Lý lẽ mà Bộ Công Thương đưa ra để tăng giá điện riêng cho các ngành sản xuất trong đó có sắt thép đã bị các DN phản đối kịch liệt. Là một trong những ngành công nghiệp quan trọng của đất nước, các DN thép cho rằng, không nên có sự “phân biệt đối xử” như vậy.
Đẩy khó cho DN
Mới đây, Bộ Công Thương đã công bố Dự thảo về cơ cấu giá bán lẻ điện. Một trong những điểm đáng lưu ý của dự thảo này là Bộ Công Thương đã đề xuất áp giá điện riêng cho ngành sản xuất sắt thép, xi măng chứ không cho hưởng giá chung với các ngành sản xuất khác, với mức tăng từ 2% đến 16%. Lý do được Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) giải thích cho đề xuất này là hiện giá bán điện cho sản xuất thấp. Chính vì vậy, đã xuất hiện làn sóng đầu tư nước ngoài vào ngành thép và xi măng để XK. Đây là lĩnh vực tiêu tốn nhiều điện năng. Vì thế, về lâu dài, Cục đề nghị xây dựng cơ chế giá điện riêng và hạn chế XK sắt thép.
Khi trao đổi với Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) về vấn đề này, ông Nguyễn Tiến Nghi, Phó Chủ tịch VSA đã tỏ ra khá bức xúc, nếu áp dụng quy định này có thể đẩy DN vào “ngõ cụt”, tạo điều kiện “mở cửa” cho hàng ngoại tràn vào chiếm lĩnh thị trường. Bởi theo phân tích của ông Nghi, kể từ 2005, hầu hết các lò điện được đầu tư mới theo công nghệ tiên tiến của các nước châu Âu như Đức, Ý. Ví dụ như, Công ty Vina Kyoei hay Công ty Thép Việt đã đầu tư các lò điện luyện thép hiện đại, ở mức công suất 120 tấn/mẻ, Công ty thép Thái Nguyên có nhà máy cán thép 300.000 tấn/năm với công nghệ của Ý… Tuy nhiên, các nhà máy đi vào sản xuất đúng thời kỳ kinh tế suy thoái, gánh nặng trả nợ lãi vay quá cao do vốn đầu tư lớn trong khi sản phẩm bán chậm… Việc tăng giá điện lúc này sẽ đẩy các nhà đầu tư vào tình trạng phá sản, dù họ là người đi tiên phong trong áp dụng công nghệ mới.
Bên cạnh đó, việc tăng giá điện cho sản xuất thép sẽ làm giá thép Việt Nam mất tính cạnh tranh, tạo thuận lợi cho thép Trung Quốc và các nước khác NK vào Việt Nam. Hiện đối với các nước ASEAN, hầu hết thuế NK thép đều bằng 0%, còn theo Hiệp định ASEAN - Trung Quốc thì tới 2015 hầu hết thuế NK thép cũng bằng 0%. “Người tiêu dùng sẽ mua thép của các nước mà sẽ không mua thép Việt Nam sản xuất vì giá rẻ hơn do họ dùng nhiều chính sách ưu đãi cho XK. Ví dụ như Trung Quốc, để khuyến khích XK thép đã thoái thu thuế GTGT từ 9% đến 14% cho các DN XK”, ông Nghi cho biết. Ngoài ra, chúng ta đã tự túc được 100% thép xây dựng, 100% thép ống, 100% thép cuộn cán nguội, thép tôn mạ và sơn phủ màu, đồng thời XK được các sản phẩm này sang Mỹ, các nước ASEAN. Điều đó chứng tỏ, sản phẩm thép đã đạt tiêu chuẩn quốc tế và có giá cạnh trạnh. Nếu tăng giá đầu vào đặc biệt là giá điện sẽ làm cho giá thành sản xuất tăng, khả năng XK không còn. Khi đó, nhập siêu của ngành thép sẽ trở thành gánh nặng cho đất nước.
Bị “phân biệt, đối xử”
Với những lý lẽ này, vị đại diện của VSA thẳng thắn nêu quan điểm, nếu ngành điện có đủ lý do chính đáng để tăng giá điện, Hiệp hội hoàn toàn ủng hộ song ngành thép phải được hưởng giá điện bình đẳng như các ngành sản xuất công nghiệp khác. Việc cào bằng giá điện giữa các nhà sản xuất tiết kiệm điện với nhà sản xuất tiêu hao nhiều điện như đề xuất của dự thảo là không hợp lý. “Tăng giá điện phải có lộ trình chứ không thể nói tăng là tăng. Trong lúc khó khăn này lại “dúi” cho DN một cú liệu có nên không”, ông Nghi nói.
Đồng tình với quan điểm trên, ông Trần Tuấn Dương, Tổng Giám đốc Tập đoàn Hòa Phát tỏ ra bức xúc, tăng giá điện là việc của Chính phủ. DN thép chấp nhận tăng giá điện, tuy nhiên không được “phân biệt đối xử”. “Mỗi ngành kinh tế có đóng góp khác nhau cho nền kinh tế, đồng thời ngành thép là một trong 11 ngành ưu tiên khuyến khích đầu tư. Nếu viện cớ “ăn khỏe” mà bán đắt hơn liệu có hợp lý?”, ông Dương đặt câu hỏi.
Theo VSA, hiện bình quân tiêu thụ thép theo đầu người của Việt Nam chỉ khoảng 120kg/người còn rất xa với mục tiêu của một nước công nghiệp nên Việt Nam vẫn cần đầu tư cho ngành công nghiệp này. Việc tiến tới tính đủ giá điện cho mọi ngành sản xuất công nghiệp trong đó có ngành thép là việc cần thiết. DN nào có khả năng cạnh tranh thì tồn tại phát triển, DN yếu kém tự “tê liệt” chứ không cần chờ đến việc tăng giá của ngành điện. Ông Nghi kiến nghị thêm, để đạt được trình độ công nghệ tiên tiến với các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật và môi trường ngang tầm quốc tế, loại bỏ các công nghệ lạc hậu trong đó có chỉ tiêu tiêu hao điện, Nhà nước cần sớm có lộ trình và quy định mức tiêu hao điện và mốc thời gian thực hiện để các DN có biện pháp và thời gian để phấn đấu thực hiện.
Nguồn tin: Haiquan