Tổng sản lượng thép các loại sản xuất trong nước đã vượt xa nhu cầu thị trường; lượng thép nhập khẩu liên tục tăng; các doanh nghiệp nước ngoài có xu hướng đẩy mạnh đầu tư nhà máy sản xuất thép tại Việt Nam; tình trạng thiếu hụt điện năng nghiêm trọng, nhất là tại khu vực các tỉnh phía Nam … là những khó khăn mà các doanh nghiệp thép Việt Nam phải đối mặt, dẫn đến cạnh tranh ngày càng khốc liệt.
Nguồn cung nhiều sản phẩm thép sản xuất trong nước đã vượt xa nhu cầu (Ảnh minh hoạ)
Cung vượt xa cầu
Theo số liệu thống kê, hiện tổng năng lực sản xuất của ngành thép trong nước vào khoảng 30 triệu tấn/năm, đứng đầu các nước Đông Nam Á, trong khi ngành thép Việt Nam mới chỉ hoạt động dưới 70% công suất thiết kế. Đơn cử, đối với thép xây dựng, tổng công suất của các nhà máy đang hoạt động ở mức 12 triệu tấn/năm nhưng năm 2017, sản lượng tiêu thụ chỉ đạt 9,1 triệu tấn. Hay nhu cầu thép không gỉ (inox) (gồm cả cán nóng và cán nguội) trong nước hiện ở mức 490.000 tấn/năm nhưng năng lực sản xuất đã là trên 700.000 tấn, khiến các nhà máy sản xuất inox chỉ hoạt động từ 50 - 55% công suất thiết kế.
Còn theo thống kê của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), 5 tháng đầu năm nay, các doanh nghiệp thành viên của VSA đã sản xuất hơn 9,67 triệu tấn thép thành phẩm các loại, tăng 24% so cùng kỳ và bán hàng đạt 6,69 triệu tấn (bao gồm cả xuất khẩu 1,56 triệu tấn), tăng 35,2%. Sản xuất trong nước tăng mạnh nhưng trong 5 tháng qua, cả nước đã chi khoảng trên 4 tỉ USD để nhập khẩu hơn 5,68 triệu tấn sắt thép các loại, tăng 1,9% so với cùng kỳ. Trong đó nhập khẩu lớn nhất là từ Trung Quốc với khối lượng chiếm gần 50% khi đạt 2,6 triệu tấn, trị giá hơn 1,83 tỉ USD. Đáng nói, trong số đó có những loại sản phẩm doanh nghiệp nội đã sản xuất được, thậm chí dư thừa, như: thép xây dựng, tôn mạ màu, thép cuộn cán nguội...
Đặc biệt, các doanh nghiệp trong nước cho rằng, dư thừa nguồn cung ngày càng trở nên trầm trọng hơn khi hoạt động xuất khẩu gặp nhiều khó khăn vì hàng rào tự vệ ở nhiều quốc gia. Với riêng sản phẩm thép không gỉ (gồm cán nguội và cán nóng), với dự báo tăng trưởng cầu trung bình 8,4%/năm thì đến năm 2021, nhu cầu cũng chỉ đạt 677.000 tấn/năm.
Trước tình hình đó, Việt Nam đã bắt đầu áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại để bảo vệ sản xuất trong nước, như: áp dụng thuế chống bán phá giá đối với sắt thép nhập khẩu (thép không gỉ cán nguội, thép mạ, thép hình chữ H, phôi thép và thép dài... ). Riêng với thép không gỉ cán nguội, việc áp dụng thuế chống bán phá giá đã được đưa ra từ tháng 10/2014 đối với các sản phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc, Malaysia và Indonesia. Sau hai lần rà soát, mức thuế này đẫ được gia tăng và kéo dài đến tháng 10/2019, theo đó, mức thuế được áp dụng cho từng nước từ 9,55 - 37,29%. Dù vậy lượng thép không gỉ cán nguội nhập khẩu vẫn liên tục gia tăng.
… Đến nguy cơ thiếu hụt năng lượng
Theo một tính toán, ngành thép là một trong các ngành tiêu thụ năng lượng lớn, chiếm 5,18% tổng năng lượng tiêu thụ của các ngành công nghiệp (Số liệu năm 2015) trong đó, điện năng chiếm tỷ trọng lớn nhất (50,91%). Cụ thể, để luyện được một mẻ sản phẩm, doanh nghiệp Việt Nam cần trung bình khoảng 90 – 180 phút với điện năng tiêu hao từ 550 – 690 kWh/tấn sản phẩm, trong khi mức tiêu hao trung bình của thế giới là 360 – 430 kWh/tấn sản phẩm với thời gian là 45 – 70 phút.
Trong khi đó, theo tính toán của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), hệ thống điện sẽ chỉ đảm bảo cung cấp đủ điện cho nền kinh tế và đời sống nếu như không xuất hiện các tình huống bất thường, nhất là hệ thống truyền tải Bắc – Nam. Tuy nhiên, một số yếu tố có thể ảnh hưởng đến việc triển khai thực hiện kế hoạch trên, như: Việc đảm bảo cung ứng điện toàn quốc còn phụ thuộc rất nhiều vào tiến độ đầu tư; khả năng sản xuất điện của các nhà máy điện ngoài EVN; tốc độ tăng phục tải…
Đặc biệt, riêng tình hình cung cấp điện cho 21 tỉnh, thành phố phía Nam do Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVN SPC) quản lý được đánh giá là tiếp tục gặp khó khăn trong năm 2018 và những năm tiếp theo. Trong đó, hệ thống điện miền Nam vẫn chưa tự cân đối nguồn cung cấp điện nên vẫn phụ thuộc nhiều vào nguồn cung từ miền Bắc và miền Trung qua đường dây 500kV, đặc biệt là trong các tháng mùa khô khi phụ tải tăng cao.
Bên cạnh đó, ở các tỉnh có công nghiệp phát triển nhanh, như: Đồng Nai, Bình Dương, Tây Ninh, Long An, Cần Thơ,… phụ tải đang tăng cao trên 11% làm ảnh hưởng đến khả năng cung cấp điện như đường dây và thiết bị thường xuyên đầy tải, tại một số thời điểm còn bị quá tải.
Trong khi đó, hầu hết các nhà máy sản xuất thép đều tập trung tại các địa phương miền Trung và Nam và hiện đang có một số doanh nghiệp dự định đầu tư mở rộng hoặc xây dựng mới nhà máy sản xuất thép ở khu vực này, khiến áp lực lên khả năng cung cấp điện và hệ thống truyền tải điện ngày càng tăng.
Nguồn tin: Công thương