GDP Mỹ điều chỉnh tăng nhẹ lên 1.7%, Moody’s hạ một bậc tín nhiệm của Tây Ban Nha, Ireland bơm cho Anglo Irish tổng cộng 34 tỷ EUR, Trung Quốc áp dụng thử nghiệm thuế bất động sản, sản lượng công nghiệp Nhật ảm đạm, tỷ lệ thất nghiệp Đức giảm, nợ công quý 2 của Pháp tăng 56 tỷ EUR… là các thông tin thu hút được sự quan tâm của các thị trường tài chính thế giới trong 24h qua.
Kinh tế Mỹ
Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) quý 2 của Mỹ được điều chỉnh tăng nhẹ lên 1.7% từ mức 1.6% được công bố hồi tháng trước nhờ số liệu chi tiêu tiêu dùng và đầu tư hàng tồn kho được điều chỉnh tăng. Tuy nhiên, số liệu nhập khẩu sau điều chỉnh cũng gia tăng và hạn chế đà mở rộng của nền kinh tế. GDP quý 2 thấp hơn một nửa so với mức tăng trưởng mạnh 3.7% trong quý 1.
Bộ Lao động Mỹ thông báo số người lần đầu nộp đơn xin nhận trợ cấp thất nghiệp trong tuần kết thúc ngày 25/09 giảm 16,000 xuống 453,000 người, tốt hơn dự báo giảm xuống 460,000 người của các nhà kinh tế.
Chỉ số sản xuất PMI Chicago bất ngờ tăng vọt lên 60.4 điểm trong tháng 9 từ mức 56.7 điểm trong tháng 8 đồng thời đi ngược dự báo giảm xuống 56 điểm của các nhà kinh tế nhờ sự gia tăng của số đơn đặt hàng và sản lượng.
Kinh tế châu Âu
Chi phí giải cứu mà Ngân hàng Trung ương Ireland (ICB) dành cho Anglo Irish Bank lên tới 34 tỷ EUR. Số tiền này có thể khiến thâm hụt ngân sách Ireland phình to lên 32% GDP 2010. ICB cho rằng một ngân hàng quốc doanh khác cũng đang gặp khó khăn là Allied Irish Banks cần huy động thêm 3 tỷ EUR vào cuối năm nay. Theo ICB, chi phí dôi ra nhằm giải cứu Anglo Irish và Allied Irish yêu cầu nước này phải phát thảo lại kế hoạch ngân sách.
Trong bản đánh giá được chờ đợi lâu nay về tình hình hệ thống tài chính Ireland, ICB cho biết các ngân hàng nước này cần huy động thêm tới 14.3 tỷ EUR (tương đương 19.4 tỷ USD). Việc bơm vốn cho Anglo Irish có thể nâng tổng số tiền mà nước này dùng để giải cứu hệ thống ngân hàng lên mức 50 tỷ EUR, trong đó bao gồm cả việc bơm vốn bất ngờ cho Allied Irish Banks.
Triển vọng kinh tế yếu kém của Tây Ban Nha đã khiến Moody’s cắt giảm 1 bậc tín nhiệm của nước này từ Aaa xuống Aa1. Tuy nhiên, Moody’s nhận định triển vọng nợ của nền kinh tế lớn thứ tư châu Âu ổn định.
Theo số liệu ước tính của Cơ quan thống kê châu Âu (Eurostat), lạm phát tháng 9 tại 16 quốc gia Eurozone tăng 1.8% so với cùng kỳ năm ngoái, tiến sát mức trần 2% của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB). Đây là mức cao nhất kể từ tháng 11/2008, được biết khi đó lạm phát tăng 2.1%. Số liệu chi tiết sẽ được Eurostat công bố vào giữa tháng 10.
Tỷ lệ thất nghiệp tháng 9 tại Đức giảm từ 7.6% xuống mức thấp nhất kể từ tháng 11/2008 là 7.2%, đánh dấu 15 tháng suy giảm liên tiếp nhờ đà tăng trưởng khả quan của nền kinh tế.
Cơ quan Thống kê Pháp (Insee) cho biết nợ công quý 2 của nước này lên mức 1.59 ngàn tỷ EUR (tương đương 2.17 ngàn tỷ USD), tăng 56 tỷ EUR (tương đương 76.46 tỷ USD) cho với quý trước. Mức nợ công này chiếm 82.9% GDP, cao hơn tỷ lệ 80.4% trong quý 2.
Cùng ngày, Insee dự báo tăng trưởng kinh tế 2010 của Pháp tăng tốc lên 1.6%, cao hơn mục tiêu 1.5% do Chính phủ nước này đặt ra. Theo Insee, tăng trưởng bình quân của thời gian còn lại trong năm nay là 0.4%/quý.
Kinh tế châu Á
Trung Quốc sẽ đẩy mạnh việc áp dụng thử nghiệm thuế bất động sản tại một số thành phố và sau đó mở rộng đến khắp cả nước. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng yêu cầu các ngân hàng thương mại ngừng các chương trình cho vay đối với người mua nhà lần 3 và kéo dài chương trình giảm 30% tiền đặt cọc đối với tất cả những người mua nhà lần đầu.
Bộ Công nghiệp Nhật Bản công bố sản lượng công nghiệp tháng 8 giảm 0.3% so với tháng 7 và thấp hơn rất nhiều so với mức dự báo tăng 1.1% của các nhà kinh tế. Được biết, đây là tháng suy yếu thứ 3 liên tiếp và dự báo cuối năm tình hình sẽ tồi tệ hơn.
Ngân hàng Trung ương Australia (RBA) công bố bản báo cáo cho thấy tình hình hệ thống ngân hàng và các hộ gia đình nước này rất ổn định. Điều này đồng nghĩa với việc các điều kiện tài chính không còn là rào cản để RBA nâng lãi suất.
Vòng quanh các thị trường
Lợi tức trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm tăng từ 2.5% lên 2.52%.
Trên thị trường Mỹ, đồng USD tăng so với đồng EUR và bảng Anh nhưng giảm so với đồng JPY.
Giá vàng giao tháng 12 trên sàn COMEX tại New York giảm nhẹ 70 cent xuống 1,309.60 USD/oz sau khi chạm mức cao kỷ lục mới 1,316.20 USD/oz vào đầu phiên.
Giá dầu thô ngọt nhẹ giao tháng 11 trên sàn NYMEX tăng mạnh 2.11 USD/thùng lên 79.97 USD/thùng.
Sơ lược các chỉ báo kinh tế công bố ngày 01/10: Trung Quốc: Các thị trường tài chính nghỉ lễ Quốc khánh Nhật Bản - 06h30: Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) - 06h30: Tỷ lệ thất nghiệp Đức - 13h00: Doanh số bán lẻ - 14h35: PMI sản xuất Thụy Sỹ - 14h15: Doanh số bán lẻ - 14h30: PMI Eurozone - 14h58: PMI sản xuất - 16h00: Tỷ lệ thất nghiệp Mỹ - 19h30: Chỉ số chi tiêu tiêu thụ cá nhân - 19h30: Thu nhập cá nhân - 20h55: Tâm lý tiêu dùng của Đại học Michigan - 21h00: Chi tiêu xây dựng - 21h00: Chỉ số sản xuất của Viện quản lý nguồn cung (ISM) |
Nguồn: Vietstock