Trong bối cảnh thép xuất khẩu của Việt Nam đang dính phải nhiều vụ kiện về phòng vệ thương mại, câu chuyện có hay không làm thép đã gây tranh luận gay gắt trong năm 2016.
Theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), các sản phẩm thép là mặt hàng dính kiện chống bán phá giá nhiều nhất trong những năm gần đây, khi nhiều thị trường đã tìm cách bảo hộ sản phẩm thép nội địa thông qua các biện pháp phòng vệ thương mại.
Xuất khẩu bị kiện, thép nhập “phi mã”
VSA cho biết, giai đoạn 1994 – 2014, thép là mặt hàng bị điều tra chống bán phá giá nhiều nhất, chiếm 29% tổng số vụ. Tiếp đến năm 2015, các doanh nghiệp xuất khẩu thép cũng “điêu đứng” vì bị khởi xướng điều tra bán phá giá theo đơn kiện của một số doanh nghiệp nước ngoài tại nhiều quốc gia như Indonesia, Thái Lan, Malaysia…
Trong khi đó, sản phẩm ống thép dẫn dầu của Việt Nam bị Cơ quan biên mậu Canada quyết định gia hạn thời gian đưa ra kết luận cuối cùng. Thị trường Mỹ cũng không phải là ngoại lệ, khi thép Việt Nam bị kiện bán phá giá tới 6 lần trong năm 2015.
Đặc biệt, trong năm 2016, liên tiếp các sản phẩm thép của Việt Nam tại thị trường nước ngoài bị điều tra chống bán phá giá. Sau Thái Lan, Malaysia, Mỹ, Ủy ban chống bán phá giá của Australia vừa quyết định điều tra đối với sản phẩm thép mạ hợp kim nhập khẩu Việt Nam, Ấn Độ và Malaysia.
Trước đó, tại thị trường Mỹ, một số DN Mỹ đã nộp đơn yêu cầu Bộ Thương mại Mỹ tiến hành điều tra đối với các sản phẩm tôn mạ và CRC nhập khẩu từ Việt Nam do nghi xuất xứ từ Trung Quốc và những sản phẩm này phải được áp thuế bằng với mức thuế chống bán phá giá cho các sản phẩm cùng loại của Trung Quốc.
Cục Ngoại thương thuộc Bộ Thương mại Thái Lan cũng đã có kết luận điều tra chống bán phá giá đối với các sản phẩm tôn lạnh nhập khẩu từ Việt Nam với mức thuế dự kiến từ 7,94 – 40,49%.
Điều này cho thấy, trong khi thép xuất khẩu đang ngày càng gặp khó tại thị trường nước ngoài, thì ở trong nước, nhập siêu thép đang tăng với tốc độ khủng khiếp. Theo số liệu mới nhất của Tổng cục Hải quan, sắt thép là nhóm nhập khẩu lớn thứ 3 trong cơ cấu hàng hóa nhập khẩu của Việt Nam.
Tính đến 15/12, Việt Nam đã chi hơn 7,6 tỷ USD nhập khẩu 17,65 triệu tấn sắt thép các loại, trong đó phôi thép chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ khoảng hơn 1 triệu tấn, đạt giá trị 320 triệu USD. Như vậy, bình quân mỗi tấn thép có giá khoảng 430 USD.
Ngoài ra, nhập khẩu nhóm sản phẩm từ sắt thép cũng tăng mạnh, đạt 2,8 tỷ USD. Tổng cộng nhập khẩu các nhóm mặt hàng sắt thép đã vượt 10,4 tỷ USD.
Ở chiều ngược lại, tính đến 15/12, Việt Nam xuất khẩu được 3,2 triệu tấn thép, trị giá 1,8 tỷ USD. Nhóm sản phẩm từ sắt thép cũng chỉ xuất khẩu được 1,88 tỷ USD. Tổng cộng xuất khẩu sắt thép đạt khoảng 3,7 tỷ USD. Như vậy, Việt Nam rơi vào trạng thái nhập siêu lớn trong ngành thép, với mức thâm hụt lên tới 6,7 tỷ USD.
Việt Nam đang rơi vào trạng thái nhập siêu lớn trong ngành thép
“Nóng bỏng” quy hoạch ngành
Vì vậy, cùng với việc sau khi dự án Formosa ô nhiễm môi trường, nhiều người đã đặt câu hỏi, Việt Nam có tiếp tục làm thép nữa hay không. Bằng chứng là năm vừa qua, dư luận đặc biệt quan tâm đến vấn đề quy hoạch ngành thép.
