Phải tăng 1 triệu đồng/tấn thép thì mới may ra bù được lỗ cho doanh nghiệp thép nhưng thực tế giá thép mới tăng 500 ngàn đồng đã phải lập tức giảm xuống. Các doanh nghiệp thép đang phải đối mặt với việc tiếp tục bị thép ngoại lấn ngay trên sân nhà.
Các doanh nghiệp thép tiếp tục bị thép ngoại lấn ngay trên sân nhà Ảnh: QUỐC ANH
Thép ngoại “đè” thép nội
Thực tế, vòng xoáy phụ thuộc nguyên liệu quặng phôi từ nước ngoài đang là bài toán khó giải của ngành công nghiệp thép Việt Nam. Thực tế từ 10 năm qua, ngành công nghiệp thép trong nước dù đã có những bước tiến nhưng năm nào cũng vậy, tỷ lệ thép ngoại nhập vẫn vượt trội.
Mặc dù xây dựng nhiều nhà máy thép nhưng tỉ lệ nội địa hoá chưa nhiều. Kim ngạch nhập khẩu vẫn đứng vị trí thứ hai hơn 10 triệu tấn, với giá trị trên 1 tỷ USD. Nhìn vào biểu đồ của ngành thép tồn tại nhiều nghịch lý. Mặc dù đã được xác định là ngành công nghiệp mũi nhọn và được hưởng nhiều chính sách bảo hộ cho sản xuất mà cụ thể bằng hình thức thuế quan. Song rõ ràng đó chỉ là sự bảo hộ đơn thuần từ phía Nhà nước, còn những yêu cầu cụ thể, cam kết đối với doanh nghiệp sản xuất trong nước thì hầu như không có. Thép nội vẫn triền miên rơi vào thế bí, bị ép từ việc phụ thuộc nguyên liệu đến bị chèn từ thành phẩm.
Từ ngày 31-12, việc áp dụng giấy phép nhập khẩu tự động đối với một số sản phẩm thép để bảo vệ ngành thép trong nước sẽ chính thức hết hiệu lực. Điều này gây bất lợi đối với các doanh nghiệp thép trong nước khi chưa chủ động được nguồn phôi, giá thành sản xuất thép lại thường cao hơn giá thép ngoại từ 500 - 700 nghìn đồng/tấn.
Theo các chuyên gia kinh tế, để hướng tới xây dựng được một ngành công nghiệp thép đã vạch ra thì việc ưu đãi thuế cho các doanh nghiệp sản xuất trong nước là cần thiết. Nhưng mặt khác, về phía các doanh nghiệp cũng phải có những cam kết nhất định về quá trình phát triển hay nói cách khác là cam kết về tỉ lệ nội địa hoá trong mỗi sản phẩm của mình. Không thể để tình trạng, cứ thấy khó lại đòi giải pháp.
Vẫn xin tiếp tục bảo hộ
Ông Phạm Chí Cường, Chủ tịch Hiệp hội Thép cho biết: Cách đây 2 tuần, Bộ Công thương có gửi văn bản tới Hiệp hội thăm dò ý kiến về việc: đến ngày 31-12 này, việc áp dụng cấp giấy phép nhập khẩu thép tự động hết hiệu lực thì ý kiến của Hiệp hội về vấn đề này như thế nào? Ông Cường cho rằng, hiện nay, năng lực sản xuất trong nước đối với các sản phẩm chủ đạo như thép xây dựng (thép cuộn, thép thanh), ống thép, thép tôn tráng kẽm, tôn phủ màu, cuộn cán nguội công suất sản xuất đã gấp đôi nhu cầu tiêu thụ. Do đó buộc phải tìm hướng xuất khẩu. Trong năm 2010, tính ra mặt hàng này cũng đã xuất khẩu được 1,3 tỷ USD với khối lượng trên 1 triệu tấn. Tuy nhiên, trong khi nền kinh tế còn nhiều biến động, giá điện, giá than, đòi tăng vẫn yêu cầu thép giữ giá sẽ đưa thép vào thế khó. “Bộ nên kiểm tra, thấy cái gì cần báo động, cái gì nhập nhiều thì phải lên tiếng thay cho doanh nghiệp. Thép là một trong 4 sản phẩm đang là thương hiệu mạnh của Việt Nam thì cần tiếp tục được bảo hộ.”
Ông Phạm Chí Cường lý giải, phôi thép đang nhập về với giá 600 USD/tấn. Trong khi giá USD liên ngân hàng là 19.500 đồng/USD, giá thị trường là 21.500 đồng/USD. Mỗi tấn phôi thép doanh nghiệp nhập về để sản xuất đã mất đi 1,2 triệu. Thế nhưng, dù biết lỗ vẫn phải chịu vì nếu tăng giá thép nội, thép nhập khẩu sẽ tranh thủ tràn vào. Thời gian qua, các doanh nghiệp trong nước vẫn cạnh tranh được với thép nhập khẩu là do thương hiệu, sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, nhưng nếu tăng nữa thép nội sẽ mất lợi thế cạnh tranh so với thép nhập khẩu. Các nhà sản xuất thép nội phải hết sức cẩn trọng khi có quyết định tăng giá, nếu không sẽ tạo điều kiện cho thép ngoại giá rẻ chiếm lĩnh thị trường.
Nguồn: Daidoanket