Theo thông tin từ Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), trải qua tháng 9 và 9 tháng đầu năm 2017, mặc dù việc sản xuất kinh doanh (SXKD) của doanh nghiệp thép vẫn gặp nhiều khó khăn, tuy nhiên, với kinh nghiệm và sự nỗ lực không ngừng của doanh nghiệp đã giúp cho việc sản xuất và tiêu thụ thép đều tăng trưởng khá.
Tháng 9 tiêu thụ giảm
Cụ thể, tháng 9/2017, sản xuất thép của các doanh nghiệp (DN) thép trong nước đạt 836.624 tấn, tăng 19,4% so với cùng kỳ 2016 và tăng 18,13% so với tháng trước. Trong đó, tiêu thụ đạt 740.565 tấn, giảm 6,5% so với tháng trước, nhưng tăng so với cùng kỳ 2016 là 16,5%. Tồn kho tính tới thời điểm 30/9/2017 là 579.342 tấn, tăng 28% so với thời điểm cuối tháng 8/2017.
Đối với nguyên liệu đầu vào cho cán thép như phôi thép cũng có giá giao dịch bất thường, ngày 6/10/2017 giá phôi dao động ở mức 525-530 USD/tấn tại cảng Đông Á - mức này giảm khoảng 15 USD/tấn so với đầu tháng 9/2017, sau khi tăng 70 USD/tấn ở mức 540-550 USD/tấn vào hồi đầu tháng 9/2017.
Thực tế, trong quý III/2017, giá phôi đã tăng khoảng 90 USD/tấn so với quý II/2017. Nhìn chung, giá các loại nguyên liệu đầu vào cho sản xuất thép trong quý III/2017 tăng khá cao so với mặt bằng giá quý II/2017. Nếu so với đầu năm 2017, giá các loại nguyên liệu tăng cao. Song, giá thép xây dựng lại tăng không tương ứng, hiện nay, giá bán tại khu vực phía Bắc đang dao động khoảng 12,5 triệu đồng/tấn, phía Nam khoảng 13,5 triệu đồng/tấn tại nhà máy.
9 tháng tiêu thụ tăng trên 20%
Nếu tính tổng 9 tháng đầu năm 2017, sản xuất thép của các DN trong nước đạt hơn 15,4 triệu tấn, tăng 24,2% so với cùng kỳ 2016. Trong đó, tiêu thụ đạt gần 13 triệu tấn, tăng tương ứng là 20,5% so với cùng kỳ năm trước.
Những con số nêu trên cho thấy, trải qua 9 tháng đầu năm 2017 việc SXKD của các DN thép trong nước tăng trưởng khá tốt. Tuy nhiên, để đáp ứng được hết công suất thiết kế của DN thép trong nước là điều còn rất xa vời, vì tính trung bình sản xuất của cả ngành thép hiện nay chỉ chạy được khoảng trên 70% công suất thiết kế, tương ứng với dự báo tiêu thụ, tránh tình trạng để tồn kho nhiều. Nguyên nhân các DN trong nước chưa chạy hết 100% thiết kế chính là sức ép tiêu thụ từ hàng nhập khẩu vẫn nhiều, tính từ 01/1/2017 đến 31/8/2017, nhập khẩu thép các loại đạt hơn 13,5 triệu tấn, với tổng kim ngạch nhập khẩu đạt gần 7 tỷ USD, giảm 22% về lượng, nhưng tăng 3,8% về giá trị so với cùng kỳ năm 2016.
Nói là nhập khẩu giảm, nhưng thực tế chủ yếu giảm ở phần thép cuộn cán nguội, thép tấm cán nguội do Nhà máy gang thép Formosa Hà Tĩnh đã sản xuất được, thay cho việc nhập khẩu trước đây. Cùng với đó là nhờ vào tác động tích cực của việc áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại đối với một số mặt hàng thép như thép tôn mạ, thép thanh và cuộn, thép hợp kim… nên đã giúp cho sản lượng thép nhập khẩu một số mặt hàng giảm chút ít. Nhưng đối với sản phẩm thép xây dựng và các sản phẩm thép khác, các DN vẫn đang phải đối mặt với sự cạnh tranh giữa các nhà sản xuất ngày càng gay gắt trong việc duy trì thị phần. Theo đó, các DN vẫn rất cần biện pháp kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ đầu vào về chất lượng cho hàng nhập khẩu, giúp thị trường thép kinh doanh lành mạnh, người tiêu dùng tránh mua phải hàng kém chất lượng.
Chính vì sức ép tiêu thụ trong nước gặp khó nên các DN đã tích cực đổi mới, đầu tư công sức mở rộng thị trường, đổi mới, nâng cấp công nghệ hiện đại hơn để cho ra những sản phẩm chất lượng, từ đó thu hút được nhiều khách hàng nước ngoài quan tâm và đã giúp cho xuất khẩu thép thành phẩm 7 tháng 2017 đạt 2,98 triệu tấn, với tổng kim ngạch xuất khẩu gần 2 tỷ USD, tăng 27% về lượng và 50% về giá trị so với cùng kỳ 2016.
Nguồn tin: Vinanet