Đáng chú ý, kể từ sau khi tin tức về dự án thép Cà Ná có quy mô rất lớn được truyền đi, những tranh cãi về chuyện Việt Nam nên hay không nên làm thép đã nổ ra.
Mặc cho đại diện Bộ Công Thương liên tiếp khẳng định, Việt Nam sẽ thiếu hụt khoảng 17 triệu tấn thép vào năm 2020 và đến năm 2025, con số này có thể lên tới 22 – 25 triệu tấn; không có lý do gì để không tiếp tục phát triển các dự án thép; không đánh đổi môi trường lấy dự án. Quy chế giám sát tới đây sẽ rất chặt chẽ…
Tuy nhiên, một số chuyên gia lại phản đối quan điểm này. Họ cho rằng Việt Nam không nên tiếp tục đầu tư vào ngành thép và có thể nhập khẩu sản phẩm thép nước ngoài để phục vụ nhu cầu xây dựng trong nước với giá rẻ và chất lượng tốt hơn, như thế sẽ có lợi về kinh tế cũng như môi trường.
Ông Trần Đình Thiên – Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng chúng ta không nên theo đuổi những ngành công nghiệp “hoàng hôn”, là ngành tiêu tốn nhiều tài nguyên thiên nhiên, năng lượng và gây ô nhiễm cao.
“Ngành thép Trung Quốc đã phát triển rất mạnh trong những năm qua và giờ đang vào giai đoạn hoàng hôn. Họ đang phải bán tháo từ sản phẩm đến thiết bị, công nghệ. Nếu đầu tư lớn vào sản xuất thép, chúng ta phải cạnh tranh cực kỳ khó khăn với sự khủng hoảng thừa của Trung Quốc. Ngành này còn có yếu tố sử dụng nhiều tài nguyên như năng lượng, nước ngọt… đều là những yếu tố mà ở Việt Nam đang khan hiếm, thiếu hụt. Cần có tầm nhìn xa và thái độ dứt khoát trong định hướng đối với các loại dự án như thế này”, ông Thiên nói.
Một chuyên gia kinh tế từng cho rằng: “Câu hỏi có làm thép hay không, tôi đã nghe từ chục năm nay rồi. Tôi cho rằng Việt Nam nếu không làm thép sẽ không có công nghiệp hóa. Tuy nhiên, làm thép theo cách nào để có thể cạnh tranh và không ô nhiễm môi trường mới là vấn đề, chứ không thể chỉ đơn thuần là “bảo hộ” ngành thép”.
Trên thực tế, thép là một trong vài ngành được bảo hộ nhiều nhất và lâu nhất. Mới đây, trước sự tăng trưởng của thép nhập, 18 doanh nghiệp sản xuất thép Việt Nam đã có công văn gửi Bộ Công Thương, Bộ Tài chính “khẩn thiết” kiến nghị tiến hành xử lý kịp thời hành vi nhập khẩu ồ ạt thép cuộn thời gian qua. Ngay sau đó, Cục Quản lý cạnh tranh cho biết, sẽ xem xét để áp thuế tự vệ cứu ngành thép.
Trong dự thảo quy hoạch sản xuất thép đến năm 2025, định hướng đến năm 2035 của Bộ Công Thương mới đây cũng có nội dung là tiến hành triển khai các giải pháp phòng vệ thương mại đối với sản phẩm thép, phù hợp với quy định thương mại quốc tế, để bảo đảm sức cạnh tranh cho ngành thép trong nước.
“Sẽ xây dựng các hàng rào kỹ thuật và tiêu chuẩn chất lượng, ngăn chặn những sản phẩm không đáp ứng các tiêu chuẩn về chất lượng hoặc không phù hợp với xuất xứ hàng hóa được quy định trong các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia. Đồng thời, tiến hành triển khai các giải pháp phòng vệ thương mại đối với sản phẩm thép phù hợp với quy định thương mại quốc tế”, Bộ Công Thương cho biết.
Tuy nhiên, theo đánh giá của nhiều chuyên gia, việc bảo vệ sản xuất trong nước bằng các biện pháp phòng vệ thương mại được xem là biện pháp tạm thời. Về lâu dài, các doanh nghiệp cần nâng cao năng lực sản xuất, năng lực cạnh tranh để tự mình đứng vững. Điều quan trọng là tự bản thân ngành thép phải thay đổi, phải cải cách, đưa khoa học công nghệ vào sản xuất. Nếu cứ trông chờ biện pháp phòng vệ như vậy thì không thể tồn tại được và sẽ tạo tiền lệ xấu cho các doanh nghiệp thép Việt.
Nguồn tin: Vfpress