Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Ngày 05/10: Kinh tế, tài chính thế giới 24h qua

Chủ tịch FED cho rằng chương trình mua tài sản sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, Thủ tướng Ôn Gia Bảo cho biết Trung Quốc sẽ gia tăng nhu cầu nội địa để bình ổn kinh tế, Hiệp hội Thép Thế giới nâng dự báo nhu cầu thép năm 2010 và 2011, Hy Lạp công bố kế hoạch ngân sách khắc nghiệt cho năm 2011, các ngân hàng Thụy Sỹ cần tăng gần gấp đôi lượng vốn nắm giữ so với yêu cầu của chuẩn Basel III… là các điểm nhấn kinh tế tài chính thế giới trong 24h qua.

Hiệp hội Thép Thế giới (WSA) dự báo nhu cầu thép thế giới tăng 13.1% lên 1.27 tỷ tấn trong năm 2010 và tăng 5.3% lên 1.34 tỷ tấn vào năm 2011, mức cao nhất kể từ nửa đầu năm 2008. WSA cho biết Trung Quốc sẽ là nước có nhu cầu thép lớn nhất thế giới, tiếp theo là châu Âu. Theo WSA, việc rút lại các biện pháp kích cầu của Chính phủ và biến động tỷ giá toàn cầu có thể tác động xấu đến nhu cầu thép.

Kinh tế Mỹ

Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) Ben Bernanke cho rằng chương trình mua tài sản của FED sẽ làm giảm chi phí vay mượn và thúc đẩy đà phục hồi kinh tế. Theo Chủ tịch Bernanke, việc mua thêm nhiều tài sản có thể xoa dịu các điều kiện tài chính.

Viện Phá sản Mỹ (ABI) cho biết số đơn xin bảo hộ phá sản tiêu dùng 9 tháng đầu năm tại Mỹ tăng 11% so với cùng kỳ năm ngoái, từ 1,04 triệu đơn lên 1,17 triệu đơn, mức cao nhất kể từ năm 2005. ABI dự báo số hồ sơ xin bảo hộ phá sản sẽ tăng lên 1.6 triệu vào cuối năm nay.

Hiệp hội các nhà bất động sản quốc gia (NAR) thông báo doanh số nhà chờ bán tháng 8 tăng 4.3%, bỏ xa dự báo tăng 1% của các nhà kinh tế; dấu hiệu mới nhất cho thấy sự bình ổn của thị trường nhà ở.

Bộ Thương mại Mỹ công bố số đơn đặt hàng nhà máy tháng 8 giảm 0.5%, mạnh hơn so với dự báo giảm 0.4%; từ đó làm dấy lên nỗi lo sợ về sự suy giảm sâu của hoạt động sản xuất Mỹ.

Kinh tế châu Âu

Chính phủ Hy Lạp vừa công bố các biện pháp “thắt lưng buộc bụng” mới khiêm khắc hơn trong dự thảo ngân sách 2011. Cụ thể, Hy Lạp sẽ cắt giảm thâm hụt xuống 7%, thấp hơn mức trần 7.6% do Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Liên minh châu Âu (EU) quy định khi bơm gói giải cứu cho nước này vào tháng 5 năm nay. Biện pháp mà Hy Lạp thực hiện là đánh các loại thuế mới và nâng tỷ lệ thuế giá trị gia tăng (VAT) với kế hoạch huy động thêm 1 tỷ EUR doanh thu từ việc nâng thuế VAT.

Thụy Sỹ cho biết 2 ngân hàng lớn nhất nước này là UBS và Credit Suisse cần phải nắm giữ tổng số vốn chiếm ít nhất 19% giá trị tài sản, cao gần gấp 2 lần so với yêu cầu 10.5% của chuẩn Basel III mà Ủy ban Giám sát Ngân hàng Basel công bố hồi tháng trước.

Kinh tế châu Á

Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) thông báo lượng tiền cơ sở tháng 9 của nước này gia tăng tháng thứ 25 liên tiếp khi nhảy vọt 5.8% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo các nhà kinh tế, động thái nới lỏng chính sách tiền tệ gần đây của BOJ là nguyên nhân làm lượng tiền cơ sở gia tăng.

Theo dự báo của Bộ Thương mại Trung Quốc (MOC), thương mại giữa nước này và các quốc gia châu Phi sẽ phục hồi và vượt mức 100 tỷ USD trong năm nay. Số liệu của MOC cho thấy thương mại nửa đầu năm giữa Trung Quốc và châu Phi tăng vọt 65% so với cùng kỳ năm ngoái lên 61.2 tỷ USD. Hiện có hơn 1,600 doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư vào châu Phi trong các lĩnh vực nông nghiệp, khai mỏ, chế biến và sản xuất, cơ sở hạ tầng và thương mại. Trước đó, Trung Quốc cho biết sẽ ngừng đánh thuế lên 60% hàng hóa nhập khẩu từ ít nhất 26 quốc gia của châu lục này kể từ ngày 01/07/2010.

Trả lời phỏng vấn trên CNN, Thủ tướng Ôn Gia Bảo cho biết Trung Quốc sẽ giải quyết “các vấn đề cơ cấu” và bình ổn nền kinh tế bằng cách gia tăng nhu cầu nội địa.

Tại Hội nghị thượng đỉnh Á-Âu (ASEM) lần thứ 8 khai mạc ngày 04/10 tại thủ đô Brussells (Bỉ), Trung Quốc đã lịch sự từ chối lời kêu gọi tăng giá Nhân dân tệ nhanh hơn từ Liên minh châu Âu (EU) khi cho rằng mục tiêu của nước này là nhằm duy trì sự ổn định tỷ giá hối đoái.

Ngân hàng trung ương Hàn Quốc (BOK) công bố dự trữ ngoại hối của Hàn Quốc lên mức cao kỷ lục 289.78 tỷ USD trong tháng 9, tăng 4.42 tỷ USD so với tháng 8. BOK cho biết Hàn Quốc là nước có nguồn dự trữ ngoại hối lớn thứ 5 thế giới tính đến cuối tháng 8.

Vòng quanh các thị trường

 

Lợi tức trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm giảm từ 2.51% xuống 2.48%.Trong khi đó lợi tức trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 2 năm chạm mức thấp kỷ lục dưới 0.4%.

Trên thị trường Mỹ, đồng USD tăng so với đồng EUR và đồng JPY nhưng giảm nhẹ so với bảng Anh.

Giá vàng giao tháng 12 trên sàn COMEX tại New York giảm 1 USD/oz xuống 1,316.80 USD/oz.

Giá dầu thô ngọt nhẹ giao tháng 11 trên sàn NYMEX giảm 11 cent xuống 81.47 USD/thùng.

 Sơ lược các chỉ báo kinh tế công bố ngày 05/10:

Mỹ

- 06h30: Chủ tịch FED phát biểu

- 19h55: Chỉ số dịch vụ ISM

Australia

- 07h30: Cán cân thương mại

- 07h30: Kim ngạch xuất, nhập khẩu

- 07h30: Doanh số bán lẻ

- 10h30: NHTW Australia công bố lãi suất

Nhật Bản

- 10h00: NHTW Nhật Bản công bố lãi suất

Thụy Sỹ

- 14h15: Chỉ số giá tiêu dùng (CPI)

Đức:

- 14h53: Chỉ số dịch vụ PMI

Eurozone:

- 14h58: Chỉ số dịch vụ PMI

- 16h00: Doanh số bán lẻ

Anh

- 15h28: Chỉ số dịch vụ PMI

 

Nguồn: Vietstock

ĐỌC THÊM