Cùng với sự đóng băng của thị trường bất động sản thì bức tranh của nhiều doanh nghiệp sản xuất thép trong nước cũng lâm vào cảnh "chợ chiều."
Báo cáo của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) tại hội nghị đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp ngành thép chiều 27/10 do Bộ Công Thương tổ chức cũng tỏ ra rất bi quan khi cho rằng, hiện năng lực sản xuất tốt nhưng tiêu thụ lại quá chậm.
Tiêu thụ chậm, sản xuất bị thu hẹp
Theo ông Phạm Chí Cường, liên tiếp trong hai tháng qua, tiêu thụ thép trong nước liên tục trượt dốc, từ mức 480 nghìn tấn trong tháng Tám, đã giảm 100 nghìn tấn vào tháng Chín và tháng Mười cũng chỉ đạt xấp xỉ 300 nghìn tấn.
Điều này đã dẫn đến việc nhiều doanh nghiệp phải ngừng sản xuất để duy trì một lượng tồn kho hợp lý, nhiều doanh nghiệp chỉ sản xuất cầm chừng để duy trì lương cho công nhân.
Thậm chí, ông Phạm Chí Cường còn nhấn mạnh, một số doanh nghiệp không bán được hàng đã tìm cách phá giá để đẩy tiêu thụ và chiếm thị phần của nhau.
Cùng nhận định về khó khăn này, đại diện nhiều doanh nghiệp tham gia cuộc họp cũng cho rằng, việc thực hiện các nhóm giải pháp như ngân hàng siết chặt vốn cho vay; nhiều công trình trọng điểm phải giãn, hoãn tiến độ, thậm chí là dừng thực hiện khiến cho sản xuất kinh doanh và tiêu thụ thép đã giảm mạnh.
Ông Trần Tuấn Dương, Tổng Giám đốc Tập đoàn Hòa Phát cho biết, khó khăn nhìn thấy rõ là việc thắt chặt tín dụng để chống lạm phát và giảm đầu tư công đã tác động mạnh đến bức tranh tiêu thụ của ngành Thép.
"Còn trên thế giới do nhu cầu tiêu thụ cũng giảm sút, giá giảm dẫn đến nguy cơ dư thừa trong nước là nhìn thấy được, hiện Hòa Phát cũng phải chạy với 80% công suất, đặc biệt là tiết giảm mọi chi phí sản xuất thép và chi phí về năng lượng để có thể giảm giá thành sản phẩm," ông Dương nói.
Theo đánh giá của ông Nguyễn Duy Thái, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Thép, 10 tháng của năm 2011, tồn kho thép xây dựng là 185 nghìn tấn, trong khi tình hình tiêu thụ trong hệ thống đang bị giảm mạnh..
Cụ thể, thép xây dựng giảm 6,7% so với cùng kỳ, thép dẹt cũng chỉ bằng 56%. Đặc biệt là 50% đơn vị trong tổng công ty chỉ đạt 60% công suất và 30% công ty trong hệ thống đã bắt đầu xuất hiện lỗ.
Bên cạnh đó, chi phí đầu vào liên tục tăng cao nhưng giá bán thì chậm điều chỉnh càng gây áp lực cho ngành thép.
“Giá bán tại nhà máy chưa kể VAT hiện chỉ xấp xỉ 15 triệu đồng/tấn, thấp hơn gần 500 nghìn đồng so với giá vốn, với tốc độ tiêu thụ như vậy thì may mắn là lợi nhuận về 0 hoặc bị âm,” ông Thái nói.
Kiến nghị giải tỏa khó khăn
Tại cuộc họp, nhiều doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh thép đều kiến nghị xem xét cấp vốn cho các công trình xây dựng đang triển khai, ngân hàng hạ lãi suất vay để các doanh nghiệp có khả năng tiếp cận nguồn vốn...
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cần tăng cường giám sát thị trường để đưa ra những dự báo chính xác về nhu cầu thị trường, Bộ Tài chính cần đơn giản hóa thủ tục hoàn thuế xuất nhập khẩu tránh nợ đọng cho doanh nghiệp.
Theo ông Bùi Quang Chuyện, Phó vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng, Bộ Công Thương, hiện nguồn nguyên liệu để sản xuất thép vẫn phụ thuộc chủ yếu vào nhập khẩu, như phôi thép nhập 60% còn thép phế liệu nhập 70%.
Trong khi đó, giá thép trong nước lại không được điều chỉnh kịp thời theo tín hiệu đầu vào, vì thép là một trong những mặt hàng thuộc diện bình ổn giá. Còn về chính sách ưu đãi ngoại tệ thì thép không thuộc diện này.
“Năm 2007 Thủ tướng đã phê duyệt quy hoạch ngành thép, nhưng trong triển khai thì một số tỉnh cấp phép chưa đúng. Tháng 2/2012 sẽ trình quy hoạch tổng thể ngành thép nhằm đáp ứng các yêu cầu về cơ sở hạ tầng và cấp điện. Nếu điện khó khăn, sẽ ưu tiên cho những dự án nằm trong quy hoạch," ông Chuyện cho hay.
Nhận diện những khó khăn trên, Thứ trưởng Bộ Công Thương Lê Dương Quang cho rằng, sự hồi phục chậm của nền kinh tế thế giới cũng như các biện pháp kiềm chế lạm phát thời gian tới sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến việc tiêu thụ của ngành thép.
Do vậy, theo Thứ trưởng Quang, các doanh nghiệp cần xác định khó khăn của ngành còn dài chứ chưa thể giải quyết được ngày một ngày hai. Trước mắt, doanh nghiệp cần phân tích tình hình, rà soát, xác định và điều chỉnh lại chiến lược kinh doanh để tiêu thụ thép tăng lên, cũng như cải tiến công nghệ để giảm giá thành sản phẩm.
Mặt khác, nâng cao vai trò liên kết, hợp tác với các doanh nghiệp sản xuất nguyên liệu trong nước, bám sát tình hình để dự báo nhu cầu những năm tới nhằm giảm tồn kho xuống mức thấp nhất.
"Bộ Công Thương cũng nhận được nhiều dự án đầu tư mới vào ngành thép là tiền đề cho sự phát triển của ngành này trong tương lai,” Thứ trưởng cho biết thêm.
Nguồn tin: Vietnam+