Các dự báo về sự phát triển của ngành thép Việt Nam trong năm 2010 vẫn rất lạc quan. Ngành thép sẽ tiếp tục tăng trưởng trong bối cảnh những khó khăn của nền kinh tế đang bị đẩy lùi. Tuy nhiên, sự phát triển ồ ạt cũng tạo ra những thách thức không nhỏ.
Tiếp tục phát triển ồ ạt, ngành thép tự gây khó cho mình
Tăng trưởng khoảng 15% so với năm 2009 Ông Phạm Chí Cường - Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam đánh giá: “Tiếp nối năm 2009, các dự án xây dựng lớn như: dự án nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp, dự án xây dựng cơ sở hạ tầng… vẫn được triển khai, năm 2010, ngành thép sẽ tiếp tục tăng trưởng”.
Nhận định của ông Cường được nhiều người đồng tình bởi một trong những hạn chế lớn nhất, cản trở sự phát triển của kinh tế Việt Nam là hạ tầng yếu kém. Trong năm nay và những năm tiếp theo, các dự án cải thiện cơ sở hạ tầng sẽ được Nhà nước quan tâm nên đầu ra cho nhóm hàng vật liệu xây dựng nói chung và thép nói riêng sẽ khả quan.
Mặt khác, một số dự án thép liên doanh với nước ngoài đang được triển khai dự kiến hoàn thiện trong năm 2010 sẽ đưa công suất thép sản xuất trong nước tăng. Cụ thể, đó là các dự án thép lò cao của: Hòa Phát, Vạn Lợi, Đình Vũ… Ông Phạm Chí Cường dự báo: “Năm 2010, tăng trưởng sản xuất và tiêu thụ của ngành thép ở khoảng 10-15% so với năm 2009”.
Đối mặt với dư thừa
Theo kế hoạch thì năm 2010, ngành thép sẽ đón nhận thêm một số nhà máy mới đi vào hoạt động: dự án khu liên hợp hàng triệu tấn/năm tại Lào Cai do Tổng Công ty Thép Việt Nam làm chủ đầu tư, dự án Thép Thái Nguyên giai đoạn 2 với công suất 0,5 triệu tấn/năm, dự án thép do liên doanh Vinashin và Công ty Cửu Long. Khi các nhà máy này đi vào vận hành cùng với các dự án thép lò cao kể trên thì nguy cơ dư thừa thép sẽ rõ ràng hơn.
Năm 2009, tổng sản lượng thép sản xuất của Việt Nam đạt hơn 7 triệu tấn. Trong khi đó, lượng thép tiêu thụ trong nước chỉ ở mức 4 triệu tấn, sản lượng xuất khẩu không đáng kể, ngành thép dư thừa khoảng hơn 2 triệu tấn. Khó khăn cũ của ngành thép sẽ tái diễn khi thép nhập khẩu giá rẻ từ Trung Quốc và ASEAN vào Việt Nam được bán với giá thấp hơn từ 500-700 nghìn đồng/tấn so với thép nội.
Theo thống kê của Hiệp hội Thép Việt Nam, lượng thép cán xây dựng, thép cuộn cán nguội năm 2009 sản lượng sản xuất cao gấp đôi lượng tiêu thụ; thép ống, tôn phủ màu… cao gấp 1,5 lần nhu cầu. Tình trạng mất cân đối cung cầu kéo dài không chỉ gây ảnh hưởng tới thị trường mà những cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, manh mún đứng trước nguy cơ không thể hoạt động.
Bên cạnh đó, giải pháp xuất khẩu thép để giảm tồn kho cho doanh nghiệp Việt Nam không mấy sáng sủa bởi giá thép Việt Nam khó cạnh tranh trên trường quốc tế. Trong khi các nước: Trung Quốc và ASEAN có chính sách thuế hỗ trợ xuất khẩu, nhằm hạ giá sản phẩm thì các doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa được Nhà nước tạo điều kiện tương tự.
Thiếu vẫn thiếu
Thách thức lớn nhất của ngành thép đang nằm ở chỗ “thừa vẫn thừa, mà thiếu vẫn thiếu”. Hiện tại, cung thép xây dựng đã vượt cầu nhưng các dự án thép mới xây dựng hoặc sắp đi vào hoạt động vẫn có định hướng sản xuất loại thép này. Trong khi đó, nhu cầu tiêu thụ thép cán nóng, thép chế tạo, thép không gỉ… rất lớn thì chưa có doanh nghiệp Việt Nam nào sản xuất được.
Cụ thể, nhu cầu tiêu thụ thép cán nóng của Việt Nam khoảng 3 triệu tấn/năm, tổng khối lượng các loại thép trên cần nhập khẩu khoảng 5 triệu tấn/năm và Việt Nam vẫn nhập khẩu 100%. Ông Cường cho rằng: “Cái khó của doanh nghiệp Việt Nam nằm ở chỗ thiếu vốn. Đầu tư cho dây chuyền, thiết bị sản xuất các loại thép này cần hàng tỷ USD vốn cho một giai đoạn”.
Tuy nhiên, theo ông Cường, đáng lẽ các doanh nghiệp Việt Nam phải ngồi lại với nhau, bàn bạc phương án góp vốn xây dựng thay vì đầu tư nhỏ lẻ, “mạnh ai, nấy làm”. Hơn nữa, việc phân cấp cấp giấy phép đầu tư về cho các địa phương lại càng khiến ngành thép phát triển ồ ạt, manh mún hơn. Hiệp hội Thép kịch liệt phản đối các dự án thép công suất nhỏ được cấp phép đầu tư xây dựng bởi dễ gây tình trạng dư thừa và ô nhiễm môi trường.
Từ cuối năm 2009, Bộ Công Thương đã có văn bản yêu cầu các địa phương rà soát lại các dự án thép ngoài quy hoạch và đề ra tiêu chuẩn lò nung cho các dự án thép. Tuy nhiên, theo đánh giá của Hiệp hội Thép, hành động này chưa thực sự hiệu quả. “Nếu có yêu cầu của Chính phủ với các địa phương về vấn đề này, có thể tình hình cấp phép đầu tư ồ ạt sẽ được khắc phục” - ông Cường nhấn mạnh.
(ANTĐ)