Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Ngành thép: Tiêu thụ tăng nhờ xuất khẩu

6 tháng đầu năm 2014, tổng sản lượng tiêu thụ của ngành thép tăng khoảng 11% so với cùng kỳ năm 2013. Dù tăng trưởng mạnh về doanh số nhưng lợi nhuận của ngành thép lại không tăng do một loạt nhân tố tác động không tốt từ việc tăng giá cước vận tải, xăng dầu, điện...

Lượng tăng, chất giảm

Ông Nguyễn Văn Sưa- Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA)- cho biết: Tiêu thụ thép 6 tháng đầu năm tăng trưởng 11% chủ yếu nhờ vào xuất khẩu (XK) tôn, ống kẽm… Còn sản phẩm thép xây dựng chỉ tăng khoảng 6%. Tính trong 5 tháng đầu năm 2014, XK của cả ngành thép đạt 1.544 ngàn tấn; kim ngạch XK đạt 1.260 triệu USD (trên 50% kế hoạch năm 2014), Con số này thể hiện thị trường XK lạc quan hơn năm 2013. Vì cả năm 2013 XK của ngành thép chỉ đạt 2.800 ngàn tấn; kim ngạch đạt khoảng 2.400 triệu USD.

Tuy nhiên, trong tháng 6 năm 2014, lượng thép xây dựng sản xuất đạt khoảng 405 ngàn tấn, giảm 53.046 tấn so với tháng trước. Trong đó tiêu thụ tháng 6 ước đạt 352 ngàn tấn, giảm 66.604 tấn, giảm 15,9% so với tháng trước và tăng 0,3% so với cùng kỳ năm 2013. Hiện lượng thép tồn kho tới 375.800 tấn, tăng 68.823 tấn (khoảng 20,4%) so với tháng 5. Theo VSA, con số tồn này hoàn toàn bình thường và đủ gối đầu cho các tháng tiếp theo.

Khó khăn lớn nhất hiện nay ngành thép hiện nay là "đầu ra" do nền kinh tế tăng trưởng chậm, trong đó có phần ảnh hưởng không nhỏ từ việc áp dụng Quy chuẩn VN 07 và Thông tư Liên tịch số 44/2013/TTLT-BCT-BKHCN quy định về quản lý chất lượng thép sản xuất trong nước và thép nhập khẩu. Mặc dù việc thực hiện chất lượng thép theo QCVN 07 và những quy định trong Thông tư 44 chính là hành lang pháp lý tốt để quản lý chất lượng các sản phẩm thép và tạo ra môi trường kinh doanh minh bạch nhưng trên thực tế việc triển khai còn vướng mắc đã tác động không nhỏ đến sản xuất và tiêu thụ thép.

Theo dự báo của VSA, 6 tháng cuối năm 2014 tăng trưởng của ngành thép sẽ không cao, chỉ tương đương 6 tháng đầu năm, do 6 tháng còn lại có 3 tháng rơi vào mùa mưa. Dự kiến, tăng trưởng cả ngành thép trong năm 2014 khoảng 10-12%.

Ông Sưa cho rằng, để ngành thép phát triển đồng bộ, ổn định và có hiệu quả thì ngay trong quy hoạch ngành thép cần cân nhắc kỹ về nguyên liệu đầu vào cho sản xuất và nhu cầu tiêu thụ của thị trường. Tránh tình trạng đầu tư theo cảm tính sẽ dẫn tới không có nguyên liệu cho sản xuất dễ dẫn tới phá sản DN. 

DN thép chịu nhiều sức ép

Hiện công suất sản xuất thép của Việt Nam khá cao, nhưng các nhà máy vẫn chưa chủ động được nguyên liệu. Việt Nam vẫn là nước nhập khẩu nhiều thép vụn, thép cuộn cán nóng- đây là nguyên liệu chính làm đầu vào cho sản xuất thép dẹt- nên khiến giá thành thép thành phẩm tăng cao, khó cạnh tranh với hàng nhập khẩu.

Mặt khác, sức ép từ thép hợp kim nhập khẩu rất lớn, vì nhu cầu thực tế tại Việt Nam không nhiều, mỗi năm tiêu dùng khoảng 500 đến 600 ngàn tấn. Nhưng số liệu từ Hải Quan Việt Nam- cho thấy, 6 tháng đầu năm 2014 số lượng thép hợp kim nhập khẩu tới gần 2 triệu tấn. Đây là con số hết sức vô lý mà "thực chất chủ yếu gian lận thương mại nhập thép xây dựng đội lốt thép hợp kim". Tình trạng này đã diễn ra trong nhiều năm, nếu không ngăn chặn sẽ ảnh hưởng đến sản xuất thép trong nước, đồng thời Nhà nước thất thu lớn vì thép gian lận thương mại- ông Sưa bày tỏ.

Năng lực ngành thép vượt xa nhu cầu

Hiện năng lực thiết kế về luyện gang khoảng 3 triệu tấn/năm nhưng sản xuất năm 2014 chỉ khoảng 1 triệu tấn (đạt khoảng 30% công suất) do một số lò cao đã được xây dựng nhưng thiếu nguyên liệu cho sản xuất. Điển hình là Tập đoàn Vạn Lợi có tới 4 lò cao với công suất 1 triệu tấn/năm đang đắp chiếu từ mấy năm nay. Tuy nhiên, phải kể đến các lò cao hoạt động hiệu quả là Tập đoàn Hòa Phát, gang thép Thái Nguyên và mới đây là thép Việt Trung (Lào Cai) đã đưa vào sản xuất, hoạt động tới 100% công suất.

Đối với luyện thép, hiện năng lực của các DN có khả năng sản xuất lên tới khoảng trên 8,5 triệu tấn, nhưng trong năm 2013 công suất chạy chỉ đạt 5,5 triệu tấn (khoảng 60% cong suất thiết kế), nguyên nhân do nhu cầu thị trường không nhiều, nên các DN chỉ sản xuất đạt khoảng 60% công suất.

Về cán thép, năng lực của các DN đạt 11 triệu tấn, nhưng chỉ sản xuất được khoảng 5,5 triệu tấn (đạt khoảng 50% công suất) bởi nhu cầu thị trường không cao.

Tình trạng chung của ngành thép cho thấy, nhiều nhà máy thép "chạy" không đạt công suất thiết kế, dẫn tới chi phí và giá thành cho mỗi tấn thép khá cao. Nguyên nhân này xuất phát từ việc đầu tư tự phát, không theo quy hoạch. Giá thành cao nhưng để giữ thị phần nên nhiều DN thép không dám tăng giá bán, dẫn tới lợi nhuận thấp. Thực tế, hiện số DN tăng trưởng cao chỉ đếm trên đầu ngón tay, như thép Hòa Phát, tôn Hoa Sen hay Vina Kyoie.

Nguồn tin: Công thương

ĐỌC THÊM