80% dự án triển khai chậm
Theo đánh giá của Vụ Công nghiệp nặng (Bộ Công Thương), tiến độ triển khai các dự án thép chậm so với kế hoạch đề ra. Dự án liên doanh cán nóng ESSAR - Tổng Công ty thép Việt Nam (Vietnam Steel) chậm 2 năm, hiện vẫn chưa xác định thời điểm khởi công xây dựng; Liên hợp gang thép Lào Cai mới triển khai phần khai thác mỏ, phần đầu tư nhà máy chậm 1 năm so với cam kết ghi trong giấy phép đầu tư, Dự án Liên hợp thép Quảng Ngãi do Tập đoàn E-United Đài Loan làm chủ đầu tư chậm 2 năm; Nhà máy gang thép Yên Bái, Nhà máy thép tấm cán nóng Vinashin… đều triển khai và thực hiện chậm trên 1 năm so với kế hoạch.
Ông Nguyễn Mạnh Quân - Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng (Bộ Công Thương) cho biết: “Khó khăn chủ yếu của việc chậm tiến độ là thời gian lập, phê duyệt dự án và đấu thầu kéo dài; vấn đề giải phóng mặt bằng, thu xếp vốn khó khăn, tình hình biến động giá cả vật liệu và suy thoái kinh tế toàn cầu cũng ảnh hưởng lớn đến tiến độ thực hiện các dự án”.
Việt Nam được đánh giá là địa điểm tốt để xây dựng các cơ sở sản xuất thép lớn cung cấp cho cả khu vực Đông Nam Á. Vì vậy, các nhà đầu tư trong và ngoài nước đã tích cực đầu tư vào ngành thép trong thời gian qua. Thực tế này đã dẫn đến tình trạng “bội thực” các dự án thép. “Nhiều địa phương đã kêu gọi và cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 32 dự án không có trong danh mục qui hoạch. Số lượng dự án ngoài danh mục qui hoạch lớn hơn cả số lượng dự án trong qui hoạch (23 dự án)” – ông Nguyễn Mạnh Quân cho biết.
Ông Nguyễn Tiến Nghi – Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam nhận xét: các doanh nghiệp FDI tham gia vào ngành thép đã giúp cho việc cung ứng sản phẩm thép trong nước dồi dào hơn; tạo thêm việc làm cho người lao động; Nhà nước thu thêm được thuế, góp phần tăng trưởng GDP… Tuy nhiên, hầu hết các dự án FDI lại đầu tư vào hạ nguồn; dự án đưa vào sản xuất nhỏ bé, manh mún; công nghệ thiết bị chưa hiện đại; mất cân đối giữa hạ nguồn và thượng nguồn, góp phần tăng nhập siêu”.
Ông Phạm Chí Cường - Chủ tịch Hiệp hội thép Việt Nam kiến nghị xem xét dừng những dự án thép không hiệu quả, không đúng tiến độ, chiếm nhiều diện tích đất đai.
Khủng hoảng thừa
Theo ông Nguyễn Tiến Nghi: “Nếu một số nhà máy liên hợp thép được thực hiện thì trong tương lai, khoảng 7 đến 10 năm nữa, ngành thép Việt Nam sẽ có tổng công suất vài chục triệu tấn/năm”.
Tính đến năm 2008, ngành thép đã đáp ứng khoảng 56% nhu cầu về phôi thép vuông, 40% thép cán nguội; 100% thép cán xây dựng, góp phần đảm bảo bình ổn nhu cầu sản xuất và tiêu thụ.
Ông Nguyễn Mạnh Quân cũng thừa nhận, ngành thép phát triển nhanh nhưng thiếu bền vững, chậm khắc phục căn bản tình trạng mất cân đối giữa sản xuất thượng nguồn với hạ nguồn. Hiện tại, tổng công suất cán thép xây dựng vẫn vượt gần 2 lần công suất luyện, 80% sản lượng phôi thép hiện nay được sản xuất từ thép phế liệu. Ngành thép vẫn phụ thuộc nhiều vào nguồn nguyên liệu, bán thành phẩm nhập khẩu (gần 80% thép tấm lá các loại, gần 50% nhu cầu phôi thép, trên 60% lượng thép phế cho lò điện) do vậy sản xuất thường bị động và chịu nhiều thiệt hại khi giá cả thị trường thế giới biến động.
