Nhìn lại năm 2010, ngành thép Việt Nam không chỉ đáp ứng đủ cho nhu cầu phát triển kinh tế đất nước mà còn xuất khẩu và trở thành điểm hấp dẫn các nhà đầu tư trong và ngoài nước.Tuy nhiên, cùng với những kết quả đạt được trong năm qua, ngành thép cũng đang phải đối mặt với những khó khăn cần giải quyết để phát triển hiệu quả và bền vững. Ảnh minh hoạ. Nguồn: Internet.
Theo nhận định của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), Nghị quyết 11/NQ-CP về những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội của Chính phủ đã bắt đầu đi vào cuộc sống. Ngân hàng đã siết chặt hơn trong việc cho vay; Nhiều công trình đầu tư công hiệu quả không cao và nhiều dự án xây dựng trong nước bị cắt giảm... Với những lý do trên, để tiêu thụ được sản phẩm, các nhà sản xuất thép đã phải điều chỉnh giá giảm từ 200.000 - 300.000 đồng/tấn. Hiện giá thép đang được các nhà máy bán ra phổ biến ở mức 15,5 -16,4 triệu đồng/tấn. Tuy nhiên, khi sức mua bắt đầu giảm, các đại lý cũng hạ giá, tung hàng ra nhằm cắt lỗ. Bởi vậy, các nhà sản xuất thép phải đối mặt với nghịch lý, giá thép tại một số đại lý lại thấp hơn so với giá thép ở nhà máy. Điều này có nghĩa doanh nghiệp nào không mua được phôi dự trữ ở mức giá thấp, phải mua đuổi bán đuổi theo thị trường sẽ không tránh khỏi việc thua lỗ.
Cùng với đó, ngành thép cũng đang phải đối mặt với bài toán thiếu thiếu điện và công nghệ lạc hậu. Theo Bộ Công Thương, giá điện ở Việt Nam hiện vẫn thấp hơn nhiều so với giá điện khu vực và thế giới. Chính vì giá điện thấp khiến các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài móc nối nhau tìm cách đưa vào Việt Nam các loại công nghệ tiêu tốn năng lượng nhằm mục đích trục lợi. Thực tế này đã và đang xảy ra đối với các nhà máy sản xuất thép, xi măng hiện nay cung đã vượt cầu, nhưng vẫn tiếp tục mở rộng đầu tư. Theo VSA, chi phí cho điện sản xuất thép chỉ chiếm 5,5% trong giá thành. Song theo tính toán của Bộ Công Thương, lượng điện tiêu thụ của một nhà máy thép có công suất trung bình tương đương với lượng tiêu thụ điện của một huyện, quận. Thế nhưng, theo thống kê của VSA, hiện nay, trong số 32 doanh nghiệp của Hiệp hội chỉ có 4 doanh nghiệp sử dụng công nghệ tiên tiến của thế giới; 10 doanh nghiệp có cải tiến công nghệ, còn lại là công nghệ cũ.
Theo phản ánh của các doanh nghiệp thành viên VSA, hiện các doanh nghiệp đã cố tình lách luật bằng cách nhập khẩu thép có chứa hợp kim Bo, khai để sản xuất que hàn nhằm hưởng thuế suất 0% nhưng thực tế lại bán ra làm thép xây dựng. Giá thép nhập khẩu bán ra vì thế thấp hơn giá thép trong nước, gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp thép.
Ông Nguyễn Tiến Nghi, Phó chủ tịch VSA cho biết, 3 tháng đầu năm 2011, tuy lượng nhập khẩu hàng tháng có thấp hơn so với cùng kỳ năm trước khoảng 50.000 tấn/tháng, nhưng số thép nhập khẩu chủ yếu là thép phi 6 và phi 8 đã khiến các nhà sản xuất thép trong nước bị ảnh hưởng nghiêm trọng…
Với những khó khăn trên, đòi hỏi ngành thép, các doanh nghiệp thép cũng như các nhà quản lý cần phải có những biện pháp chấn chỉnh mạnh mẽ hơn để giải quyết những bài toán khó, nhằm đưa ngành thép phát triển hiệu quả và bền vững.
Theo Thứ trưởng Bộ Công thương Lê Dương Quang, khó khăn của doanh nghiệp thép không phải ngày một ngày hai và rất khó dự báo. Do vậy, doanh nghiệp phải tự cứu mình là chính, nhất là trong tình hình nền kinh tế thế giới và Việt Nam có dấu hiệu giảm phát. Về lâu dài, ngành thép cần xác định lại chiến lược phát triển, cải tiến kỹ thuật công nghệ, tăng cường hợp tác giữa các doanh nghiệp để tạo thế mạnh, giảm chi phí sản xuất bằng việc đầu tư sản xuất quy mô lớn.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp phải thực hiện nghiêm quy hoạch thép đã được phê duyệt. Tăng đầu tư vào phát triển các nhà máy sản xuất phôi thép, các mặt hàng thép tấm, lá, băng. Đẩy mạnh đổi mới công nghệ, tái cơ cấu ngành thép.
Ngoài ra, để ứng phó với nguy cơ thiếu điện trầm trọng, theo VSA, ngành điện và ngành thép đã thống nhất về chủ trương, kế hoạch và các giải pháp để bảo đảm cung cấp điện cho ngành sản xuất thép. VSA cũng cho biết, sẽ xây dựng danh sách những doanh nghiệp đủ điều kiện để được ưu tiên tiếp tục cấp điện cho sản suất. Đó là những doanh nghiệp sử dụng công nghệ tiên tiến hoặc đã cải tiến để áp dụng khoa học kỹ thuật sản xuất thép tiết kiệm, hiệu quả.
Nguồn: ĐCSVN