Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Ngành vật liệu xây dựng: Khó cạnh tranh trên "sân nhà"

Trước những khó khăn chưa từng thấy của nền kinh tế vĩ mô như hiên nay đã kéo theo nhiều doanh nghiệp rơi vào tình cảnh nợ nần chồng chất, một số doanh nghiệp không trụ nổi dẫn đến phá sản. Ngành sản xuất vật liệu xây dựng (VLXD) cũng đang ở vào thời điểm đặc biệt khó khăn. Lượng hàng tồn kho ngày một lớn, trong khi chi phí cho sản xuất tăng mạnh do các nhiên liệu đầu vào: điện, than, xăng dầu… tăng giá mạnh.

 

Ngành VLXD đang ở vào thời điểm đặc biệt khó khăn.

Nhiều DN ngành VLXD cho rằng, nếu tình trạng này kéo dài, khả năng cạnh tranh với hàng nhập khẩu ngay trên “sân nhà” đã khó chứ đừng mong thu lời từ xuất khẩu.

Chi phí tăng cao

Điểm khó khăn lớn nhất hiện nay của các DN ngành VLXD chính là phải vay vốn với lãi suất quá cao. Bên cạnh đó các nguồn nhiên liệu đầu vào như: than, điện, xăng dầu… cũng đồng loạt tăng giá mạnh… khiến DN càng khó bề xoay sở.

Theo tính toán của Hiệp hội Xi măng Việt Nam, giá than tăng 10% đội giá clinker tăng 25 - 30 nghìn đồng/tấn, giá dầu tăng thêm 2.100 đ/lít đã khiến mỗi tấn clinker gánh thêm 10 - 15 nghìn đồng. Nếu thông tin ngành điện chuẩn bị tăng giá thêm 10% là chính xác, thì chi phí thêm mỗi tấn xi măng ước chừng tăng 10 - 15 nghìn đ/tấn clinker. Như vậy, khi cả 3 nguyên liệu đầu vào là than, dầu, điện cùng tăng thì mỗi tấn clinker phải gánh thêm chi phí 60 - 70 nghìn đ/tấn. Bên cạnh đó, áp lực lãi vay cũng tạo thêm gánh nặng cho ngành xi măng, bởi trước khi ngân hàng công bố giảm lãi suất từ ngày 13/3 thì hầu hết các nhà máy xi măng vẫn phải vay với mức lãi suất 17 - 18%/năm. Tính ra chi phí tài chính + chi phí khấu hao lên tới 70 - 100 nghìn đ/tấn…

Bên cạnh đó, phí vận chuyển cũng tăng lên do tác động của giá xăng dầu tăng đột biến tới 2100 đồng/lít hồi đầu tháng 3 này. Theo tính toán thông thường, trong kết cấu giá thành vận chuyển thì xăng dầu chiếm tỷ lệ 50%. Chỉ riêng giá vận chuyển tăng, theo các DN sản xuất gạch ốp lát ceramic, mỗi mét vuông thành phẩm, giá thành tăng gần 1 nghìn đồng, như vậy với công suất 500 triệu m2/tháng, mỗi DN có quy mô sản xuất trung bình phải chi phí vận chuyển thêm so với trước khoảng 500 triệu đ/tháng…  Các doanh nghiệp xi măng, sắt thép… cũng phải tính thêm một khoản chi phí khổng lồ cho khâu vận chuyển.

Trước áp lực tăng giá nguyên, nhiên liệu đầu vào, ngành xi măng đã có đề xuất tăng giá bán để bù lỗ. Việc tăng giá xi măng vẫn đang trong vòng tính toán. Tuy nhiên, có một thực tế mà ai cũng nhận ra, đó là trong bối cảnh mà lượng hàng tồn đọng đang ngày một lớn như hiện nay, thì ngoài ngành xi măng, các ngành khác như thép, gạch ốp lát, ngói.… liệu có thể tăng giá bán hay không? Thực tế, nhiều DN sản xuất gạch ốp lát, thép… đã phải chấp nhận “bán đổ bán tháo”, bán dưới giá thành sản xuất để tiêu thụ hàng, thu hồi vốn. Đặc biệt, trong bối cảnh phải cạnh tranh với các dòng sản phẩm gạch ốp lát, thép… từ các nước lân cận tràn sang ngày một nhiều, nhiều DN Việt Nam chấp nhận “hy sinh” để giữ sân nhà, chiếm thị phần… thì giải pháp tăng giá xem ra là vô vọng.

