Trước thông tin về các mặt hàng đồng loạt tăng giá đầu tháng 3, với thị trường vật liệu xây dựng, ngành thép được xem là bị tác động nhiều nhất.
Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho biết, bình quân phải tốn khoảng 600 kWh để sản xuất được một tấn phôi thép. Như vậy nếu điện tăng giá 6,8%, chi phí điện để sản xuất phôi thép sẽ tăng thêm khoảng 50.000 đồng/tấn.
Ngành thép sẽ tăng chi
Theo ông Nguyễn Tiến Nghi - Phó Chủ tịch VSA: “Trong năm 2010, ngành thép lên kế hoạch sản xuất khoảng 2,8 triệu tấn phôi để cung ứng cho nhu cầu sản xuất thép thành phẩm trong nước. Như vậy, việc tăng giá điện sẽ làm toàn ngành chi thêm khoảng 140 tỷ đồng. Đây là một khó khăn không nhỏ”. Theo ông Nghi, mặc dù ít tiêu hao điện hơn sản xuất phôi, nhưng theo tính toán sơ bộ, nếu giá điện tăng 6,8%, các nhà máy cán thép thành phẩm trên cả nước cũng sẽ chi thêm khoảng 60 tỷ đồng cho kế hoạch sản xuất khoảng 5 triệu tấn thép trong năm 2010. VSA đang yêu cầu các XN sản xuất thép, phôi thép, nhất là các nhà máy sử dụng công nghệ cũ, tính toán lại chi phí sản xuất để có phương án đổi mới công nghệ, cân bằng chi phí, tránh gây tác động lớn lên giá thành sản phẩm.
Một DN ngành thép nhận định nếu giá điện tăng thêm 6,8%, chắc chắn giá thành sản xuất phôi sẽ bị đội lên, và khi đó, giá bán phôi thép ra thị trường buộc phải tăng thêm khoảng 10% so với giá bán hiện nay mới mong tránh được lỗ. Theo DN này, trong điều kiện tình hình kinh tế đang còn khó khăn như hiện nay, nếu giá bán phôi thép tăng thêm sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến sức tiêu thụ trên thị trường. Tuy nhiên, theo giới chuyên gia về VLXD thì giá các loại VLXD nói chung và giá thép vẫn tiếp tục theo đà tăng trong thời gian tới. Trong đó, ngành thép sẽ bị tác động nhiều nhất bởi có nhiều mặt hàng là nguyên liệu dành cho sản xuất, đã và sẽ tăng giá.
Hậu quả thừa dự án
Trước áp lực đó, cơ hội cho các DN sản xuất, kinh doanh thép có còn ? Hiện tại, tổng công suất cán thép xây dựng vượt gần 2 lần công suất luyện, 80% sản lượng phôi thép hiện nay được sản xuất từ thép phế liệu.
Thừa công suất sản phẩm dẫn đến việc sử dụng công suất cán thép chỉ đạt khoảng 60-70%. Nhiều nhà đầu tư thép - kể cả chủ những dự án liên hợp lớn - cũng không phải là những nhà luyện kim có uy tín và kinh nghiệm trên thế giới. Điều đáng nói là một số DN không chuyên về thép cũng đầu tư vào các dự án thép. Chủ tịch VSA Phạm Chí Cường cho rằng: cần phải siết chặt việc thực hiện đúng theo quy hoạch ngành thép đã được phê duyệt vì quy hoạch đó đã tính toán đầy đủ các yếu tố về cơ sở hạ tầng như đất đai, điện nước, cảng biển, giao thông...
Ông Cường cũng cho biết thêm, việc phá vỡ quy hoạch sẽ dẫn tới hiệu quả đầu tư thấp, nhập khẩu các công nghệ lạc hậu nhưng thép sản xuất dư thừa cũng không bán được cho ai. Việc đầu tư ban đầu tưởng là có lãi nhưng lại trở thành gánh nặng cho nền kinh tế. Phá vỡ quy hoạch thép có thể gây ra những hậu quả khó lường mà rõ rệt nhất là về môi trường.
“ Trung bình một tháng, chúng tôi phải trả 3,7 tỷ đồng tiền điện. Nay với việc giá điện tăng 6,8%, mỗi tháng chúng tôi phải mất thêm khoảng 300 triệu đồng. Như vậy, theo tính toán giá thép sẽ phải tăng thêm 40 ngàn đ/tấn”.
Ông Hồ Nghĩa Tín – TGĐ Cty Thép Dana-Y, Đà Nẵng
(DĐDN)