Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Ngày 01/03: Kinh tế, tài chính thế giới 24h qua

IPO toàn cầu tăng kỷ lục vào đầu năm 2011; Hiệp hội Kinh tế Kinh doanh Quốc gia Mỹ (NABE) nâng dự báo GDP, lạm phát và thâm hụt ngân sách của Mỹ; sàn chứng khoán Ai Cập sẽ giao dịch trở lại vào ngày 01/03; Moody’s có thể nâng bậc tín nhiệm nội tệ của Ấn Độ, kinh tế Ấn Độ giảm tốc trong quý 4/2010;… là các thông tin đáng chú ý trong ngày cuối cùng của tháng 02/2011.

 

 

IPO toàn cầu tăng kỷ lục vào đầu năm 2011

Số liệu của Thomson Reuters cho thấy, từ đầu năm 2011 đến nay, hoạt động niêm yết trên toàn cầu đã tăng lên mức cao kỷ lục với việc các doanh nghiệp huy động được tổng cộng 24 tỷ USD nhờ sự khởi sắc của thị trường chứng khoán và nhu cầu đầu tư ngày càng cao. Ông Chris Whitman, Giám đốc bộ phận thị trường vốn cổ phần toàn cầu của Deutsche Bank nhận định: “Nếu thị trường vốn tiếp tục ổn định và khởi sắc, hoạt động IPO sẽ tiếp tục gia tăng mạnh. Rất có khả năng, số vụ IPO trong năm 2011 sẽ tăng hơn đáng kể so với năm 2010”.

Mỹ: NABE tăng ước tính thâm hụt ngân sách, tăng trưởng GDP và lạm phát

Theo kết quả khảo sát được công bố ngày 28/02, Hiệp hội Kinh tế Kinh doanh Quốc gia Mỹ (NABE) cho biết mối đe dọa lớn nhất mà nền kinh tế Mỹ đang đối mặt là thâm hụt ngân sách. NABE tăng ước tính thâm hụt ngân sách liên bang năm 2011 lên 1.4 ngàn tỷ USD từ mức 1.1 ngàn tỷ USD trong cuộc thăm dò hồi tháng 11/2010. Theo NABE, tăng trưởng GDP 2011 có thể đạt 3.3%, cao hơn so với mức ước tính lần trước là 2.6%. NABE dự báo lạm phát cơ bản (trừ giá năng lượng và thực phẩm) sẽ tăng từ mức 0.8% trong quý 4/2010 lên 1.2% trong năm nay.

Thu nhập cá nhân tháng 01 tăng 1%, mức tăng mạnh nhất trong 18 tháng do việc cắt giảm 2% thuế thu nhập.

Chỉ số sản xuất tháng 02 của bang Chicago tăng từ 68.8 điểm lên 71.2 điểm, mức cao nhất trong 22 năm qua, ngược với dự báo giảm nhẹ của các nhà kinh tế.

Hiệp hội các nhà bất động sản Mỹ (NAHB) thông báo chỉ số về doanh số nhà chờ bán tháng 01 giảm 2.8% xuống 88.9 điểm. 

Châu Âu: EU xem xét giảm lãi suất cho Ireland

Sàn chứng khoán Ai Cập sẽ mở cửa giao dịch trở lại vào ngày 01/03 với dự báo sụt giảm mạnh sau hơn một tháng đóng cửa do cuộc khủng hoảng chính trị tại nước này. Trước đó, sàn chứng khoán Ai Cập đã giới thiệu các biện pháp nhằm ngăn chặn đà bán tháo khi nhận thấy nhà đầu tư có thể rời bỏ thị trường trước những rủi ro và bất ổn về tương lai của quốc gia này.

Ông Olli Rehn, Chủ tịch Ủy ban Kinh tế và Tiền tệ châu Âu, liên minh châu Âu (EU) sẽ thảo luận về các biện phát cắt giảm lãi suất đối với các khoản vay trong gói giải cứu dành cho Ireland. Vào tháng 11 năm ngoái, EU đã phê chuẩn gói giải cứu 85 tỷ EUR (tương đương 113 tỷ USD) với lãi suất 5.8% cho Ireland nhằm giúp quốc gia này giải quyết khủng hoảng nợ. Một số nhà kinh tế cho rằng mức lãi suất trên là quá cao.

