Chuẩn bị bước vào mùa đại hội cổ đông, công bố kết quả lợi nhuận năm trước và xây dựng, triển khai kế hoạch năm mới, nhiều doanh nghiệp (DN) cho thấy sự xuất sắc, vượt trội của mình. Trong đó, có rất nhiều DN lãi lớn, vượt chỉ tiêu, kế hoạch đề ra, nên tiếp tục xây dựng kế hoạch tăng trưởng mới.
Năm 2013 được xem là một năm khó khăn với nhiều phong ba, bão táp đối với ngành Thép, vật liệu xây dựng, do kinh tế suy thoái, bất động sản đóng băng khiến tiêu thụ thép giảm mạnh. Các DN tiếp tục đầu tư công suất sản xuất lớn khiến cung vượt cầu đồng thời phải cạnh tranh gay gắt với hàng nhập khẩu thép có chứa nguyên tố Bo trốn thuế. Tuy nhiên, vẫn có những DN thành công với sự xuất sắc, tiên phong trong ngành.
Thành công nhờ dự trữ nguyên liệu
Tập đoàn Hoa Sen (HSG) là DN thành công xuất sắc trên sàn, khi kết thúc năm, HSG đã đạt lợi nhuận sau thuế 580 tỷ đồng, vượt 45% kế hoạch. Cổ tức thực hiện tối đa 25%/mệnh giá; ủy quyền cho HĐQT quyết định tỷ lệ chi trả, hình thức chi trả, thời điểm chốt danh sách và thời điểm chi trả phù hợp.
Dự trữ nguyên liệu khôn ngoan đã đem đến 50% lợi nhuận cho HSG, khi giá nguyên liệu biến động mạnh. HSG đã tiếp tục mua nửa triệu tấn thép cán nóng từ tháng 11/2013 với giá khoảng 530 - 560 USD và đủ để sản xuất đến tháng 3/2014.
Theo ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch HĐQT HSG, năm qua, HSG đã xuất khẩu qua 40 quốc gia và vùng lãnh thổ, doanh thu xuất khẩu đạt 252 triệu USD, chiếm 45% tổng doanh thu.
Năm 2014, kế hoạch lợi nhuận sau thuế 600 tỷ đồng, dự báo giá thép cán nóng giảm. Đầu quý I/2014, tính từ 1/10/2013, HSG đã ước đạt 102,5 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, giảm hơn 20 tỷ đồng so với năm trước, tương đương mức giảm 18%.
Năm 2013 - 2014, HSG đã tăng công suất sản xuất lên 15%, dự kiến trong những năm sau sẽ tăng lên 25%. HSG đặt kế hoạch doanh thu 14.000 tỷ đồng và 600 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế hợp nhất.
Hiện rất nhiều DN thép bị lỗ, sản xuất kinh doanh khó khăn nhưng HSG vẫn đạt lợi nhuận là nhờ những quyết định táo bạo trong đầu tư dây chuyền sản xuất (hiện chi phí sản xuất ngành mạ của HSG là thấp nhất thế giới, chất lượng cao).
Ông Vũ cũng cho biết HSG sẽ đón đầu TPP để xuất khẩu thành phẩm vào Mỹ. Năm 2013 - 2014, HSG tăng cường mở rộng thị trường xuất khẩu, phấn đấu tăng tỷ trọng xuất khẩu lên 40 - 50% tổng doanh thu; thành lập thêm từ 15 - 20 chi nhánh phân phối bán lẻ; phát triển thương hiệu thân thiện với người tiêu dùng.
HSG cũng sẽ đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các dây chuyền đang triển khai thuộc giai đoạn 2 dự án Nhà máy Tôn Hoa Sen Phú Mỹ, bảo đảm các dây chuyền khi hoàn thành đi vào hoạt động an toàn, ổn định; lập dự án tiền khả thi các dự án đầu tư Nhà máy Tôn Hoa Sen miền Bắc; đầu tư ra nước ngoài tại Thái Lan, Indonesia, Myanmar.
