Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Ngành thép và nghịch lý thừa - thiếu

Mặc dù công suất của các nhà máy cán thép xây dựng hiện vượt hai lần nhu cầu tiêu thụ nội địa, nhưng mỗi năm ngành thép vẫn phải bỏ hàng tỷ USD để nhập 100% các sản phẩm thép chế tạo, thép không gỉ... Nghịch lý “thừa mà thiếu” đang khiến ngành thép mất cân đối.

Theo thống kê của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), năm 2009, tiêu thụ thép trong nước đạt 11,7 triệu tấn (tăng 30% so với năm 2008). Tuy nhiên, theo ông Phạm Chí Cường, Chủ tịch VSA, đáng quan ngại là trong 11,7 triệu tấn nói trên chỉ có phân nửa được sản xuất trong nước.

Hàng tỷ USD nhập thép

Theo kế hoạch năm 2010, ngành thép có thêm một số nhà máy mới đi vào vận hành: dự án khu liên hợp tại Lào Cai do Tổng công ty Thép Việt Nam làm chủ đầu tư, dự án Gang Thép Thái Nguyên giai đoạn hai (công suất 0,5 triệu tấn một năm)… Tuy nhiên, hầu hết dự án trên chủ yếu sản xuất thép xây dựng, trong khi công suất các loại thép này hiện đã vượt gấp đôi nhu cầu.



Mỗi năm, ngành thép phải bỏ hàng tỉ USD để nhập thép. Ảnh: Đức Long

Chẳng hạn, năm 2009, công suất thép cán nóng xây dựng đạt 6,5 - 7 triệu tấn, nhưng chỉ tiêu thụ hết 4,1 triệu tấn; thép cuộn cán nguội công suất 2 - 2,5 triệu tấn, tiêu thụ 1,2 triệu tấn.

Lượng thép dư thừa khó xuất khẩu do cạnh tranh quyết liệt và phải đối mặt với nguy cơ bị kiện chống bán phá giá (như trường hợp của ống thép Việt Đức xuất sang châu Âu). Hệ quả, rất nhiều nhà máy thép xây dựng hiện chỉ chạy nửa công suất, nên khó giảm giá thành. Trong khi, rất nhiều loại thép lâu nay vẫn phải nhập khẩu hoàn toàn do trong nước chưa thể sản xuất, như: thép chế tạo cơ khí, thép không gỉ, thép tiêu chuẩn, thép làm bulông, ốc vít…

Thống kê của VSA, mỗi năm, Việt Nam phải nhập hơn năm triệu tấn thép các loại một năm. “Nếu tính giá nhập trung bình 700USD một tấn, năm qua, chúng ta phải bỏ ra hơn 6 tỷ USD để nhập thép”, ông Cường tính toán. Tình trạng này dự kiến sẽ còn kéo dài ít nhất đến năm 2012, vì theo các doanh nghiệp trong ngành, trong hai năm tới chưa có nhà máy sản xuất được các loại thép thay thế sản phẩm nhập ngoại. Sớm nhất như dự án thép Formusa của Đài Loan dự kiến đầu 2012 sẽ đưa vào sản xuất giai đoạn một (công suất 7,5 triệu tấn) nhưng gần đây do giá xăng tăng, bàn giao mặt bằng chậm trễ đã bị lùi tiến độ thi công 7 – 8 tháng.

Liên kết quá yếu

Điều băn khoăn là tại sao các doanh nghiệp không tập trung sản xuất các sản phẩm trong nước còn thiếu. Theo ông Lê Mạnh Hoàn, Phó tổng giám đốc Thép Đình Vũ: “Thực tế, không phải doanh nghiệp không nhìn thấy nhu cầu, nhưng đầu tư sản xuất các loại thép này đòi hỏi công nghệ cao, vốn lớn”. Chẳng hạn, đầu tư một nhà máy cán thép xây dựng cỡ vừa mất gần 100 triệu USD mới có lò luyện thép. Nhưng để có một nhà máy sản xuất thép không gỉ, thép chất lượng cho chế tạo cơ khí không dưới 1 tỷ USD.

“Việc huy động vốn vượt khỏi khả năng của một chủ đầu tư nên buộc doanh nghiệp phải tính chuyện liên kết. Nhưng việc mối liên kết giữa doanh nghiệp rất yếu, khiến doanh nghiệp chỉ chọn xây dựng nhà máy quy mô vừa túi tiền, thay vì hợp sức đầu tư dự án cho “ra tấm ra món”, dùng công nghệ tiên tiến để hạ giá thành, tăng tính cạnh tranh”, ông Phạm Chí Cường nói. Còn để tìm đối tác nước ngoài để liên kết, theo ông chủ tịch VSA, đã có nhiều doanh nghiệp mất mấy năm bàn thảo với đối tác, tham quan, khảo sát nhưng không có kết quả, do không thống nhất được quyền lợi.

Nếu tình hình trên không được cải thiện, theo ông Võ Trí Thành, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế trung ương: “Việc sản xuất các sản phẩm thép trong nước còn thiếu nên sẽ phải phó mặc cho doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài. Nhưng với doanh nghiệp này, nếu không quản lý chặt, rất khó kiểm soát công nghệ, ảnh hưởng tới môi trường như bài học đã “thấm” với Vedan”. Chưa kể, việc phụ thuộc hoàn toàn vào nhập khẩu khiến các doanh nghiệp trong nước luôn phải thụ động trước những biến động giá cả thế giới”.

(Đất Việt)

ĐỌC THÊM