Châu Á: Kinh tế Ấn Độ giảm tốc trong quý 4/2010

Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) quý 4/2010 của Ấn Độ tăng trưởng chậm lại còn 8.2% so với cùng kỳ năm ngoái do sự chững lại của lĩnh vực sản xuất trước làn sóng nâng lãi suất nhằm kiểm soát lạm phát của ngân hàng trung ương nước này. Tốc độ tăng trưởng trên thấp hơn so với dự báo 8.6% của các nhà kinh tế tham gia cuộc khảo sát của Reuters và mức mở rộng 8.9% trong quý 3/2010.

Moody’s cho biết có thể nâng bậc xếp hạng tín nhiệm nội tệ của Ấn Độ nếu Chính phủ nước này có thể hoàn thành được mục tiêu cắt giảm thâm hụt ngân sách trong ngắn hạn. Được biết, hiện xếp hạng tín nhiệm nội tệ của Ấn Độ đứng ở mức Ba1, thấp hơn một bậc so với xếp hạng ngoại tệ Baa3. Bộ trưởng Tài chính Pranab Mukherjee dự báo thâm hụt ngân sách trong năm tài khóa bắt đầu ngày 01/04/2011 ở mức 4.8%, thấp hơn mức 5.1% trong năm tài chính hiện tại.

 

 

 

Sản lượng công nghiệp tháng 01 của Nhật Bản 2.4% so với tháng trước, đánh dấu tháng gia tăng thứ 3 liên tiếp nhưng thấp hơn so với dự báo 3.8% của các nhà kinh tế trong cuộc thăm dò của Nikkei và Dow Jones Newswires, và ước tính 4% của các nhà kinh tế trong cuộc thăm dò của Reuters. Các nhà sản xuất tham gia cuộc khảo sát của Bộ Kinh tế và Công thương Nhật Bản dự báo sản lượng công nghiệp tháng 02 tăng 0.1% so với tháng trước và sẽ tiếp tục tăng 1.9% trong tháng 03.

Báo cáo nghiên cứu của Công ty tư vấn Surbiton Associates trụ sở tại Melbourne cho biết Australia tiếp tục giữ vững vị trí là nước sản xuất vàng lớn thứ hai thế giới trong năm 2010 với sản lượng vàng tăng 17% lên 266 tấn, mức cao nhất kể từ năm 2003. Trung Quốc vẫn là nước sản xuất vàng lớn nhất thế giới với sản lượng năm 2010 đạt 341 tấn, Mỹ đứng ở vị trí thứ 3 với 240 tấn.

Vòng quanh các thị trường

Diễn biến của các chỉ số chứng khoán chính trên thế giới ngày 28/02:

 

Nguồn: VietstockFinance

 

Lợi tức trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm giảm từ 3.59% xuống 3.43%.

Trên thị trường Mỹ, đồng USD giảm so với đồng EUR, bảng Anh và đồng JPY.

Giá vàng giao tháng 4 trên sàn COMEX tại New York cộng 60 cent lên 1,409.90 USD/oz. Tính cả tháng, giá vàng tăng 5.65%, mức tăng mạnh nhất kể từ tháng 04/2010, khi đó giá vàng tăng 5.94%/tháng.

Giá dầu thô ngọt nhẹ giao tháng 4 trên sàn NYMEX giảm 91 cent xuống 96.97 USD/thùng. Có thời điểm trong phiên, giá dầu lên tới 99.96 USD/thùng. Tính cả tháng, dầu thô tương lai tại Mỹ tăng 5%, mức tăng mạnh nhất kể từ tháng 12/2010.

 

Sơ lược các chỉ báo kinh tế công bố ngày 01/03:

Nhật Bản

- 06h30: Tỷ lệ thất nghiệp

Australia

- 07h30: Doanh số bán lẻ

- 07h30: Tài khoản vãng lai quý 4/2010

- 10h30: Ngân hàng Trung ương Australia (RBA) công bố lãi suất

Thụy Sỹ

- 13h45: GDP quý 4/2010

Anh

- 14h00: Chỉ số giá nhà ở

- 16h30: PMI sản xuất

- 16h30: Tín dụng tiêu dùng

Đức

- 15h53: PMI sản xuất

- 16h00: Tỷ lệ thất nghiệp

Eurozone

- 15h58: PMI sản xuất

- 17h00: Kỳ vọng lạm phát

- 17h00: Tỷ lệ thất nghiệp

Mỹ

- 22h00: PMI sản xuất

- 22h00: Chủ tịch FED phát biểu

 

 

Nguồn: Vietstock

ĐỌC THÊM