- Không phải đến bây giờ, khi sức tiêu thụ thép xây dựng trên thị trường liên tục tăng, các doanh nghiệp (DN) thép mới chao đảo. Đầu năm 2008, các DN thép trong nước đã hết sức khốn đốn vì tồn đọng sản phẩm, đến nay khi lượng thép bán ra tăng mạnh, họ lại phải đối mặt với một thực tế khó khăn không kém khi thép ngoại giá rẻ tràn vào. Câu hỏi đặt ra, liệu ngành thép trong nước có đủ năng lực để giữ thị trường?
So với tháng 4 và 5, mặc dù sức tiêu thụ thép tháng 6 giảm, nhưng giá bán lại tăng thêm 800 nghìn đến 1 triệu đồng/tấn. Hiện giá bán thép xây dựng tại nhà máy ở mức: thép cuộn phi 6, phi 8 từ 10,6 triệu đến 10,8 triệu đồng/tấn; thép cây từ 10,9 triệu đến 11,3 triệu đồng/tấn (chưa có VAT)...
Mặc dù trên thị trường không xảy ra hiện tượng "cháy hàng", nhưng nhiều đại lý, cửa hàng bán lẻ thép đã tăng thêm 2-3 triệu đồng/tấn, lên mức 14-15 triệu đồng/tấn (tùy loại và tùy đại lý). Theo các DN sản xuất và đại lý, nguyên nhân tăng giá thép là do chưa bù đắp được chi phí sản xuất, giá xăng tăng làm tăng chi phí vận chuyển. Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho biết, các đại lý kêu thiếu hàng để tăng giá trong khi sức mua giảm là hiện tượng bất thường, thị trường này đang có biểu hiện găm hàng để tăng giá. Theo các chuyên gia kinh tế, tình trạng này kéo dài sẽ khiến DN trong nước mất thị phần. Vì, với mức giá bán thép hiện nay tại các nhà máy, thép cuộn nhập khẩu từ các nước Đông Nam Á đang rẻ hơn thép cuộn cùng loại trong nước 500.000 đến 700.000 đồng/tấn. Do vậy, một số DN thương mại đã nhập khẩu thép ngoại về bán với giá rẻ và như vậy là đã tự gây sức ép cho mình trên thị trường.
Do giá thép trong nước tăng cao, từ đầu tháng 6 nhiều DN Trung Quốc đang tiếp cận với một số đối tác trong nước chào bán khoảng 30 chủng loại thép, trong đó khoảng 1/3 là thép xây dựng với giá trung bình 3.680 NDT/tấn. Điều đáng nói là các loại thép gia công sản xuất công nghiệp của Trung Quốc đã giảm giá 7-10% so với đầu quý I-2009 và quốc gia này đang tìm cách giảm thuế, giảm giá để đẩy mạnh xuất khẩu. Do vậy, việc các DN trong nước tăng giá bán sản phẩm sẽ rất khó cạnh tranh với thép Trung Quốc. Đáng nói hơn, giá phôi thép thế giới mới nhích lên, nhu cầu thép trong nước vừa tăng, một số DN đã điều chỉnh tăng giá bán liên tục, gây bất ổn cho thị trường.
Từ cuối năm 2008, để "cứu" ngành thép trong khủng hoảng và tránh "cơn bão" thép giá rẻ sẽ từ một số nước tìm cách bán tháo đang đe dọa đổ vào nước ta. VSA đã đưa ra giải pháp: nâng thuế nhập khẩu thép xây dựng từ 7% lên 20%; thép cuộn cán nguội từ 7% lên 9%; ống thép từ 10% lên 20%; thép cuộn cán nóng chiều dày từ 3-12mm từ 0% lên 10%; phôi thép từ 2% lên 5%. Tuy nhiên, nếu thực hiện giải pháp này sẽ vấp phải những xung đột quyền lợi ngay trong các DN thép. Trong khi các DN cán thép đề nghị nâng thuế nhập khẩu thép lên mức tối đa theo cam kết WTO và khu vực ASEAN thì một số ý kiến lại cho rằng, giải pháp nâng thuế nhập khẩu được xem xét thận trọng mối tương quan bảo đảm lợi ích giữa DN sản xuất phôi thép và DN cán thép; giữa DN thép và các DN xây dựng, cơ khí, cũng như giữa DN sản xuất, kinh doanh với quyền lợi của người tiêu dùng.
Không thể bao biện
Tác động từ các gói kích cầu của Chính phủ với hàng loạt dự án xây dựng cơ sở hạ tầng, đầu tư bất động sản, xây dựng nhà cho đối tượng có thu nhập thấp... đã làm cho nhu cầu thép tăng góp phần kích thích sản xuất, phục hồi hoạt động của ngành thép trong nước. Nhưng, với việc đẩy giá sản phẩm lên cao của các DN sản xuất thép tạo cơ hội cho thép ngoại chiếm lĩnh thị phần, thì đây là điều ngành thép và các cơ quan chức năng không thể xem nhẹ. Bởi, đã thành tiền lệ, cứ mỗi khi giá phôi thép biến động, các DN thép lập tức lại đưa ra những lý do để bao biện cho việc tăng giá thành phẩm, dù trong kho còn nhiều phôi thép dự trữ. Nếu những năm trước đây, ngành thép nước ta phải phụ thuộc tới 60-70% phôi thép nhập khẩu thì cách ứng xử như thế còn có thể được chấp nhận. Song, từ năm 2008 đến nay, trong nước đã có nhiều lò luyện thép hoạt động, nên đã bớt được sự phụ thuộc vào sự biến động của phôi thép nhập khẩu. Nhưng, giá phôi thép chào bán trên thế giới mới tăng mà các DN thép đã vội đẩy giá bán sản phẩm lên, tạo cơ hội cho thép nhập khẩu "len chân" được vào thị trường, sẽ gây thất thoát nguồn kinh phí từ gói kích cầu của Chính phủ là không thể chấp nhận.