Công nghiệp sản xuất thép là một trong những ngành đã và đang "è cổ” gánh chịu thiệt hại do hàng hóa tồn kho gây ra. Hiệp hội thép Việt Nam cho biết, mỗi tấn thép bị tồn kho, đơn vị trực tiếp tạo ra sản phẩm bị thiệt hại 300.000 đồng/tháng.
Vốn vay sản xuất với lãi suất cao nhưng hàng hóa không được tiêu thụ, thay vì đồng vốn quay vòng sinh lợi nay rơi vào tình trạng đóng băng. Đến trung tuần tháng 6, lượng hàng tồn kho của ngành thép đã lên đến khoảng 400.000 tấn. Theo đó, bình quân mỗi tháng, toàn ngành thép bị thiệt hại hơn 100 tỷ đồng.
Tình trạng hàng tồn kho được các doanh nghiệp đối phó bằng cách sản xuất cầm chừng, có những đơn vị sản xuất thép cắt giảm hơn 50% công suất. Đây là giải pháp bất đắc dĩ, các doanh nghiệp gần như không còn sự lựa chọn nào khác. Hệ lụy là người lao động thiếu việc làm, thu nhập bị giảm sút, doanh nghiệp có nguy cơ thua lỗ, vấn đề an sinh xã hội khó được bảo đảm….
Không chỉ có thép, hàng hóa tồn kho lớn đang là tình trạng mang tính phổ biến đối với sản xuất công nghiệp. Tổng cục Thống kê vừa đưa ra số liệu thật sự đáng lo ngại: có hơn 70% trong số 136 nhóm sản phẩm và sản phẩm của ngành công nghiệp tồn kho tăng cao so với cùng kỳ năm ngoái. Công nghiệp sản xuất nước trái cây bị tồn kho lên đến hơn 135% so cùng kỳ năm ngoái. Tương tự như vậy nhiều sản phẩm như bột nêm, bột gia vị, sản phẩm cafe hòa tan tồn kho tăng gần gấp đôi. Đang là mùa hè (thời vụ tiêu thụ sản phẩm đường kính) nhưng đường ăn hiện đang "ngủ” trong kho lên đến xấp xỉ 525.000 tấn, so cùng kỳ năm ngoái tăng hơn 142.000 tấn. Làm sao để giải quyết được vấn đề nan giải này?
Nguồn tin: Daidoanket