Kinh tế Ấn Độ tăng trưởng nhanh thứ hai thế giới sau Trung Quốc, số ngân hàng “có vấn đề” tại Mỹ lên tới con số 829, đồng Nhân dân tệ có tháng giảm giá mạnh nhất kể từ tháng 7/2005, thị trường chứng khoán Nhật Bản giảm mạnh gần 4%… là các sự kiện đáng chú ý trong 24h qua.
Kinh tế châu Mỹ
Theo biên bản cuộc họp chính sách ngày 10/08 của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED), các quan chức FED cho rằng nền kinh tế cần thêm các biện pháp kích thích ngoài chương trình mua trái phiếu Chính phủ như thông báo lúc đó. Một số quan chức thừa nhận rằng nền kinh tế kém khởi sắc hơn so với dự báo.
Theo Cơ quan Bảo Hiểm Tiền gửi Liên bang (FDIC), số ngân hàng có vấn đề trong quý 2 tăng lên con số 829 từ mức 775 trong quý 1. Lợi nhuận cùng quý của các cơ quan bảo hiểm tăng từ 18 tỷ USD lến 21.6 tỷ USD, mức cao nhất trong gần 3 năm qua. Theo dự báo của FDIC, số ngân hàng phá sản trong năm nay sẽ vượt mức 140 của năm 2009. Được biết, từ đầu năm đến nay có 118 tổ chức tài chính tại Mỹ đóng cửa.
Chỉ số giá nhà ở Case-Shiller tại 20 thành phố lớn của Mỹ tăng 1% trong tháng 6 và 4.2% trong vòng một năm qua. Đây là tháng thứ ba giá nhà gia tăng sau 6 tháng sụt giảm liên tiếp trước đó. Trong quý 2, giá nhà tăng 4.4% sau khi sụt giảm 2.8% trong quý 1.
Chỉ số sản xuất tháng 8 của bang Chicago giảm xuống 56.7 điểm từ mức 62.3 điểm trong tháng 7, khớp với dự báo của các nhà kinh tế. Trong khi đó, niềm tin tiêu dùng tháng 8 của Conference Board tăng từ 51 điểm lên 53.5 điểm, khả quan hơn dự báo tăng lên 50 điểm của các nhà kinh tế.
Chỉ số đo lường trạng thái biến động Wall Street, VIX, tăng với tốc độ mạnh nhất kể từ năm 2001 trong tháng 8 do đà sụt giảm của thị trường chứng khoán trước lo sợ rằng nền kinh tế sẽ rơi trở lại vào suy thoái kép. Cụ thể, VIX tăng 10.9% trong tháng qua, đánh dấu tháng 8 tốt nhất của chỉ số này trong gần một thập kỷ.
GDP quý 2 Canada tăng trưởng chậm 0.5%, giảm đáng kể so với mức 1.4% trong quý 1. So với cùng kỳ năm ngoái, GDP quý 2 tăng 2%, cũng thấp hơn rất nhiều so với tốc độ mở rộng 5.8% trong quý trước. Nguyên nhân cho đà suy giảm trong quý vừa qua là sự tăng trưởng ảm đạm của lĩnh vực chi tiêu tiêu dùng.
Kinh tế châu Âu
Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat), chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8 của 16 quốc gia Eurozone tăng 1.6% so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn dự báo 1.5% của các nhà kinh tế nhưng thấp hơn mức gia tăng trong tháng 7 là 1.7%. Tuy nhiên, con số này vẫn còn thấp hơn mục tiêu dưới 2% của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB).
Trong khi đó, tỷ lệ thất nghiệp tháng 7 đứng yên ở mức 10% của tháng 6 và khớp với dự đoán của các nhà kinh tế. Theo ước tính của Eurostat, khu vực Eurozone có thêm 15.83 triệu việc làm trong tháng 7, giảm 8,000 việc làm so với tháng trước đó.
Theo Cơ quan Lao động Liên bang Đức (FLO), số người thất nghiệp trong tháng 8 giảm 17,000 người xuống mức 3.193 triệu người; tỷ lệ thất nghiệp tháng 8 đứng yên ở mức 7.6%.
Kinh tế châu Á
Bộ Thương mại Nhật Bản thông báo sản lượng công nghiệp tháng 7 tăng 0.3% sau khi giảm mạnh 1.1% trong tháng 6 và đi ngược với dự báo giảm 0.2% của các nhà kinh tế. Doanh số bán lẻ tháng 7 cũng tăng từ mức 3.2% (trong tháng 6) lên 3.9%, cao hơn mức dự báo tăng 3.5% của các nhà kinh tế, đánh dấu tháng cải thiện thứ hai liên tiếp.
Đồng Nhân dân tệ giảm giá so với đồng USD trong phiên giao dịch ngày thứ Ba, khép lại tháng giảm giá mạnh nhất kể từ tháng 7/2005 sau khi Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) bất ngờ thiết lập tỷ giá liên bình quân ngân hàng thấp. Động thái này là dấu hiệu cho thấy quyết tâm của chính quyền Bắc Kinh trong việc ngăn chặn đà tăng giá của đồng nội tệ khi chấm dứt neo giá theo đồng USD vào giữa tháng 6.
GDP quý 2 của Ấn Độ tăng trưởng 8.8%, tốc độ mạnh nhất gần 3 năm qua nhờ sự mở rộng của lĩnh vực sản xuất công nghiệp và sản lượng nông nghiệp. Kết quả trên cao hơn so với dự báo 8.7% của các nhà kinh tế và mức tăng trưởng 8.6% trong quý 1. So với cùng kỳ năm ngoái, GDP quý 2 tăng 6%. Dù chỉ là nền kinh tế lớn thứ 11 trên thế giới nhưng Ấn Độ lại có tốc độ tăng trưởng nhanh thứ hai chỉ sau Trung Quốc. Ngân hàng trung ương nước này dự báo, GDP năm tài khóa 2010 (kết thúc ngày 31/03/2011) tăng trưởng 8.5% sau khi mở rộng 7.4% trong năm trước.
Vòng quanh các thị trường
Diễn biến của các chỉ số chứng khoán chính trên thế giới ngày 31/08:
Lợi tức trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm giảm từ 2.54% xuống 2.48%.
Trên thị trường Mỹ, đồng USD giảm so với đồng EUR và đồng JPY nhưng tăng so với bảng Anh.
Giá vàng giao tháng 12 trên sàn COMEX tại New York tăng 11.10 USD/oz lên 1,250.30 USD/oz.
Giá dầu thô ngọt nhẹ giao tháng 10 trên sàn NYMEX giảm mạnh 3 USD/thùng xuống 71.70 USD/thùng.
Sơ lược các chỉ báo kinh tế công bố ngày 01/09: Australia: - 8h30: GDP quý 2 Trung Quốc: - 9h00: Chỉ số sản xuất PMI Đức: - 13h00: Doanh số bán lẻ Thụy Sỹ: - 14h30: PMI Mỹ: - 19h15: Báo cáo việc làm của ADB - 21h00: Chỉ số sản xuất ISM - 21h00: Chi tiêu xây dựng - 21h30: Báo cáo dự trữ dầu thô |
Nguồn: Vietstock