Ngành thép lấy lại phong độ
Có thể nói, trong những năm gần đây ngành thép luôn trong tình trạng “ngàn cân treo sợi tóc”, bởi sức ép từ thép Trung Quốc tràn vào bán với giá rẻ, rồi các vụ kiện chống bán phá giá, trong khi thị trường bất động sản đóng băng… Đó là những nguyên nhân dẫn tới nhiều DN sản xuất thép thua lỗ, thậm chí nhiều DN đóng cửa, phá sản.
Nhà nước đã đưa ra các chính sách nhằm đẩy mạnh phát triển ngành công nghiệp thép, nhưng một thực tế cho thấy, nhiều chính sách chưa sát với thực tế, các DN ngành thép lại chưa với tới, từ đó cùng với sức ép của thị trường… làm cho ngành thép từ được coi là ngành công nghiệp mũi nhọn càng thêm suy kiệt, mất lòng tin để đầu tư phát triển.
Một trong những nguyên nhân khiến sản lượng tiêu thụ thép xây dựng trong tháng 4/2014 tăng cao là yếu tố mùa vụ. Theo quy luật, từ tháng 3 trở đi là mùa xây dựng, lúc này các dự án được khởi công nhiều. Do đó, sản lượng thép xây dựng của các DN trong thành viên của Hiệp hội thép Việt Nam (VSA) trong tháng 4/2014 đạt 458.083 tấn; nếu so với tháng trước giảm 5,41% nhưng so với cùng kỳ năm 2013 tăng 4,96%.
Tương ứng, lượng thép xây dựng tiêu thụ trong tháng 4/2014 đạt tương đối với 484.531 tấn nhưng lại giảm 14,94% so với tháng 3/2013 và lại tăng 13,55% so với cùng kỳ năm 2013. Có thể khẳng định, đây là tháng thứ 2 liên tiếp trong 4 tháng đầu năm 2014 sản lượng thép tiêu thụ đạt khá cao hơn mức bình quân của các năm trước (năm 2013 bình quân 380.000 tấn/tháng và năm 2012 là 370.000 tấn/tháng).
Theo VSA, mức tăng trưởng phần lớn ở một số đơn vị luôn dẫn đầu thị phần là Thép Hòa Phát, Thép Nhà Bè, Thép Thái Bình Dương… Song song với đó các mặt hàng ống thép, tôn mạ kim loại vẫn giữ được phong độ tăng trưởng cao.
Tính tới 30/4/2014, lượng thép xây dựng tồn kho tại các công ty là 283.726 tấn, theo VSA, đây là con số bình thường, đủ gối đầu cho thị trường thép trong tháng tới.
Theo ý kiến từ các DN trong ngành thép, để ngành thép trong nước thoát khỏi những khó khăn đã tồn tại từ mấy năm nay, Nhà nước cần nghiên cứu để đưa ra những chính sách đặc thù, nhằm hỗ trợ cho ngành công nghiệp thép nước nhà phát triển, tránh tình trạng để ngành thép dần teo tóp, "nhường sân" cho thép ngoại lấn át. |
Sức ép từ cân trọng tải
Mặc dù đầu ra tiêu thụ của ngành thép có tia hy vọng nhưng trong ngành thép vẫn diễn ra tình trạng các nhà máy chưa thể hoạt động hết 100% công suất.
Ngành thép vừa "le lói" niềm vui thì lại thêm nhiều nỗi buồn do chi phí "đầu vào" tăng. Trước hết là giá nguyên liệu cho sản xuất thép; giá điện, xăng dầu… đều tăng so với dự kiến. Quan trọng hơn, kể từ ngày 1/4/2014, khi tất cả các tỉnh, thành trong cả nước ra quân kiểm soát tải trọng xe, buộc các xe tải phải hạ tải theo đúng quy định. Với lý do hạ trọng tải, giá cước "dội" lên gấp hai đến ba lần so với trước đây. Đó là những nguyên nhân dẫn tới giá thành sản phẩm thép đều tăng cao.
Do chi phí "đầu vào" tăng cao nên nếu so với giá thành sản xuất thì mức tăng giá thép trên thị trường vẫn chưa tương xứng, vì thế DN sản xuất thép bị giảm lợi nhuận, khó khăn vẫn hoàn toàn khó khăn.
Mặc dù việc kiểm soát trọng tải xe là việc phải kiên quyết thực hiện, tuy nhiên chúng ta chưa lường hết được mọi tác động của biện pháp này. Lẽ ra Nhà nước nên đưa ra lộ trình thực hiện để hạn chế thiệt hại cho toàn bộ nền kinh tế. Trước sử dụng biện pháp này, cần phải tập trung đầu tư cho hệ thống giao thông theo chuẩn quốc tế, nếu không người dân sẽ chịu thiệt đơn, thiệt kép khi giá cả các mặt hàng đều bị ảnh hưởng bởi chi phí lưu thông tăng gấp nhiều lần.
Nguồn tin: Công thương