Nguồn: Vietstock
Trong ngày cuối cùng của quý 1, các thị trường tài chính thế giới đón nhận khá nhiều thông tin quan trọng. Điển hình, IMF hạ dự báo tăng trưởng GDP 2011 của Mỹ và Nhật Bản, một quan chức FED cho biết FED sẽ nâng lãi suất vào cuối năm nay, lạm phát châu Âu tăng tốc và vượt trần 4 tháng liên tiếp, thâm hụt ngân sách của Bồ Đào Nha vượt trần của EU, Moody’s không loại trừ khả năng tiếp tục hạ bậc tín nhiệm của các quốc gia Eurozone.
IMF hạ dự báo tăng trưởng GDP 2011 của Mỹ và Nhật Bản
Hãng thông tấn ANSA của Ý cho hay Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cắt giảm ước tính tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) năm 2011 của Nhật Bản từ 1.6% xuống 1.4% sau trận động đất kinh hoàng vào đầu tháng này và của Mỹ từ 3% xuống 2.8%. Tuy nhiên, ANSA cho biết IMF lại nâng dự báo GDP 2012 của Nhật Bản từ 1.8% lên 2.1% và của Mỹ từ 2.8% lên 3%. Bên cạnh đó, IMF duy trì dự báo tăng trưởng toàn cầu năm 2011 ở mức 4.4% và không đưa ra dự báo nào cho năm 2012.
Mỹ: Quan chức FED đầu tiên lên tiếng về việc nâng lãi suất
Trả lời phóng vấn trên tờ Wall Street Journal, Chủ tịch Ngân hàng Dự trữ bang Minneapolis, Narayana Kocherlakota, cho biết Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) có thể nâng lãi suất vào cuối năm nay. Ông Kocherlakota là quan chức FED đầu tiên công khai cho rằng lãi suất có thể gia tăng. Theo ông, nếu lạm phát cơ bản tăng 0.5% trong năm 2011, thì lãi suất có thể tăng ít nhất 0.5%.
Chỉ số quản lý sức mua (PMI) tháng 3 của bang Chicago giảm xuống 70.6 từ mức 71.2 trong tháng 2, nhưng vẫn còn khả quan hơn dự báo giảm xuống 68.9 của các nhà kinh tế.
Số đơn đặt hàng mới tại các nhà máy giảm 0.1% trong tháng 2, ngược với dự báo tăng 0.5% của các nhà kinh tế.
Châu Âu: Lạm phát tăng tốc và vượt trần 4 tháng liên tiếp
Theo Cơ quan Thống kê châu Âu, lạm phát tại 17 quốc gia Eurozone tăng tốc lên 2.6% từ mức 2.4% trong tháng 2, trái với dự báo đứng yên ở mức 2.4% của các nhà kinh tế. Đây là tốc độ gia tăng nhanh nhất kể từ tháng 10/2008 và vượt mức trần 2% của ECB tháng thứ 4 liên tiếp. Các nhà phân tích cho rằng số liệu trên có thể khiến ECB nâng lãi suất thêm 0.25% lên 1.25% tại cuộc họp vào ngày 07/04 tới.
Moody’s cho biết sẽ không loại trừ khả năng hạ bậc tín nhiệm của một số quốc gia Eurozone trong thời gian tới vì các biện pháp mới được EU công bố trong tuần trước không đủ để giải quyết cuộc khủng hoảng nợ.
Kết quả đợt thanh tra ngân hàng Ireland (stress test) cho thấy các ngân hàng nước này cần thêm 24 tỷ EUR để vượt qua cuộc khủng hoảng tài chính. Được biết, đợt thanh tra này do một nhóm chuyên gia độc lập và Ngân hàng Trung ương Ireland thực hiện trên 4 ngân hàng Allied Irish Banks, Bank of Ireland, Educational Building Society (EBS) và Irish Life & Permanent. Theo đó, Allied Irish Banks cần 13.5 tỷ EUR, Bank of Ireland 5.2 tỷ EUR, EBS 1.5 tỷ EUR và Irish Life 4 tỷ EUR. Được biết, tổng số tiền mà Ireland đã đổ vào hệ thống ngân hàng nước này kể từ cuộc khủng hoảng tài chính là gần 70 tỷ EUR.
Chính phủ Bồ Đào Nha vừa thừa nhận đã không đáp ứng được mục tiêu thâm hụt ngân sách năm 2010. Theo đó, thâm hụt ngân sách 2010 của nước này chiếm 8.6% GDP, vượt mức trần 7.3% của Liên minh châu Âu (EU) do sự thua lỗ của các công ty vận tải quốc doanh và một ngân hàng. Theo dự kiến, vào ngày 05/06, nước này sẽ tổ chức cuộc bầu cử mới sau khi Thủ tướng Jose Socrates từ chức trong tuần trước.
Châu Á: Nhật Bản có thể chi 120 tỷ USD cho hoạt động tái thiết
Chính phủ Nhật Bản có thể chi hơn 10 ngàn tỷ JPY (tương đương 120 tỷ USD) cho gói ngân sách khẩn cấp để trang trải cho chi phí cứu hộ và tái thiết đất nước sau thảm họa động đất và sóng thần của nước này. Một phần của gói ngân sách sẽ đến từ các khoản thuế mới.
Cơ quan Quản lý Ngoại hối Trung Quốc cho biết nợ bên ngoài tính đến cuối năm 2010 của Trung Quốc là 548.938 tỷ USD. Trong đó, nợ ngắn hạn là 375.7 tỷ USD, tương đương 13.2% dự trữ ngoại hối của nước này.
Vòng quanh các thị trường
Diễn biến của các chỉ số chứng khoán chính trên thế giới ngày 31/03:
Nguồn: VietstockFinance |
Lợi tức trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm giảm từ 3.45% xuống 3.43%.
Trên thị trường Mỹ, đồng USD giảm so với đồng EUR và đồng JPY nhưng ít thay đổi so với bảng Anh.
Giá vàng giao tháng 6 trên sàn COMEX tại New York tăng 15 USD/oz (1.1%) lên 1,439.90 USD/oz, vượt mức đóng cửa cao kỷ lục hôm 23/03 là 1,438 USD/oz.
Giá dầu thô ngọt nhẹ giao tháng 5 trên sàn NYMEX tăng mạnh 2.44 USD/thùng (2.4%) lên 106.72 USD/thùng sau khi lên tới 106.83 USD/thùng vào đầu phiên.
Sơ lược các chỉ báo kinh tế công bố ngày 01/04: Nhật Bản - 06h50: Chỉ số niềm tin của các nhà sản xuất - 06h50: Chi phí vốn (trừ lĩnh vực tài chính) Đức - 14h53: Chỉ số PMI sản xuất Eurozone - 14h58: Chỉ số PMI sản xuất - 16h00: Tỷ lệ thất nghiệp Anh - 14h58: Chỉ số PMI sản xuất Mỹ - 19h30: Số việc làm trong lĩnh vực dịch vụ - 19h30: Tỷ lệ thất nghiệp - 21h00: Chi tiêu xây dựng - 21h00: Chỉ số ISM sản xuất |