Tổng công suất theo thiết kế của các dự án đã vượt xa nhu cầu dự kiến trong qui hoạch (năm 2015 dự báo nhu cầu 15 triệu tấn; 2020 khoảng 20 triệu tấn), việc cạnh tranh thị trường thép nội địa và xuất khẩu sẽ rất gay gắt. Dư thừa công suất sản phẩm dài dẫn đến việc sử dụng công suất cán thép đạt khoảng 60-70%.
Khắc phục tình trạng nhân lực và công nghệ yếu kém
Theo TS Nguyễn Văn Sưa – qua khảo sát thực trạng kỹ thuật tại các nhà máy gang, thép ở Việt Nam cho thấy, các chỉ tiêu kinh tế, kỹ thuật (tỷ lệ tiêu hao quặng sắt, tiêu hao năng lượng, năng suất, thiết bị… ) của các nhà máy còn ở mức độ lạc hậu so với thế giới; Qui mô các lò còn rất nhỏ bé; Thời gian luyện một mẻ còn dài. Thực trạng này dẫn tới phác thải ra môi trường quá lớn (ở châu Âu – 1,7 tấn CO2/tấn thép; Việt Nam – 2,9 tấn CO2/tấn thép).
TS Nguyễn Văn Sưa – nguyên Viện trưởng Viện luyện kim đen cho biết: Hiện tại, ngành thép nước ta có khả năng sản xuất khoảng 260.000 tấn gang, 2.400.000 tấn phôi thép và 6.500.000 tấn thép cán một năm. Đến năm 2010, nước ta có thể sản xuất 3 triệu tấn gang, 4,5 triệu tấn phôi thép và 8 triệu tấn thép cán/năm.
Trước thực trạng các nhà máy sản xuất thép “mọc lên như nấm” và tự do sử dụng công nghệ, để bảo đảm ngành thép phát triển bền vững, Hiệp hội thép Việt Nam đồng ý với đề nghị của Bộ Công Thương cần ban hành sớm tiêu chuẩn kỹ thuật và công nghệ cho các dự án luyện kim đầu tư mới ở Việt Nam. Việc thẩm định và cấp giấy phép cho các nhà máy liên hợp luyện kim không thể phó mặc địa phương, mà phải tuân thủ quy chế chặt chẽ, có sự tham vấn của chuyên gia để bảo đảm chọn đúng đối tác có tiềm năng tài chính, công nghệ và quản lý để có đủ kinh nghiệm triển khai các dự án luyện kim lớn.
Về nguồn nhân lực cho ngành thép, theo số liệu điều tra sơ bộ, hiện tại có khoảng 30.000 lao động đang làm việc trong ngành công nghiệp thép. Cơ cấu lao động của ngành còn nhiều bất cập. Lao động phổ thông chiếm khoảng 10-15%, công nhân kỹ thuật chiếm khoảng 50-60%. Đặc biệt, trong khoảng 30-35% cán bộ kỹ thuật có trình độ trung cấp, cao đẳng trở lên, số người được đào tạo về công nghệ sản xuất thép chiếm tỷ lệ quá nhỏ, khoảng 4-5%.
GS.TSKH Bùi Văn Mưu (Đại học Bách khoa Hà Nội) khẳng định: chất lượng nguồn nhân lực, năng lực đào tạo nhân lực, cơ sở vật chất kỹ thuật, điều kiện nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ trong ngành gang thép còn rất yếu kém. Đào tạo nhân lực cho ngành gang thép là ngành khoa học công nghệ, phải có giờ thực hành tương đương với giờ lý thuyết”.
Để gỡ cuộn chỉ rối, tránh “cái chết được báo trước” của ngành thép cần một qui hoạch tổng thể khoa học và đặc biệt, theo các chuyên gia thì phải thật sự “mạnh tay” với các dự án ngoài qui hoạch phát triển của ngành./.