Trước thông tin giá điện sẽ tăng 6,8% vào đầu tháng 3 tới, các chuyên gia kinh tế cho rằng, ngành sản xuất thép và xi măng sẽ bị tác động rất lớn trong thời gian tới.
Ngành thép chi thêm 200 tỉ đồng
Trao đổi với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online sáng nay, 24-2, ông Phạm Chí Cường, Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), cho biết bình quân phải tốn khoảng 600 kWh để sản xuất được một tấn phôi thép. Nếu điện tăng giá thêm 6,8%, chi phí điện để sản xuất phôi thép sẽ tăng thêm khoảng 50.000 đồng/tấn.
“Trong năm 2010, ngành thép lên kế hoạch sản xuất khoảng 2,8 triệu tấn phôi để cung ứng cho nhu cầu sản xuất thép thành phẩm trong nước. Như vậy, việc tăng giá điện sẽ làm toàn ngành chi thêm khoảng 140 tỉ đồng. Đây là một khó khăn không nhỏ”, ông Cường phân tích.
Theo ông Cường, mặc dù ít tiêu hao điện hơn sản xuất phôi, nhưng theo tính toán sơ bộ, nếu giá điện tăng 6,8%, các nhà máy cán thép thành phẩm trên cả nước cũng sẽ chi thêm khoảng 60 tỉ đồng cho kế hoạch sản xuất khoảng 5 triệu tấn thép trong năm 2010.
VSA đang yêu cầu các doanh nghiệp sản xuất thép, phôi thép, nhất là các nhà máy sử dụng công nghệ cũ, tính toán lại chi phí sản xuất để có phương án đổi mới công nghệ, cân bằng chi phí, tránh gây tác động lớn lên giá thành sản phẩm.
Về phía doanh nghiệp, ông Đỗ Văn Thanh, Tổng giám đốc Công ty Thép Đình Vũ ở Hải Phòng, cho biết công ty đã lên kế hoạch sản xuất 220.000 tấn phôi trong năm 2010. Điện là nguồn nguyên liệu đầu vào quan trọng, chiếm khoảng 10-20% tổng chi phí sản xuất phôi, việc tăng giá điện sẽ tạo áp lực rất lớn lên hoạt động sản xuất của doanh nghiệp.
Ông Thanh nhận định nếu giá điện tăng thêm 6,8%, chắc chắn giá thành sản xuất phôi sẽ bị đội lên, và khi đó, giá bán phôi thép ra thị trường buộc phải tăng thêm khoảng 10% so với giá bán 10,2 triệu đồng/tấn như hiện nay mới mong tránh được lỗ.
Theo ông Thanh, trong điều kiện tình hình kinh tế đang còn khó khăn như hiện nay, nếu giá bán phôi thép tăng thêm sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến sức tiêu thụ trên thị trường.
Xi măng cũng điêu đứng
Mặc dù chi phí điện trong sản xuất xi măng chiếm tỷ lệ thấp hơn so với sản xuất thép nhưng các doanh nghiệp sản xuất xi măng vẫn nhận định nếu giá điện tăng, chi phí sản xuất của doanh nghiệp có công suất hàng triệu tấn mỗi năm sẽ bị đội lên với số tiền cũng không phải là ít.
Theo ông Mai Anh Tài, Giám đốc Công ty Xi măng Thăng Long tại Khu công nghiệp Hiệp Phước, huyện Nhà Bè, TPHCM, chi phí điện trong sản xuất xi măng chiếm bình quân khoảng 7%. Để sản xuất một tấn xi măng, cần khoảng 44 kWh điện.
Trong ngắn hạn, việc tăng giá điện chắc chắn sẽ làm cho các doanh nghiệp sản xuất xi măng trong nước giảm bớt lợi nhuận, ông Tài khẳng định.
Trao đổi với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Hữu Hào, cho biết vào lúc 10 giờ sáng thứ 6 tuần này (27-2), bộ sẽ tổ chức họp báo công bố thông tư hướng dẫn về mức tăng giá điện chung đã được Chính phủ phê duyệt là 6,8%. Đồng thời bộ cũng sẽ công bố mức tăng cụ thể đối với giá điện sinh hoạt, giá điện sản xuất và giá điện thương mại-dịch vụ. Ngoài ra, bộ sẽ phân tích những tác động đến các hoạt động sản xuất của các ngành kinh tế từ việc tăng giá điện. |
TBKTSG Online