Thời gian gần đây dư luận đang tỏ ra quan ngại cho ngành thép trong nước khi những hiệp định thương mại tự do đi vào thực thi. Để hiểu thêm về vấn đề này, phóng viên Báo Công Thương đã có cuộc trao đổi với ông Đỗ Duy Thái- Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Thép Việt.
Dư luận đang quan ngại cho ngành thép trong nước bởi khi thực thi các hiệp định thương mại tự do, thuế sẽ giảm mạnh, thậm chí có mặt hàng thuế chỉ còn 0%. Ông có ý kiến gì về vấn đề này?
Đúng là đối với thép Trung Quốc chúng ta khó có thể cạnh tranh về giá, bởi Trung Quốc có lợi thế về đồng nhân dân tệ được định giá thấp hơn giá trị thật tới 28%, nên không chỉ mặt hàng thép mà bất cứ mặt hàng nào của Trung Quốc cũng có giá rất thấp. Khó có nước nào cạnh tranh được về giá với hàng hóa Trung Quốc.
Ông Đỗ Duy Thái- Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Thép Việt. |
Còn đối với thép của Nga thì khả năng cạnh tranh hiện tại Việt Nam cũng như một số nước không thể cạnh tranh được. Bởi vì Nga có lợi thế về mỏ quặng sắt lộ thiên, chủ động được nguyên liệu đầu vào nên giá thành sản xuất thép của Nga thấp- đây chính là lợi thế để đem lại sự thành công cho họ. Tuy nhiên, thực hiện các hiệp định thương mại tự do cũng là điều kiện để các doanh nghiệp (DN) sản xuất thép trong nước buộc phải nâng cao năng lực, công nghệ, chất lượng... Trong khi đó, có một thực tế là, trong những năm gần đây ngành thép đang rất khó khăn do sức ép thị trường, cùng với bất động sản đóng băng.
* Ông có thể dẫn chứng cụ thể về những khó khăn mà ngành thép trong nước đang gặp phải?
Theo tính toán tổng hợp, riêng trong năm 2013 có trên 500 ngàn tấn thép cuộn xây dựng của Trung Quốc trá hình dưới dạng thép hợp kim có chứa Bo nhập khẩu về Việt Nam, nhằm hưởng thuế suất 0%, đã bán với giá rất rẻ, khiến DN sản xuất thép trong nước gặp rất nhiều khó khăn. Trong khi, công suất thiết kế thép xây dựng trong nước đã lên tới gần 12 triệu tấn, nhưng tiêu thụ chỉ đạt khoảng 5 triệu tấn- con số đó cho thấy, công suất thép xây dựng đang dư thừa tới trên 50%, cũng có nghĩa là giá thành thép phải chịu thêm chi phí. Một cái khó nữa cho ngành thép, khi các hiệp định thương mại tự do được ký kết và thực thi theo lộ trình, khi thuế suất giảm mạnh thì năng lực của DN Việt Nam lại khó cạnh tranh gấp bội lần. Vì thế, một số công ty đang có ý định tiếp tục đầu tư sẽ không dám đầu tư nữa.
* Theo ông, để bảo vệ được ngành thép trong nước duy trì ổn định thì cần có những biện pháp gì?
Vừa qua, Bộ Công Thương có ý kiến phản hồi và khẳng định ngành thép sẽ không “chết” như nhiều ý kiến quan ngại. Đồng thời, Bộ Công Thương cũng khẳng định, có lộ trình cắt giảm thuế nhất định đối với một số mặt hàng thuộc nhóm các mặt hàng nhạy cảm chứ không phải lập tức đưa ngay về mức thuế suất 0% khi Hiệp định có hiệu lực, đây cũng là mong mỏi của mọi DN sản xuất thép.
Tuy nhiên, theo tôi, vai trò của Bộ Công Thương là hết sức cần thiết, là “bà đỡ” cho các DN sản xuất thép trong nước bằng việc nghiên cứu, đưa ra các chính sách, các quy chuẩn kỹ thuật, quy định trong thương mại để làm quản lý thị trường thép hợp lý và chặt chẽ hơn, bảo vệ sản xuất trong nước... Một điển hình cho thấy, vừa qua Bộ Công Thương đã triển khai thành công bước đầu về xây dựng "rào cản" kỹ thuật cho thép không gỉ.
Để phát huy khả năng và bảo vệ ngành thép trong nước theo hướng bền vững, theo tôi, Bộ Công Thương nên nghiên cứu, đúc rút kinh nghiệm từ các nước Đông Nam Á. Bởi họ đã thành công trong việc bảo vệ các DN sản xuất trong nước bằng các rào cản kỹ thuật, rào cản thương mại… đó là ưu tiên số “một” của họ và đã đem đến thành công. Chính vì thế, thép của một số nước có công nghiệp thép mạnh khi đi tới các nước trên thế giới đều bị ngăn chặn bởi hàng rào sau thuế quan. Cùng với đó, đối với thép của Trung Quốc nhập khẩu vào Việt Nam, cơ quan quản lý cần có biện pháp kiểm tra gắt gao hơn về chất lượng để đảm bảo cạnh tranh lành mạnh, bảo vệ sản xuất trong nước, hy vọng sẽ thành công.
* Xin cảm ơn ông!
Nguồn tin: Công thương