Tình hình kinh tế năm 2016 có nhiều thay đổi, giá dầu được dự báo tiếp tục giảm sâu, kinh tế toàn cầu suy giảm, đặc biệt là sự lao dốc của kinh tế Trung Quốc. Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) nhận định rằng trong năm 2016, một số ngành kinh doanh sẽ gặp nhiều khó khăn, trong đó có sản xuất thép do tình trạng dư cung có thể kéo dài.
Theo đó, trong năm 2016 này các doanh nghiệp không chịu cắt giảm sản lượng để giữ vững thị phần. Giá bán thành phẩm thép tiếp tục giảm theo xu hướng của giá nguyên liệu đầu vào. Nguồn cung dồi dào từ trong và ngoài nước sẽ đẩy giá thép xuống sâu trong những năm tới. Lượng tồn kho thép xây dựng lớn. Cạnh tranh trong ngành ngày một khốc liệt, khi những doanh nghiệp sử dụng công nghệ lò điện lạc hậu đang dần bị thị trường loại bỏ, thị phần tập trung về tay những doanh nghiệp lớn, có lợi thế về chi phí sản xuất.
Đặc biệt, cạnh tranh từ thép Trung Quốc nhập khẩu tiếp tục là mối quan tâm lớn của tất cả các doanh nghiệp nội địa. Do kinh tế tăng trưởng chậm lại, quy hoạch ngành thép với công suất thiết kế quá lớn khiến cho lượng cung hàng vượt xa so với cầu tiêu dùng nội địa, các doanh nghiệp thép Trung Quốc bắt buộc phải tìm cách để xuất khẩu, dù phải bán với giá thấp hơn chi phí sản xuất, và Việt Nam trở thành thị trường lý tưởng do thị trường bất động sản đang có xu hướng hồi phục, vị trí địa lý kề bên giúp tiết kiệm chi phí vận chuyển. Theo Hiệp định thương mại tự do giữa ASEAN và Trung Quốc, đến năm 2018, thuế nhập khẩu thép hợp kim về 0% càng tăng thêm lợi thế giá thấp của thép Trung Quốc.
Bên cạnh thép nhập khẩu, nhân tố cạnh tranh thị phần với các doanh nghiệp trong nước sẽ đến từ khu liên hiệp gang thép Formosa tại Hà Tĩnh với mức đầu tư sản xuất trên quy mô lớn và công nghệ lò cao hiện đại. Tuy nhiên, trong ngắn hạn, Formosa vẫn chưa là mối đe dọa lớn với các doanh nghiệp nội địa.
Nguồn tin: Xây dựng