Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Ngành thép tích cực kiềm chế nhập siêu

Hiệp hội Thép Việt Nam đã đề xuất những biện pháp giảm nhập siêu trong ngành với Bộ Công Thương, nhằm thực hiện chủ trương đẩy mạnh xuất khẩu, kiềm chế nhập siêu, giúp các doanh nghiệp thép trong nước tiêu thụ sản phẩm.

Giá thép đến tay người tiêu dùng vẫn đang ở mức cao

6 tỷ USD nhập khẩu thép mỗi năm

Ông Nguyễn Tiến Nghi - Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam cho hay: “Mỗi năm ngành thép nhập khẩu hơn 6 tỷ USD thép và các sản phẩm của thép”. Trong đó, không ít sản phẩm nhập khẩu trong nước đã sản xuất được, đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng nội địa. Đó là: thép xây dựng, thép cuộn cán nguội, ống thép hàn, tôn mạ kẽm, sơn phủ màu… Công suất các doanh nghiệp trong nước sản xuất được ít nhất cũng gấp rưỡi nhu cầu.

Bốn tháng đầu năm nay, mỗi tháng Việt Nam nhập khẩu trung bình 35.000 tấn thép từ Trung Quốc và ASEAN. “Chúng tôi cho rằng khối lượng sản phẩm nhập khẩu này tương đối lớn” - ông Nghi nói.

Trong đó, thép từ ASEAN chiếm từ 52-55%, thép từ Trung Quốc chiếm hơn 20%, còn lại là từ các quốc gia, vùng lãnh thổ khác như: Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc. Hiệp hội Thép Việt Nam đã kiến nghị lên Bộ Công Thương 3 phương án lớn nhằm kiềm chế nhập siêu trong ngành thép. Theo đó, không ưu tiên cho các doanh nghiệp vay tín dụng, đổi ngoại tệ để nhập khẩu các sản phẩm thép trong nước đã sản xuất được.

Đồng thời, Bộ Công Thương phải thực hiện đăng ký nhập khẩu tự động thép để nắm rõ khối lượng hàng nhập khẩu mỗi tháng, từ đó hạn chế nhập khẩu sản phẩm không cần thiết. Bên cạnh đó, thép và sản phẩm thép khi nhập khẩu vào Việt Nam đều được bộ phận hải quan kiểm tra rõ nguồn gốc xuất xứ, chất lượng sản phẩm… trước khi thông quan. Hiện nay, Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư áp dụng giấy phép nhập khẩu tự động đối với một số sản phẩm thép. Các biện pháp còn lại tiếp tục được xem xét, triển khai.

Ông Nghi ước tính, trong hơn 6 tỷ USD dành để nhập khẩu thép và sản phẩm của thép mỗi năm thì có hơn 50% số đó dành để nhập khẩu nguyên liệu sản xuất, 30% nhập khẩu các sản phẩm trong nước chưa sản xuất được và 20% nhập khẩu các sản phẩm trong nước đã sản xuất được.

Do vậy, nếu các biện pháp hạn chế nhập siêu đem lại hiệu quả, mỗi năm ngành thép có thể giảm nhập siêu tối thiểu 700 triệu USD. Điều này đồng nghĩa với việc tỷ lệ nhập siêu của cả nước có thể giảm so với hiện nay và các doanh nghiệp thép nội địa có điều kiện thuận lợi hơn trong sản xuất, kinh doanh.

Thị trường thép qua “cơn sốt ảo”

Nhu cầu thị trường từ đầu quý II đến nay vẫn đứng yên, tuy nhiên, lượng thép tiêu thụ (tính từ khi xuất khỏi nhà máy) lại giảm rõ rệt. Ông Nguyễn Tiến Nghi cho biết: “Đó là do hiện tượng “găm” hàng của chủ đại lý, các cửa hàng bán lẻ. Trước đó, hồi tháng 3, do giá thép tăng nên nhiều đại lý đã ôm hàng nhằm kiếm lời”. Qua cơn “bão giá”, lượng thép tiêu thụ sụt giảm mạnh.

Trong tháng 5-2010, lượng thép tiêu thụ ước đạt khoảng 260.000 tấn, thấp hơn gần 39.000 tấn so với tháng 4 và chưa bằng một nửa so với kỷ lục tiêu thụ thép chưa từng có trong tháng 3 năm nay (568.000 tấn). Lượng thép xuất xưởng giảm theo hướng thẳng đứng khi lượng thép tiêu thụ tháng 4 chỉ bằng 52% lượng thép tiêu thụ tháng 3 và lại giảm dần trong tháng 5.

Giá thép bắt đầu chững lại từ cuối tháng 4 và giảm 2 lần trong tháng 5, với tổng mức giảm lên tới 600.000 đồng - 1 triệu đồng/tấn (chưa kể thuế VAT và mức chiết khấu cho đại lý).

“Giá thép khó có thể giảm thêm nữa bởi với mức giá xuất kho hiện tại từ nhà máy ở mức 13-13,8 triệu đồng/tấn như hiện nay, một số doanh nghiệp đã bị lỗ. Một số doanh nghiệp phải giảm sản lượng” - Ông Nghi nhận định. Kèm theo đó là việc nhiều chủ đại lý phân phối, bán lẻ thép “canh cánh” lo âu, làm sao để xả lượng hàng đã “găm” từ tháng 3 nhằm giảm tổn thất.

(ANTĐ)

ĐỌC THÊM