Dự báo nhu cầu thép trên thị trường nội địa sẽ tăng trưởng tích cực trong năm 2025. Nhưng tốc độ tăng trưởng sản lượng xuất khẩu dự kiến sẽ giảm xuống và các doanh nghiệp Việt Nam đối mặt với biến số từ ngành thép Trung Quốc.
Thị trường nội địa tăng tốc
Theo đánh giá mới đây của SSI Research, nhu cầu thép nội địa trong năm 2025 dự kiến sẽ tăng trưởng 10% so với năm 2024 trong bối cảnh thị trường bất động đã có sự phục hồi đáng kể với số lượng căn mở bán mới trong năm 2024 đã tăng gấp đôi so với năm 2023.
Ngoài ra, việc đẩy mạnh giải ngân đầu tư công trong năm cuối của nhiệm kỳ 2021 - 2025 cũng sẽ giúp thúc đẩy nhu cầu về thép. Các dự án hạ tầng lớn trong dài hạn, gồm các tuyến cao tốc Bắc - Nam, Đông - Tây; các sân bay và cảng biển trọng điểm như Cảng Cần Giờ tại TP.Hồ Chí Minh, Cảng Nam Đồ Sơn tại Hải Phòng; dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam…
Đối với hoạt động xuất khẩu, Hiệp hội Thép Thế giới dự báo nhu cầu thép toàn cầu trong năm 2025 sẽ phục hồi 1,2% sau khi giảm 0,9% trong năm 2024.
Nhu cầu thép nội địa trong năm 2025 dự kiến sẽ tăng trưởng 10% so với năm 2024
Nhu cầu từ các thị trường xuất khẩu chính của ngành thép Việt Nam, như châu Âu, Mỹ và ASEAN, dự kiến sẽ tăng từ 2 - 3,5% so với năm 2024 ỳ do kỳ vọng về việc nới lỏng chính sách tiền tệ toàn cầu.
Tuy nhiên, SSI Research lưu ý tốc độ tăng trưởng sản lượng xuất khẩu của ngành thép Việt Nam trong năm nay có thể chậm lại do sự gia tăng các rào cản thuế trên toàn cầu.
Điển hình, Bộ Thương mại Mỹ vừa qua đã khởi xướng điều tra chống bán phá giá đối với thép chống ăn mòn (CORE) nhập khẩu từ Việt Nam, cùng với 9 quốc gia khác. Mỹ chiếm 14,4% sản lượng thép xuất khẩu của Việt Nam trong 9 tháng đầu năm 2024, đứng sau châu Âu (22,4%) và ASEAN (25,2%).
Biến số từ thị trường thép Trung Quốc
Cũng theo SSI Research, một trong những tín hiệu mà ngành thép Việt Nam cần theo dõi sát là sản lượng xuất khẩu thép của Trung Quốc. Xuất khẩu thép của nước này trong 11 tháng đầu năm 2024 tăng trưởng 22,6%, đạt 101,15 triệu tấn, sau khi tăng 36% trong năm 2023.
Lượng lớn thép giá rẻ của Trung Quốc tràn ra thị trường đã và đang gây áp lực giảm giá thép và kích hoạt làn sóng các biện pháp bảo hộ toàn cầu. Theo Hiệp hội Thép Thế giới, nhu cầu thép của Trung Quốc dự kiến sẽ giảm thêm 1% trong năm 2025, sau khi giảm 3% trong năm 2024.
Một số điểm sáng là giá nhà tại Trung Quốc đã ổn định, thậm chí tăng trở lại tại một số khu vực. Ngoài ra, sản lượng thép thô trong 11 tháng năm 2024 đã giảm 2,7% so với cùng kỳ xuống còn 929 triệu tấn và dự kiến sẽ giảm thêm 1,3% trong năm 2025. Điều này có thể làm giảm 9% sản lượng xuất khẩu của Trung Quốc so với năm 2024, theo hãng nghiên cứu thị trường Mysteel.
Sản lượng xuất khẩu của Trung Quốc giảm có thể làm giảm áp lực cạnh tranh đối với thép Việt Nam trên toàn cầu, hỗ trợ giá thép và giúp giảm giá nguyên liệu đầu vào.
Sản lượng thép thô Trung Quốc đã có tín hiệu tạo đỉnh trong năm 2024.
Tuy nhiên, do nhu cầu yếu, SSI Research cho rằng giá thép khó có thể tăng nhiều trong năm 2025, trừ khi Chính phủ Trung Quốc thực hiện nhiều biện pháp kích thích mạnh mẽ hơn để mang lại tác động thực tế đối với thị trường bất động sản trong nước.
Một biến số khác đối với ngành thép Việt Nam là các biện pháp phòng vệ thương mại đối với thép Trung Quốc nhập khẩu. Sản lượng thép nhập khẩu vào Việt Nam trong 11 tháng của năm 2024 tăng mạnh 33% so với cùng kỳ lên 16,17 triệu tấn, trong đó sản lượng nhập khẩu từ Trung Quốc tăng vọt 48,4% và chiếm 68% tổng sản lượng nhập khẩu.
Bộ Công Thương đã khởi động cuộc điều tra áp dụng thuế chống bán phá giá đối với thép mạ kẽm nhập khẩu từ Trung Quốc và Hàn Quốc vào tháng 6/2024, và HRC nhập khẩu từ Trung Quốc và Ấn Độ vào tháng 7/2024.
Khả năng kết quả cuối cùng của cuộc điều tra này sẽ được công bố vào giữa năm 2025, nhưng có thể có những biện pháp tạm thời được đưa ra trước đó, SSI Research nhận định.
Các doanh nghiệp thép sẽ tiếp tục tăng trưởng tích cực
Dựa trên tình hình thị trường hiện tại, SSI Research dự báo các công ty thép Việt Nam sẽ tiếp tục ghi nhận tăng trưởng lợi nhuận tích cực trong năm 2025, đặc biệt là trong trường hợp Bộ Công Thương áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại với một số sản phẩm thép nhập khẩu.
SSI Research nhận định Tập đoàn Hoà Phát (HPG) có khả năng được hưởng lợi nhiều nhất từ sự phục hồi của thị trường bất động sản, đẩy mạnh giải ngân đầu tư công và các chính sách phòng vệ thương mại.
Ngoài ra, hai nhóm sản phẩm chủ lực của tập đoàn này là thép xây dựng HRC ít phụ thuộc vào xuất khẩu khi tỷ trọng xuất khẩu lần lượt là 20% và 35% tổng sản lượng trong 11 tháng đầu năm 2024, so với mức 56% đối với thép mạ kẽm.
Trong khi đó, lợi nhuận của Tập đoàn Hoa Sen (HSG) dự kiến sẽ tăng 37% lên 700 tỷ đồng trong năm 2025, chủ yếu nhờ biên lợi nhuận gộp ổn định sau khi lỗ lớn trong quý 4 niên độ 2023 - 2024 (tháng 7 - tháng 9/2024).
Động lực tăng trưởng của Tập đoàn Hoa Sen dự kiến đến từ từ sự phục hồi của giá thép và sản lượng tiêu thụ nội địa cao hơn (mang lại biên lợi nhuận cao hơn so với xuất khẩu).
Ngược lại, lợi nhuận của Thép Nam Kim (NKG) trong năm 2025 dự kiến sẽ đi ngang do phụ thuộc nhiều hơn vào kênh xuất khẩu và mức nền lợi nhuận cao trong năm 2024.
Nguồn tin: Tạp chí công thương