Tồn kho quá lớn


Không phải đến bây giờ, tình trạng ứ đọng, tồn kho sản phẩm vật liệu xây dựng mới được dóng lên. Thực tế, ngay từ giữa năm 2011, con số tồn kho của một số mặt hàng như: thép, xi măng, gạch ốp lát… đã khá báo động. Ai cũng biết, đó là hệ quả của việc thắt chặt cho vay bất động sản, khiến nhiều dự án “nằm im”... Tình hình tưởng như sẽ khả quan hơn, khi ngân hàng có tín hiệu “hé cửa” cho vay đối với 4 nhóm bất động sản đặc thù. Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, ánh sáng cho ngành bất động sản nói chung và kéo theo đó là ngành sản xuất VLXD vẫn hết sức mịt mù.

Báo cáo của Tổng cục Thống kê cho thấy, chỉ số tồn kho của toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đầu năm 2012 tăng trên 21% so với cùng kỳ 2011. Trong đó, một số ngành có chỉ số tồn kho tăng cao kỷ lục như sản xuất cáp điện và dây điện (có bọc cách điện) tăng 88%; xi măng 84,4%; bột giấy, giấy và bìa tăng 82,6%; giường, tủ, bàn ghế tăng 77,8%;… Con số chi tiết cho thấy, xi măng hiện có lượng hàng tồn kho vào khoảng 3,5 triệu tấn; gạch ốp lát tồn kho trên 30 triệu m2, trị giá khoảng 2.000 tỷ đồng…

Riêng ngành thép, theo báo cáo của Hiệp hội thép Việt Nam (VSA), lượng thép thành phẩm tồn kho đang ở mức cao, với gần 400 nghìn tấn, lượng phôi tồn kho trên 500 nghìn tấn… Thực tế, trong tháng 2 sản lượng thép tiêu thụ chỉ đạt 360 nghìn tấn, tăng khoảng 130 nghìn tấn so với tháng 1, nhưng giảm gần 60% so với cùng kỳ năm ngoái. VSA dự báo, năm 2012 lượng tiêu thụ thép cả nước sẽ chỉ tăng trưởng ở mức 4%, khoảng 9,8 triệu tấn. Trước mắt, Công ty Thép Việt đã phải cắt giảm 50% công suất, Công ty Thép Vạn Lợi, tuyên bố ngừng sản xuất… Nhiều công ty khác chỉ hoạt động khoảng 30%-40% công suất, trong khi lượng hàng tồn kho khá lớn.

Lượng hàng tồn kho của ngành xi măng đến thời điểm này cũng đã lên tới 3,5 triệu tấn. Con số này được dự báo sẽ còn tăng lên trong thời gian tới khi nguồn cung trong nước vẫn dồi dào, trong khi nhiều công trình xây dựng vẫn tiếp tục cắt giảm. Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp xi măng sẽ còn gặp khó khăn hơn nữa khi mà hiện nay, việc cạnh tranh với các sản phẩm xi măng chất lượng thấp, giá rẻ, loại xi măng có tỷ lệ thành phần clinker thấp hơn những chủng loại xi măng đang có trên thị trường như PC30, PC40, PC50 của một vài đơn vị đã đưa ra thị trường trong năm qua…

Đại diện các doanh nghiệp, các Hiệp hội như: Thép, Xi măng… đều cho rằng, không phải do sản xuất tăng lên, mà do sức tiêu thụ giảm mạnh nên khiến lượng hàng tồn kho tăng lớn.

Ông Trịnh Văn Minh, Chủ tịch HĐQT Công ty Xi măng Hạ Long cho biết, từ giữa năm 2011 đến nay, DN đã cắt giảm bớt công suất vì hàng tồn đọng ngày càng nhiều. Trong khi đó, lãi suất vay ngân hàng thì cao tới 20%/năm. “Tính toán thế nào vẫn thấy, càng sản xuất nhiều, càng lỗ. Nhưng không sản xuất thì máy móc hư hỏng, còn lỗ nhiều hơn” – ông nói.

Trước những khó khăn dồn dập mà ngành VLXD đang phải đối mặt, nhiều DN kiến nghị, cùng với các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho ngành bất động sản nói chung và các DN sản xuất VLXD nói riêng, Chính phủ cần có các biện pháp mạnh tay hơn nữa, nhằm hạn chế nhập khẩu các mặt hàng như: thép, gạch ốp lát… để tăng khả năng tiêu thụ sản phẩm nội địa.

Nguồn tin: Tamnhin

ĐỌC THÊM