Những bất cập của ngành thép khiến ngành này đứng trước nguy cơ phải gánh chịu những hậu quả khó có thể khắc phục trong một vài năm tới. Điều đáng nói, hậu quả của ngành thép khiến DN mất khả năng cạnh tranh với thép ngoại. Tuy nhiên, người chịu thiệt cuối cùng vẫn là người dân vì phải dùng những sản phẩm thép giá cao (nếu chịu mua thép nội) hoặc chất lượng tù mù (nếu sử dụng thép ngoại)...
Điều đáng nói là, mặc dù Hiệp hội đại diện cho ngành thép, nhưng chính đại diện Hiệp hội Thép VN (VSA) cũng chỉ biết... đưa ra cảnh báo.
Thiếu nhà máy đạt chuẩn
Trao đổi với báo chí, không ít lần cả ông Nguyễn Tiến Nghi - Phó Chủ tịch VSA và ông Nguyễn Chí Cường - Chủ tịch đều cho rằng phần lớn các DN thép đều đang sử dụng công nghệ không đạt chuẩn. Điều này không những khiến giá thành sản phẩm bị đội lên mà còn gây ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường. Rất nhiều trường hợp một số công nghệ từ Trung Quốc đã không còn được sử dụng nhưng lại được DN VN ở các địa phương nhập về. Trong khi ở Trung Quốc hiện nay, họ có quy định lò điện phải trên 50 tấn/mẻ thì mới cho xây dựng mới. Với lò cao, họ quy định phải trên 1.000 m3 trở lên mới được xây dựng mới. Trong khi đó, DN của ta, do nhiều nguyên nhân như vốn, kinh nghiệm... lại nhập loại lò điện chỉ có công suất 20 – 30 tấn/mẻ và loại lò cao công suất 200 – 300 m3. Một loạt địa phương thời gian gần đây xuất hiện các loại công nghệ lạc hậu này như Hải Phòng có DN đầu tư xây ba lò cao công suất 250 m3/cái, cá biệt ở Thanh Hóa có lò chỉ ở mức 50 m3. Thực tế không phải đến bây giờ mà từ cách đây 1-2 năm khá nhiều DN ngành thép từng đổ tiền đầu tư vào công nghệ lạc hậu đã phải chịu cảnh bỏ thì thương vương thì tội. Các lò luyện thép công suất nhỏ tiêu tốn điện năng nhiều hơn, nhiên liệu sử dụng nhiều hơn so với lò tiêu chuẩn. Khối lượng than điện cực, có chi phí nhiều triệu đồng/kg, tiêu hao với các lò tiêu chuẩn khoảng trên 2 đến 2,5 kg thì với loại lò công nghệ lạc hậu phải mất từ 4 đến 5 kg. Đó là chưa tính đến tiêu hao gạch chịu lửa. Ngoài ra, để vận hành các loại lò này cũng khiến DN phải tốn nhiều chi phí cho lượng dầu tiêu thụ lớn... Đây chính là các yếu tố khiến sản phẩm của các DN này bị đội lên khá nhiều. Trung bình, với lò đạt tiêu chuẩn tiêu hao cho mỗi tấn thép cán là 25 – 30 kg dầu thì các lò này mất tới 40 – 45 kg dầu/tấn. Cá biệt có những lò tiêu hao tới 50 kg dầu/tấn thép sản xuất. Với phần chi phí đẩy tăng cao như vậy, hầu hết DN này không thể đầu tư cho việc bảo vệ môi trường. Với một lò điện kiểu trên khi đưa một thiết bị lọc bụi vào, chưa kể chi phí đầu tư ban đầu, chi phí tiêu hao điện năng cho thiết bị lọc bụi này chạy khi sản xuất một tấn thép là 30 – 50 kWh.
Thừa dự án... ngoài luồng
Thống kê của ngành thép cho thấy trên toàn quốc hiện có 32 dự án thép được cấp phép đầu tư nằm ngoài quy hoạch có nguy cơ phá vỡ cân đối của ngành, gây ra tình trạng đầu tư lãng phí, thiệt hại cho nền kinh tế. Việc có quá nhiều dự án thừa tất nhiên dẫn tới phá vỡ cân đối, quy hoạch của vùng, các ngành về cân đối năng lượng (điện), nguyên liệu (quặng sắt), vận tải (cảng biển, đường bộ, đường sắt), đặc biệt là môi trường. Đại diện Bộ Công Thương cũng thừa nhận việc ồ ạt đầu tư vào các dự án thép khiến tổng công suất thiết kế của các dự án vượt xa quy hoạch khi tổng công suất cán thép xây dựng vượt gần hai lần khả năng đáp ứng nguyên liệu. Nếu tất cả các dự án cả trong và ngoài quy hoạch trên đi vào sản xuất thì, tới năm 2015, công suất của toàn ngành thép trong nước có thể lên tới 28 triệu tấn/năm, trong khi dự báo nhu cầu chỉ ở mức 15 triệu tấn. Riêng sản xuất thép cán (thép xây dựng) hiện đạt công suất 6-7 triệu tấn/năm, thừa công suất gần 40% so với nhu cầu của thị trường nội địa là 4-5 triệu tấn/năm. Đứng trước tình hình này, Bộ Công Thương cũng cho biết, trong quý III/2009, Bộ sẽ tổ chức kiểm tra việc triển khai các dự án thép tại một số tỉnh có nhiều dự án sản xuất thép. Từ đó kiến nghị UBND các tỉnh thu hồi giấy chứng nhận đầu tư các dự án không đủ điều kiện (công nghệ và máy móc lạc hậu như lò cao có công suất dưới 200 m3; lò điện và lò chuyển dưới 20 tấn/mẻ).
Tuy nhiên, điều làm đau đầu các nhà quản lý không chỉ là kiểm tra, tìm cách xử lý các dự án thép ngoài quy hoạch mà còn phải tìm cách giải quyết hàng loạt dự án chậm tiến độ. Bộ Công Thương cho biết, nhiều dự án thép lớn đang triển khai bị chậm tiến độ từ 2 đến 3 năm so với dự kiến ban đầu. Điển hình là các dự án liên doanh cán nóng ESSAR - TCty Thép VN (VN Steel) chậm hai năm, hiện chưa xác định thời điểm khởi công xây dựng; liên hợp gang thép Lào Cai mới triển khai phần khai thác mỏ, phần đầu tư nhà máy gang thép chậm tiến độ một năm so với cam kết ghi trong giấy phép đầu tư. Dự án Liên hợp thép Quảng Ngãi do Tập đoàn E-United (Đài Loan) làm chủ đầu tư cũng chậm hai năm...
DĐDN