Một DN ngành thép khác thành công trong khủng hoảng là HPG của Công ty CP Tập đoàn Hòa Phát. Sau khi quyết tâm đầu tư, đưa Khu liên hợp giai đoạn II đi vào hoạt động ổn định, vận hành lò cao II đạt mức tối đa công suất đã giúp cho Khu liên hợp II của HPG được huy động với hiệu suất bình quân khoảng 60 - 70% trong quý IV/2013, trong đó khâu cán thép đạt khoảng 40 - 50% và lò cao khoảng 80 - 90%.
Triển vọng sáng sủa
Nhờ việc đưa Khu liên hợp II vào hoạt động từ đầu tháng 10/2013, sản lượng thép của HPG đã tăng trưởng mạnh trong quý IV và đã vượt lên Pomina để trở thành DN dẫn đầu về sản lượng tiêu thụ của toàn ngành. Thị phần HPG đã tăng từ mức 14,5% tháng 9/2013 lên 14,8% trong tháng 10/2013 và lên 15% tháng 11/2013.
Công ty chứng khoán BVSC ước tính năm 2013, HPG có thể đạt được 17.709 tỷ đồng doanh thu và 1.854 tỷ đồng LNST (chưa loại trừ lợi ích của cổ đông thiểu số), tăng 5% về doanh thu và 80% về lợi nhuận so với năm 2012.
Doanh thu không tăng trưởng nhiều nhưng lợi nhuận tăng mạnh chủ yếu do biên lợi nhuận gộp năm 2013 được cải thiện, chi phí tài chính giảm mạnh, hoàn nhập dự phòng 164 tỷ phải thu khó đòi và thu được khoản doanh thu tài chính 105,9 tỷ từ bán cổ phần tại một công ty trực thuộc Tập đoàn.
Triển vọng 2014 của HPG rất sáng sủa khi doanh thu và lợi nhuận năm 2014 sẽ tăng trưởng mạnh nhờ sản lượng tiêu thụ thép tăng, cùng với việc tăng tỷ lệ hạch toán Mandarin Garden. BVSC ước tính năm 2014, HPG có thể đạt 27.450 tỷ đồng doanh thu và 2.242 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng 55% về doanh thu và 21% về lợi nhuận so với năm 2013.
Khu liên hợp giai đoạn II đi vào hoạt động đã có thể nhanh chóng đạt được hiệu suất tối đa của lò BOF sau chưa đến 3 tháng vận hành. Chứng khoán BVSC dự báo P/E 2014 của HPG hiện ở mức 8,06 lần, là mức thấp nhất nếu so sánh với các DN thép trong khu vực có mức vốn hóa trên 500 triệu USD.
Đồng thời, so sánh trong ngành Thép Việt Nam, HPG là DN dẫn đầu, có hiệu quả hoạt động tốt nhất và có giá thành cạnh tranh ngang với các DN thép lớn trong khu vực.
Dư báo, giá thép năm nay có chiều hướng giảm. Tháng cuối năm, giá bán đầu nguồn các mặt hàng thép xây dựng giảm ở cả miền Bắc và miền Nam do sức tiêu thụ hạn chế cũng như nhiều DN giảm giá (lãi suất ngân hàng giảm dẫn đến chi phí tài chính giảm, chi phí nguyên vật liệu giảm...).
Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) dự kiến doanh thu của ngành Thép trong năm 2014 sẽ tăng 2 - 3% so với năm nay, lên 4,6 triệu tấn. Khả năng tiêu thụ thép sẽ không nhiều đột biến, có thể mức tăng khoảng từ 2 - 3% so với năm 2013. Thị trường thép những tháng đầu năm dự kiến sẽ trầm lắng, nhu cầu giảm mạnh do không phải mùa xây dựng, giá thép sẽ giảm nhẹ.
Nguồn tin: Cafef