịch VSA, về dài hạn, DN không thể trụ mãi với việc hy sinh lợi nhuận để tăng sức cầu. “Bản thân thị trường thép cũng khó lòng “ấm” lên chỉ nhờ việc giảm giá của DN”, ông Cường phân tích. Mặc dù khẳng định, các DN đã nỗ lực bằng nhiều cách để đối phó với suy giảm sức cầu, nhưng Phó tổng giám đốc Thép Đình Vũ, Lê Mạnh Hoàn cũng thừa nhận: “Các biện pháp vượt khó của DN chỉ mang tính tình thế, đối phó. Hầu hết DN vẫn sản xuất theo kiểu cầm hơi, phần lớn chỉ biết trông chờ vào gói kích cầu đầu tư của Chính phủ, thay vì chủ động linh hoạt tháo gỡ khó khăn trong sản xuất, kinh doanh”. Ông Võ Văn Quyền, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thị trường trong nước, Bộ Công thương khẳng định: “Ngành thép liên tục than khó nhưng chưa nỗ lực hết sức do sức ỳ còn lớn”.

Tồn tại hay không tồn tại

Còn nhớ, khi thị trường thép đang trong giai đoạn “thăng hoa” hồi tháng 7/2008, các DN trong ngành bất chấp khuyến cáo từ Bộ Công thương, các chuyên gia, thi nhau nhập thép về, vay ngân hàng đổ vốn đầu tư vào dự án lớn. Kết quả, khi giá thép suy giảm, sức cầu yếu, nhiều DN thép “chôn” hàng chục tỷ đồng vốn vào các dự án dang dở, không huy động được vốn lưu động để tiếp tục triển khai. Hiện, lâm vào thế bí, ngành thép lại chờ đợi được Chính phủ giải cứu.

Theo thạc sĩ Võ Trí Thành, Viện Nghiên cứu kinh tế Trung ương, DN ngành thép còn phải đợi ít nhất thêm hai, ba tháng nữa gói kích cầu mới phát huy hiệu quả, do các ngân hàng vẫn đang tính toán phân bổ vốn vay ưu đãi, chưa thể đến được ngay các công trình. Do đó, nếu không phát huy nội lực, chỉ trông chờ vào gói kích cầu của Chính phủ, ngành thép sẽ “chết trước khi được cứu”.

Theo gợi ý của lãnh đạo Bộ Công thương, trước mắt, DN có thể tiếp tục cân đối hạ giá thành ở mức hợp lý, đi đôi với đổi mới quy trình sản xuất. Hiện nay, phần lớn DN chỉ mới thực hiện công đoạn cuối là mua phôi về cán nên giá thành cao. Nếu đầu tư công nghệ, tổ chức quy trình khép kín từ khâu khai thác quặng, tự sản xuất phôi, đến hệ thống phân phối hoàn chỉnh, DN hoàn toàn có thể tiết kiệm được chi phí, nâng cao năng lực cạnh tranh.

Hiệp hội Thép Việt Nam cùng ký với các Hiệp hội DN cơ khí, hội khoa học kỹ thuật đúc và luyện kim… vào bản kiến nghị triển khai gói kích cầu gửi lên Thủ tướng. Bản kiến nghị sẽ hướng vào các cách thức phân bổ vốn, hỗ trợ DN theo năng lực sản xuất, không để xảy ra tình trạng DN được cấp vốn nhưng không biết cách sử dụng sao cho hiệu quả.

(Đất Việt)

ĐỌC THÊM