Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Ngành thép Việt ảnh hưởng thế nào trước tuyên bố áp thuế 25% của Tổng thống Trump?

 Nguy cơ mất thị trường Mỹ đang được Hiệp hội thép Việt Nam (VSA) đưa ra cùng với các mối lo khác được cho là sẽ tác động cực lớn tới các doanh nghiệp ngành này khi Mỹ tuyên bố nâng thuế nhập khẩu cao đối với thép và nhôm.

Xuất khẩu thép của Việt Nam vào thị trường Mỹ sẽ trở lên rất khó khăn

Cụ thể, theo sắc lệnh được Tổng thống Donald Trump ký ngày 8/3, Mỹ sẽ áp thuế 25% đối với mặt hàng thép và 10% đối với mặt hàng nhôm nhập khẩu và có hiệu lực kể từ này 23/3.

Đánh giá từ tuyên bố áp thuế bổ sung 25% với mặt hàng thép từ Mỹ, VSA cho rằng thiệt hại đối với doanh nghiệp Việt sẽ là rất lớn. Bởi lẽ, Mỹ đang là thị trường xuất khẩu thép lớn thứ 2 của Việt Nam sau ASEAN và chiếm khoảng 11% với kim ngạch xuất khẩu lên tới gần 450 triệu USD.

Theo thống kê, từ năm 2012 đến năm 2017, thép Việt Nam xuất khẩu vào Mỹ vào khoảng 2,5 triệu tấn và nhập khẩu từ Mỹ cũng với khối lượng gần tương đương. Như vậy, cán cân thương mại xuất nhập khẩu thép giữa hai nước đang ở mức xấp xỉ ngang bằng nhau.

Tuy nhiên, năm 2017, lượng thép của Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ vào khoảng 567.000 tấn, chỉ bằng gần 60% so với năm 2016. Trong khi, Việt Nam nhập khẩu từ Mỹ tới con số 632.000 tấn. Điều này đã tạo ra cán cân chênh lệch giữa 2 nước, thép Việt xuất sang Mỹ chỉ chiếm chưa đầy 2% so với tổng sản lượng thép của Mỹ xuất sang Việt Nam trong năm 2017.

VSA cho rằng, việc Mỹ áp thuế 25% sẽ tác động tiêu cực đến hoạt động xuất khẩu và sản xuất của cả ngành thép Việt Nam. Ước tính thiệt hại trong vài ba năm tới có thể gấp 4 lần mức sụt giảm kim ngạch trong năm 2017.

Với việc áp thuế này, sức ép cạnh tranh giữa thép Việt Nam với các quốc gia khác là rất lớn. Sẽ xuất hiện dòng chuyển dịch thương mại sang xu hướng kiếm tìm thị trường thay thế không chỉ đối với thép Việt Nam mà còn các quốc gia khác như Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Nga, Thổ Nhĩ Kỳ…

Một hệ lụy khác mà VSA cũng tính đến, không chỉ nguy cơ mất thị trường Mỹ mà các doanh nghiệp thép Việt sẽ có nguy cơ bị triệt tiêu kéo theo hàng triệu công nhân lao động khốn khó. Bởi, các doanh nghiệp trong ngành thép phần lớn là mới và nhỏ về tài chính, quy mô, vừa hoàn thành giai đoạn đầu tư cũng như vẫn phụ thuộc vào sản xuất và xuất khẩu…

Trên thực tế, ngay sau khi Mỹ tuyên bố áp thuế bổ sung với mặt hàng thép và nhôm, một số nước tại châu Á cũng đã có những phản ứng bước đầu. Một ngày sau, tức vào hôm 9/3, trong tuyên bố của mình, Bộ Thương mại Trung Quốc phản đối quyết định nêu trên của Mỹ, cho biết sẽ đánh giá các thiệt hại và cảnh báo mức áp thuế mới sẽ “tác động nghiêm trọng tới trật tự thương mại quốc tế thông thường”.

Các hiệp hội thép và kim loại của Trung Quốc cũng đã kêu gọi chính phủ nước này đưa ra các biện pháp đáp trả nhằm vào các mặt hàng nhập khẩu từ Mỹ như thép không gỉ, than đá, nông sản và đồ điện tử.

Trong khi đó, một quan chức cấp cao thuộc Bộ Thương mại Hàn Quốc cho rằng mức áp thuế cao hơn đối với thép và nhôm sẽ khiến chi phí sản xuất của 2 hãng sản xuất ô tô Hyundai và Kia tăng, gây bất lợi cho các nhà sản xuất Hàn Quốc trước các đối thủ từ Mỹ. Quan chức trên còn cảnh báo việc Mỹ nâng mức áp thuế sẽ tác động tới tiến trình tái đàm phán thỏa thuận thương mại tự do Mỹ - Hàn đang diễn ra. Chính phủ Hàn Quốc cũng để ngỏ khả năng đệ đơn kiện lên Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).

Nguồn tin: Dân trí

ĐỌC THÊM