Dự thảo lần 3 quy định về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện của Bộ Công Thương áp dụng đối với 2 ngành thép và ximăng cao hơn so với các ngành sản xuất khác, đã tăng thêm khó khăn trong khi bất động sản đang đóng băng, sản phẩm không có đầu ra, nhiều DN chỉ SX cầm chừng. Đó là những vấn đề “nóng” tại buổi toạ đàm “Để ngành thép, ximăng phát triển bền vững” tại Hà Nội ngày 24.7.
Theo Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép VN Nguyễn Tiến Nghi, ngành thép đang phát triển tương đối tốt, từ chỗ sản lượng thép xây dựng dưới 1 triệu tấn/năm, đến nay công suất thép xây dựng là trên 10 triệu tấn/năm. Từ 2005 đến nay, ngành đã không ngừng đầu tư công nghệ thiết bị hiện đại. Thậm chí, nhiều DN đã đầu tư dây chuyền hiện tại của G7. Do vậy, lượng tiêu thụ điện của thép là 450kWh/tấn sản phẩm, đây là mức tiêu hao năng lượng tiên tiến của các nước Đông Nam Á. Điều này đã dẫn đến tiêu thụ sản phẩm tốt hơn, năm 2013 xuất khẩu thép tăng đáng kể.
Tuy nhiên, dự thảo lần 3 xác định giá điện cho ngành thép và ximăng của Bộ Công Thương cao hơn các ngành khác từ 2-16% cho từng loại sản phẩm. Đây là đánh giá không công bằng. Hơn nữa, đây là giai đoạn khó khăn của ngành thép, nên nếu áp dụng ở thời điểm này thì đã đi ngược Nghị quyết 02 của Chính phủ.
Cùng quan điểm với ông Nghi, Chủ tịch Hiệp hội Ximăng Nguyễn Văn Thiện cũng cho rằng, trong cơ cấu giá của ngành ximăng nhiên liệu và năng lượng chiếm 45-50%. Trong khi đó, các nước trong khu vực tầm 30-35%, nhưng giá ximăng của VN so với các nước khu vực là thấp nhất, đây là khó khăn với ngành ximăng, dẫn đến lợi nhuận rất thấp và nhiều DN đang bị lỗ. Do vậy, chỉ có giảm giá điện thì ngành ximăng mới phát triển được.
Phó TGĐ Cty thép Việt - Úc Lại Quang Trung cho rằng, theo như dự thảo “Quy định về cơ cấu biểu giá bán điện” thì là phân biệt đối xử với ngành thép và ximăng. Mục tiêu của ngành điện khi tăng giá điện để tăng nguồn thu, tái đầu tư và tăng thu ngân sách nhà nước. Đây cũng là thông điệp để người sử dụng điện tiết kiệm hơn. Chúng tôi mong ước được như ngành điện, có sản phẩm đưa ra mà không có sự cạnh tranh, ai cũng phải mua để dùng. Tuy nhiên, ngành điện nên tự thử hỏi rằng, để đạt được mục tiêu tăng giá điện thì các ngành khác và cả nền kinh tế sẽ phải trả giá như thế nào? Nguồn thu tăng lên được bao nhiêu, có tác dụng tốt với nền kinh tế hay không? Nếu ngành thép và ximăng bị suy giảm do tăng giá điện thì cũng sẽ ảnh hưởng tới nền kinh tế.
Trái với các ý kiến trên, ông Trần Viết Ngãi - Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng - cho rằng tổng sản lượng điện sử dụng trong ngành công nghiệp của VN chiếm 70% thì trong đó ngành thép và ximăng không chỉ chiếm 11-12%, mà chắc chắn chiếm tỉ lệ cao hơn.
Nên thông cảm với ngành điện (!)
Theo báo cáo của EVN, năm 2011 tiêu thụ điện của 2 ngành sắt thép và ximăng là 5,7 tỉ kWh (trong đó thép chiếm 6,1% sản lượng). Năm 2012 là 5,6 tỉ kWh, 6 tháng đầu năm 2013 lần lượt tiêu thụ 2,6 tỉ kWh (chiếm 4,8%).
Tổng tiêu thụ lượng điện trong 2010 là 12%, năm 2011 là 11,6%, năm 2012 là 11,4%. Dự báo năm 2013 giảm xuống khoảng 10%. Chi phí giá thành điện năng trong giá thành sản phẩm thép thì sản xuất phôi thép từ thép phế sử dụng lò điện hồ quang là 550-600kWh/tấn, chi phí điện năng chiếm khoảng 5-6% chi phí giá thành. Một số dự án lớn cũng sử dụng lò điện hồ quang, giá thành sẽ dưới 5%. Với thép cán nguội, thép cán ống chi phí điện năng chỉ chiếm 0,6-1,8%. Giá điện đối với các sản phẩm trong cán thép chiếm tỉ lệ rất nhỏ, vì thế nói quy định ngành sản xuất thép sử dụng điện giá rẻ là chưa đúng.
Theo Bộ Công Thương, con số tiêu hao điện năng mà ngành thép và ximăng đưa ra là chiếm 0,6-1% là chưa chính xác. Trong tổng số 70% điện năng bán ra thị trường trong ngành công nghiệp, trong đó thép và ximăng chiếm tỉ lệ lớn. Hiện nay, giá điện bình quân là 1.600 đồng/kWh, dự kiến đến năm 2020, sẽ nâng toàn bộ công suất điện lên thì cần có 80 triệu tấn than. Trong khi đó, nguồn tài nguyên này ngày càng cạn kiệt, năm 2012 sản lượng khai thác 40 triệu tấn, dự kiến năm 2012 chỉ được 30 triệu tấn, có nghĩa là trong thời gian ngắn VN sẽ phải nhập khẩu than. Nếu như vậy trong tương lai, giá điện sẽ tăng từ 6.200 đồng/kWh lên tới 8.000- 9.000 đồng/kWh. Nếu không đủ công nghệ, trang thiết bị sẽ đón nhận hậu quả rất kinh khủng. Giá điện cỡ 6.200 đồng/kWh hiện nay là quá rẻ. Ngành điện đang lỗ rất lớn, không đủ tiền để trả cho các ngành khác, 6 tháng đầu năm, điện, than, khí nợ gần 10.000 tỉ đồng.
Phó Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng (Bộ Công Thương) Bùi Quang Chuyện cho rằng: Lỗ của ngành điện nếu không được các ngành chia sẻ sẽ rất khó khăn. Nếu cứ mỗi lần tăng 1-5% giá bán điện thì không thấm vào đâu. Ngành thép và ximăng, cơ bản đã đủ thép cho ngành kinh tế, cho xây dựng và các ngành khác, nhưng đó là sự phát triển ồ ạt của những năm trước đây. Rất nhiều đơn vị thép nhỏ lẻ công suất rất lớn, đa số nhập công nghệ Đài Loan đã cũ, tiêu hao điện năng rất lớn. Hai ngành ximăng, thép cần có cái nhìn xa hơn, cần có quy hoạch đồng bộ mang tính vừa phát triển, vừa cân đối cung-cầu.
Nguồn tin: Laodong