Mặc dù năm 2014 vừa qua, ngành thép có mức tăng trưởng khoảng 12%, nhưng theo ông Phạm Chí Cường, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam, ngành thép vẫn còn rất nhiều khó khăn trong năm nay.
Khó khăn đầu tiên phải kể đến là hiện giá thép đang giảm sâu, so với đầu năm ngoái đã giảm xấp xỉ 200 ngàn đồng/tấn, trong khi đó giá than, điện sản xuất không hề giảm. Bên cạnh đó, thị trường nhà đất chưa phục hồi nên nhu cầu về thép xây dựng không cao.
Mặc dù năm qua ngành thép có mức tăng trưởng 12%, nhưng đó là tính cả sản phẩm thép cán nguội, thép xây dựng, thép ống và đặc biệt là tôn đã đóng góp lớn, với mức tăng trưởng gần 40% so với năm trước. Riêng về thép xây dựng, được coi là đóng vai trò chủ đạo trong tất cả các sản phẩm thép, thì lại có mức tiêu thụ thấp nhất, chỉ gần 6 triệu tấn.
Với việc giá thép giảm sâu và nguyên vật liệu, điện than giữ giá, ông Phạm Chí Cường cho rằng, trong năm nay, nhiều doanh nghiệp thép sẽ phải co hẹp sản xuất, tiết giảm chi phí tối đa mới có thể trụ được để chờ qua thời khó.
Khó khăn thứ hai là vấn nạn hàng lậu, hàng giả. Mặt hàng bị làm giả nhiều nhất hiện nay lại chính là tôn, sản phẩm quyết định đến mức tăng trưởng của ngành.
Ông Nguyễn Văn Sưa, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho biết: tiêu thụ tôn đang gặp rất nhiều khó khăn do vấn nạn hàng giả, hàng nhái trà trộn chiếm lĩnh thị trường, khiến cho ngành tôn thép Việt Nam trong năm qua chỉ phát huy được khoảng 60% năng lực sản xuất.
Ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn Hoa Sen cho biết: trong năm 2014 vừa qua, Tập đoàn Hoa Sen đã bị giảm 2,6% thị phần do tôn giả, tôn nhái. Việc giảm thị phần này tương đương với việc Hoa Sen bị mất sản lượng gần 45.000 tấn và bị mất 118 tỷ đồng lãi gộp trong năm 2014. Vấn nạn hàng giả vẫn là một căn bệnh trầm kha đã bao năm nay chưa có thuốc chữa.
Ngoài vấn nạn hàng giả, thì ngành thép còn một “đối thủ” rất lớn là thép chứa hợp kim Bo nhập khẩu vào Việt Nam được hưởng ưu đãi thuế 0% đã diễn ra trong nhiều năm qua. Ông Hồ Nghĩa Dũng, Chủ tịch VSA cho biết, vấn đề này VSA đã nhiều lần cảnh báo cũng như kiến nghị lên cơ quan chức năng về hậu quả của nó gây ra cho ngành thép trong nước cũng như người tiêu dùng. Thế nhưng vẫn chưa được giải quyết thấu đáo, thép Bo ngày càng nhập về nhiều, gây khó khăn cho ngành thép trong nước.
Như năm vừa qua, lượng thép các loại nhập khẩu vào Việt Nam lên đến 11 triệu tấn, tăng 105% so với năm trước đó (đây là mức tăng cao nhất từ trước đến nay). Trong 11 triệu tấn thép nhập khẩu thì có đến 4,78 triệu tấn thép Bo, khi vào Việt Nam được sử dụng làm thép xây dựng. Loại thép này được tung ra thị trường bán với giá thấp hơn thép xây dựng trong nước từ 1-2 triệu đồng/tấn.
Với việc Việt Nam ký kết Hiệp định thương mại tự do với Liên minh Hải quan Nga- Belarus-Kazakhstan (VCUFTA), trong đó phía Liên minh Hải quan đặt ưu tiên hàng đầu việc xuất khẩu sang Việt Nam các mặt hàng công nghiệp như sắt thép, săm lốp, máy móc thiết bị, v.v... mặc dù cân bằng với lợi ích khi Việt Nam được ưu tiên khi xuất sang khu vực này các mặt hàng dệt may, thủy sản, da giày và một số loại nông sản khác mà ta có ưu thế. Nhưng với doanh nghiệp ngành thép thì sẽ càng vất vả hơn, sự cạnh tranh sẽ rất căng, bởi thép của Nga chất lượng tốt hơn mà giá thành chỉ tương đương thép của ta.
Tại Hội nghị tổng kết hoạt động ngành thép năm 2014 và triển khai công tác năm 2015 của VSA mới đây, nhiều doanh nghiệp thép kiến nghị, các cơ quan chức năng như Bộ Công thương, Bộ Khoa học và Công nghệ, Hải quan, Quản lý thị trường… quan tâm hơn nữa tới ngành công nghiệp thép Việt Nam, bằng cách đưa ra một số biện pháp cụ thể như: Điều chỉnh lại quy hoạch phát triển ngành một cách tập trung; đẩy mạnh sản xuất các sản phẩm thép mà thị trường trong nước còn thiếu; nghiên cứu các chính sách, rào cản kỹ thuật, rào cản thương mại áp dụng cho nhập khẩu, cũng như phối hợp chặt chẽ để kiểm tra, giám sát thép chất lượng kém bán với giá rẻ, nhằm bảo đảm thị trường trong nước có sự cạnh tranh lành mạnh, công bằng.
Bên cạnh đó, trước những vụ kiện chống bán phá giá vô lý mà các nước đưa ra, khiến thép Việt Nam không xuất khẩu được, Nhà nước cần có những biện pháp hỗ trợ tích cực, giúp các doanh nghiệp sản xuất thép chiến thắng trong các vụ kiện.
Đặc biệt, VSA tiếp tục kiến nghị với các cơ quan quản lý nhà nước điều chỉnh một số điều của Thông tư liên tịch số 44/2013/TTLT giữa Bộ Công Thương và Bộ Khoa học Công nghệ, quy định về quản lý chất lượng thép sản xuất trong nước và thép nhập khẩu. Trong đó có việc cắt giảm thủ tục kiểm tra, giám sát hàng hóa xuất khẩu để giảm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp.
Nguồn tin: Stockbiz