Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Ngành thép "tiền hậu bất nhất"

- Tại hai cuộc hội thảo gần đây, Hiệp hội Thép Việt Nam và Hiệp hội Doanh nghiệp (DN) Trẻ Hà Nội đều một mực "kêu cứu" cho các DN ngành thép và xin Chính phủ nâng thuế nhập khẩu thép từ 8% lên 25%. Kiến nghị này trái ngược hoàn toàn với đề xuất Chính phủ áp dụng cơ chế thị trường do ngành thép đưa ra trước đó vài tháng...
 
Những tháng cuối năm 2007 và đầu năm 2008, thị trường thép thế giới sôi động, còn trong nước, lượng thép tiêu thụ cũng liên tục gia tăng, đạt gần 10 triệu tấn thép vào thời điểm chốt năm 2007. Giá thép tăng vọt từ 9.000 đồng/kg những tháng đầu năm lên tới hơn 20.000 đồng/kg vào tháng 7/2008. Do nhận định xu hướng giá thép sẽ tiếp tục tăng nên nhiều DN đua nhau đi nhập phôi về để đầu cơ kiếm lợi. Chỉ trong 6 tháng đầu 2008, các DN đã nhập khẩu 105.000 tấn phôi thép, trong đó có 26.000 tấn chưa về đến nơi đã được tái xuất. DN nhập phôi thép ăn chênh lệch từ 200 - 300 USD/tấn nhờ giá thép liên tục tăng cao. Lúc mua về phôi thép chỉ có giá 830 USD/tấn nhưng sau 3 tháng bán ra giá đã lên 1.140 - 1.180 USD/tấn. Lợi nhuận lớn như vậy nên DN nào cũng đổ xô đi mua thép, nhập phôi thép.
DN thép được "hời" nhưng người tiêu dùng thì… méo mặt vì giá thép ngất ngưởng. Song thời điểm đó, các DN vẫn "cảm thấy" giá thép trong nước chưa hoạt động theo đúng nhịp tăng trưởng của thị trường thế giới, họ kêu Chính phủ áp dụng cơ chế thị trường cho ngành thép để được tự do tăng giá (!).
Nhưng cũng chỉ sau đó vài tháng, tháng 10/2008, liên tiếp tại hai cuộc hội thảo, Hiệp hội Thép VN và Hội DN Trẻ Hà Nội công bố lượng thép "đắp chiếu" nằm kho của các DN trong nước đã lên tới 400 nghìn tấn thép thành phẩm và 500 nghìn tấn phôi (số liệu của Hiệp hội Thép VN) và 3 triệu tấn các loại (số liệu của Hội DN Trẻ Hà Nội). Ông Nguyễn Thái Hà, Phó giám đốc kinh doanh Công ty Thép Vạn Lợi phản ánh, sức tiêu thụ của công ty đã giảm tới 70% từ 20.000 tấn xuống còn khoảng 5.000 - 7.000 tấn. DN này đã liên tục điều chỉnh kế hoạch sản xuất kinh doanh mỗi tuần để cân đối thu chi. Tương tự với Công ty Thép Thành Đô, sản lượng thép tiêu thụ đã sụt giảm nghiêm trọng chỉ bằng 10% so với cùng kỳ năm 2007. Ngoài các nguyên nhân do tác động của kinh tế lạm phát và chính sách thắt chặt tiền tệ, cắt giảm đầu tư xây dựng của Chính phủ khiến lượng thép tiêu thụ trong nước giảm rõ rệt thì tình hình bi đát hiện nay còn có nguyên nhân từ các DN thép đã thiếu tầm nhìn, thiếu kế hoạch, không dự đoán được nhu cầu của thị trường.
Bó tay với khó khăn trước mắt, các DN quay ra cầu cứu Chính phủ bảo hộ cho ngành thép bằng cách tăng thuế nhập khẩu thép từ 8% lên 25%, hạn chế thép Trung Quốc giá rẻ nhập khẩu ồ ạt vào VN làm các nhà sản xuất nội địa điêu đứng. Thậm chí, một số "anh cả" của ngành thép còn liên kết tìm kế giữ không cho giá thép giảm (thống nhất mức bán giá thép 13,5 -13,7 triệu VND/tấn (chưa tính VAT), bất chấp giá phôi thép đã hạ từ 50 - 75% so với 3 tháng trước. Hiệp hội Thép VN tính toán, với giá bán hiện nay các DN lỗ ít nhất 4-4,5 triệu VND/tấn và riêng Tổng công ty Thép lỗ mỗi tháng 60-70 tỷ VND. Song theo phân tích của nhiều chuyên gia, DN chỉ đang "nói quá" lên vì căn cứ giá phôi thép thế giới giao dịch ở mức 350-400 USD/tấn thì giá thành 1 tấn thép thành phẩm (bao gồm VAT) chỉ ở mức 8,7 triệu, tức là thấp hơn mức "ghìm" giá các DN khoảng 5 triệu đồng.
Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng, hành động các DN ngồi lại với nhau bàn giữ giá là đã vi phạm luật cạnh tranh. Khi thị trường sôi động, DN đòi "cơi nới" thị trường để tăng giá, nay gặp biến động xấu, DN lại xin bảo hộ và tìm cách đẩy khó khăn về phía người tiêu dùng. Cách lập luận, biện giải của DN ngành thép "tiền hậu bất nhất" như vậy khiến người tiêu dùng khó có thể cảm thông cho họ!

Mới đây, Bộ Tài chính tuyên bố xoá thuế suất thuế xuất khẩu phôi thép còn 0% để mở "cửa thoát hiểm" cho các DN thép trong nước, song với đòi hỏi tăng thuế nhập khẩu thép từ 8% lên 25% thì Chính phủ khó lòng đáp ứng mà người dân cũng khó đồng tình.
(KTĐT)

ĐỌC THÊM