Báo cáo phân tích của công ty chứng khoán SSI cho biết ngành thép tăng 111% so với đầu năm và 188% so với mức đáy trong tháng 3 năm 2020 - cao hơn nhiều so với chỉ số VNIndex lần lượt là 96% và 122%.
Mới đây công ty chứng khoán SSI công bố báo cáo phân tích tóm tắt về ngành thép Việt Nam trong năm 2020. Theo đó tăng trưởng của ngành thép trong năm vừa qua được đánh giá khả quan và nhờ vào những yếu tố sau.
Thay đổi cơ cấu sau dịch Covid-19
Tiêu thụ trong nước bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19 trong những tháng đầu năm, nhưng đã có sự phục hồi đáng khích lệ trong giai đoạn tiếp theo: Sản lượng thép xây dựng và thép dẹt thành phẩm trong nước (bao gồm cả tôn mạ và thép ống) giảm lần lượt -12% và -5%, trong bốn tháng đầu năm do hoạt động xây dựng chững lại trong bối cảnh đại dịch Covid-19.
Tuy nhiên, kể từ khi dịch bệnh được kiểm soát thành công bắt đầu từ tháng 5, sản lượng tiêu thụ của 2 loại sản phẩm này từ tháng 5 đến tháng 11 đã phục hồi tích cực với mức tăng trưởng lần lượt là 1% và 7% so với cùng kỳ. Mức tăng trưởng đáng khích lệ này này là nhờ: (1) nhu cầu ổn định từ kênh dân dụng; (2) đẩy nhanh đầu tư công, với tổng giá trị trong 11T 2020 tăng 34% so với cùng kỳ; và (3) giá thép có xu hướng tăng, thúc đẩy các nhà phân phối tích trữ hàng tồn kho.
Xuất khẩu đạt mức tăng trưởng mạnh mẽ từ Qúy 2, nhờ nhu cầu thế giới phục hồi cùng với sự gián đoạn trong chuỗi cung ứng: Tổng sản lượng xuất khẩu các sản phẩm thép tăng 48% so với cùng kỳ trong 11T2020, theo Tổng cục Hải quan Việt Nam. Sản lượng xuất khẩu được hỗ trợ mạnh nhờ: (1) việc đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng ở nhiều quốc gia, đặc biệt là Trung Quốc, để bảo vệ tăng trưởng GDP trong bối cảnh khu vực tư nhân chững lại; (2) ngành ô tô phục hồi, do dịch Covid-19 khuyến khích khách hàng chuyển từ phương tiện giao thông công cộng sang phương tiện cá nhân; và (3) mảng sản xuất dần ổn định trong nửa cuối năm.
Xuất khẩu thép của Việt Nam được lợi nhiều hơn do nguồn cung bị gián đoạn. Sản lượng sản xuất của các thị trường thép lớn như EU, Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản và Hàn Quốc lần lượt giảm -15%, -18%, -12%, -17% và -7% so với cùng kỳ trong 11T2020.
Giá thép tăng rất nhiều trong nửa cuối năm do nhu cầu thế giới phục hồi và nguồn cung bị gián đoạn ở cả thép và nguyên liệu thô. Giá thép xây dựng trong nước tăng 25% so với đầu năm và 36% so với mức thấp trong tháng 4, trong khi giá HRC tăng 43% so với đầu năm và tăng 80% so với mức đáy. Giá thép có xu hướng tăng trong nửa cuối năm nhờ nhu cầu tăng mạnh cùng với việc cắt giảm công suất ở Trung Quốc, nhu cầu dồn nén từ các thị trường khác và giá quặng sắt tăng do sự gián đoạn nguồn cung, đặc biệt là ở Brazil do dịch Covid-19.
Các công ty dẫn đầu trên thị trường tiếp tục chiếm lĩnh thị phần: Năm 2020 chứng kiến sự gia tăng thị phần mạnh mẽ của HPG, từ 26,2% trong năm 2019 lên 32,5% trong 11T2020. Điều này là do sự gia tăng công suất từ Khu liên hợp gang thép Dung Quất, cũng như lợi thế cạnh tranh đáng kể về quy mô và chi phí sản xuất so với các đối thủ trong nước. Thị phần của HSG, công ty sản xuất thép dẹt hàng đầu, cũng tăng từ 30% trong năm 2019 lên 33% trong 11T2020. Điều này chủ yếu nhờ vào kênh xuất khẩu, do công ty đã đa dạng hóa cơ sở thị trường trong những năm gần đây, và nhờ đó có thể mở rộng sản lượng xuất khẩu tốt hơn các công ty trong nước khác.
Lợi nhuận doanh nghiệp tăng đột biến nhờ tăng trưởng sản lượng và tỷ suất lợi nhuận cải thiện: Lợi nhuận trước thuế của các công ty sản xuất thép hàng đầu đạt mức tăng trưởng mạnh mẽ trong Q3 so với cùng kỳ năm 2019. Trong khi mức tăng trưởng của HPG được thúc đẩy nhờ tăng trưởng doanh thu, thì tăng trưởng từ các công ty tôn mạ như HSG và NKG phần lớn đến từ việc tỷ suất lợi nhuận gộp cải thiện, nhờ giá thép có xu hướng tăng và áp lực cạnh tranh ở thị trường trong nước giảm khi không có công suất mới.