Mặc dù sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm thép trong tháng 10/2017 giảm 5-7% so với tháng 9/2017 nhưng vẫn là tháng được đánh giá tăng trưởng khá so với cùng kỳ năm 2016.
Theo thông tin từ Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), sản lượng thép xây dựng sản xuất ra trong tháng 10/2017 đạt 758.412 tấn, tăng 13,8% so với cùng kỳ 2016, nhưng giảm 9,35% so với tháng 9/2017. Trong đó, tiêu thụ đạt 559.847 tấn, giảm so với cùng kỳ và tháng trước lần lượt là 14% và 24%. Chính vì tiêu thụ gặp khó nên lượng tồn kho tính tới thời điểm 31/10/2017 là 783.495 tấn, tăng 35% so với thời điểm cuối tháng 9/2017, tuy nhiên, con số tồn đó không đáng lo bởi các doanh nghiệp đã bám sát thị trường và có những dự báo để sản xuất.
Hai nguyên nhân chính dẫn đến tháng 10 sản phẩm thép xây dựng trong nước tiêu thụ giảm, bởi, bắt đầu từ cuối tháng 9 các nhà phân phối gần như ít nhập hàng và chủ yếu đẩy mạnh tiêu thụ nốt hàng tồn kho trước đây; cùng với đó là do ảnh hưởng của thời tiết mưa nhiều. Để giữ vững thị phần, đồng thời đẩy mạnh tiêu thụ, các doanh nghiệp sản xuất thép đã phải đồng loạt giảm giá bán. Theo ghi nhận, tại phía Bắc đã giảm 3 lần: ngày 11/10, 18/10 và 23/10 với mức giảm gộp 500-700 đồng/kg; phía Nam giảm từ 400-600 đồng/kg.
Thêm một tác động chính nữa khiến giá bán thép xây dựng trong nước giảm là đầu vào cho sản xuất thép như: giá thép phế đã giảm khoảng 5 USD/tấn, từ 320-330 USD/tấn xuống 320~325 USD/tấn trong tháng 10/2017. Giá phế nội địa giảm từ mức 7.200 đồng/kg - 7.350 đồng/kg còn 7.000 - 7.200 đồng/kg. Giá phôi thép cũng giảm 27 USD/tấn từ 529~530 USD/tấn xuống 500~505 USD/tấn trong tháng 10. Giá phôi nội địa cũng giảm từ 11.800 ~ 12.000 đồng/kg xuống 10.800 ~ 11.200 đồng/kg.
Đáng chú ý, trong tuần cuối tháng 10/2017 sản lượng bán hàng đã được cải thiện hơn so với 3 tuần trước đó do lượng hàng tồn kho từ các công trình hay từ nhà thương mại đã giảm nhiều. Sản lượng giao hàng có cải thiện song vẫn còn ở mức thấp dưới mức xuất hàng bình quân/ngày của nhà máy.
Riêng đối với sản phẩm ống thép trong tháng 10/2017 tính cả sản xuất và tiêu thụ của các doanh nghiệp là các thành viên VSA đều đạt tốt hơn so với thép xây dựng. Như, sản xuất ống thép đạt 172.875 tấn, tăng 1,04% so với tháng trước, và tăng 3,9% so với cùng kỳ 2016. Trong đó, tiêu thụ ống thép của các thành viên VSA đạt 176.031 tấn, tăng 6,33% so với tháng trước, và tăng 8,1% so với cùng kỳ năm trước; xuất khẩu ống thép hàn đạt 28.155 tấn, tăng 26,9% so với tháng 9/2017 và gấp hơn 2 lần so với cùng kỳ năm trước.
Đối với sản phẩm tôn mạ kim loại và sơn phủ màu các doanh nghiệp sản xuất đạt 387.110 tấn, giảm 0,55% so với tháng trước nhưng tăng 30% so với cùng kỳ năm 2016. Trong đó, tiêu thụ đạt 312.228 tấn, giảm 7,34% so với tháng trước, nhưng tăng 21,4% so với cùng kỳ 2016; xuất khẩu đạt 165.678 tấn, tăng 7,18% so với tháng 9/2017 và tăng 42,4% so với cùng kỳ năm trước.
Ngoài ra, đối với thép cuộn cán nguội, các doanh nghiệp sản xuất trong tháng 10/2017 đạt 304.076 tấn, giảm 9,2% so với cùng kỳ năm 2016; nhưng tiêu thụ lại đạt được 176.875 tấn, tăng 8% so với cùng kỳ 2016; xuất khẩu đạt 63.281 tấn, tăng 79,8% so với cùng kỳ năm trước.
Nhìn chung, sản xuất và bán hàng các sản phẩm thép 10 tháng năm 2017 đều tăng trưởng so với cùng kỳ 2016, sản xuất đạt 17.046.955 tấn, tăng 22,8% so với cùng kỳ năm 2016, trong đó tiêu thụ đạt 14.151.126 tấn, tăng 18,4% so với cùng kỳ năm trước.
Về tình hình nhập khẩu, tính đến hết tháng 9/2017, Việt Nam nhập khẩu thép thành phẩm hơn 15 triệu tấn, với tổng kim ngạch nhập khẩu đạt gần 8 tỷ USD, giảm 13% về lượng, nhưng tăng 16% về giá trị so với cùng kỳ năm 2016. Trong đó, sản phẩm thép của Trung Quốc vẫn chiếm nhiều nhất, với lượng nhập khẩu gần 5,6 triệu tấn, chiếm tới khoảng 50% tổng lượng thép thành phẩm nhập khẩu. Tiếp theo là các quốc gia như: Nhật Bản 1,68 triệu tấn, chiếm 14,7%; Hàn Quốc 10,25 triệu tấn, chiếm 11%; Đài Loan 1,2 triệu tấn, chiếm 10,46%; Ấn Độ 1,11 triệu tấn, chiếm 9,7%.
Ngược lại, đối với xuất khẩu, tính đến hết tháng 30/9/2017, xuất khẩu thép các loại trong 9 tháng 2017 đạt hơn 4 triệu tấn, với tổng kim ngạch xuất khẩu gần 2,7 tỷ USD, tăng 31,6% về lượng và 50% về giá trị so với cùng kỳ 2016. Thị trường ASEAN vẫn là thị trường xuất khẩu chính, với lượng xuất khẩu thép thành phẩm đạt hơn 1,92 triệu tấn thép, chiếm tới 58% tổng lượng thép thành phẩm xuất khẩu.
Bên cạnh những kết quả sản xuất kinh doanh, các sản phẩm thép trong tháng 10/2017 nói chung có sản phẩm tăng và có sản phẩm giảm nhưng không quá nhiều. Theo đánh giá của các doanh nghiệp thép, để có được con số tăng trưởng kể trên các doanh nghiệp đã phải nỗ lực rất nhiều, đặc biệt là mở rộng thị trường, dần hướng tới sản phẩm chất lượng cao hơn để làm hài lòng thị hiếu khách hàng. Tuy nhiên, chính vì chạy đua tăng trưởng sản lượng dẫn đến giá thành phải hết sức cạnh tranh, từ đó làm cho lợi nhuận của doanh nghiệp giảm.
Nguồn tin: Vinanet